Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng là làng nghề truyền thống nức tiếng lâu đời của địa phương, được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận Di sản phi vật thể quốc gia từ năm 2019 và được Đà Nẵng định hướng phát triển sản phẩm truyền thống gắn với du lịch cộng đồng. |
Theo những nghệ nhân để có được những mẻ mắm chuẩn vị truyền thống là không hề đơn giản. Mỗi năm, người dân Nam Ô chỉ ủ mắm 2 đợt vào tháng 3 hoặc tháng 7 âm lịch vì đây là thời điểm cá tươi ngon nhất để cho ra sản phẩm đạt độ thơm, béo không lẫn vào đâu được. |
Anh Bùi Thanh Phú, chủ cơ sở nước mắm Nam Ô thương hiệu “Hương Làng Cổ” cho biết, cá làm mắm phải là loại cá cơm than, được đánh bắt gần bờ biển Đà Nẵng thì mới tạo ra hương vị biển đặc trưng của làng nghề. “Ngay khi cá còn tươi sẽ được rửa sạch, đem ủ trong lu sành với tỷ lệ cá và muối nhất định. Cá thì của vùng biển Đà Nẵng, còn muối phải là muối của vùng Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi. Người Nam Ô thường ủ từ 1 năm đến 1 năm rưỡi để cá đảm bảo độ chín, thơm thì mới bắt đầu đến công đoạn lọc mắm”, anh Phú cho biết. |
|
Cũng theo anh Phú, sau khi ủ từ 12 đến 18 tháng, hỗn hợp mắm cá đã chín thơm thì bắt đầu công đoạn lọc lấy nước mắm. “Dụng cụ lọc mắm truyền thống là một cái giuộc đan bằng tre, có hình phễu, được lót thêm lớp vải để cho mắm lọc ra được sạch, trong, không còn cặn”, anh Phú nói và cho biết thêm, nước mắm Nam Ô chuẩn vị phải đạt tiêu chuẩn về màu sắc, hương thơm. Cụ thể, nước mắm sau khi lọc phải có màu vàng nâu cánh gián, để càng lâu càng trong. Đặc biệt, nước mắm phải đạt vị đậm đà xen lẫn vị ngọt của cá cơm than tươi, mùi phải thanh chứ không nồng. |
Tồn tại hơn 400 năm, làng nghề mắm Nam Ô từng trải qua nhiều thăng trầm nhưng hiện vẫn được các thế hệ con cháu kế tục, bảo tồn và phát triển gắn với du lịch. Hiện làng nghề có gần 100 gia đình gắn bó với nghề, trong đó có 10 cơ sở chế biến nước mắm có quy mô tương đối lớn, gần 20 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng. |
Hiện nay thương hiệu Nước mắm Nam Ô đã được đăng ký Logo, nhãn mác tập thể tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, được UBND TP Đà Nẵng công nhận sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2016. Để khai thác tiềm năng du lịch, UBND quận Liên Chiểu đang triển khai quy hoạch, xây dựng phòng trưng bày, bảo tàng nghề, làng nghề và khu trình diễn cho các nghệ nhân, các hộ làm mắm. Địa phương sẽ hỗ trợ giới thiệu các sản phẩm làng nghề vào các khu, điểm du lịch, các bến thủy nội địa, các trung tâm thương mại trên địa bàn quận. |
|
Trong những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, làng nghề nước mắm Nam Ô tất bật vì đây là dịp cao điểm cung cấp sản phẩm ra thị trường. Theo anh Phú, mỗi năm làng nghề Nam Ô cung cấp cho thị trường hơn 200.000 lít nước mắm thành phẩm, riêng dịp Tết chiếm tới 1/3 số lượng cả năm nên. |
"Nước mắm được đóng chai với nhiều mẫu mã bắt mắt, nhiều kích cỡ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là người dân, du khách ở xa. Thậm chí nhiều bà con Việt kiều về nước cũng tìm đến làng nghề để mua nước mắm đưa ra nước ngoài làm quà biếu. Nước mắm Nam Ô không chỉ mang lại giá trị vật chất mà còn là sản phẩm văn hóa tinh thần đặc sắc của làng nghề", anh Phú cho biết. |
Tác giả: Châu Thư
Nguồn tin: vtc.vn