Khi còn chơi chuyên nghiệp, tôi từng nhiều lần được đá trên SVĐ với hàng vạn khán giả cuồng nhiệt, hò hét và gào khóc trong sự sung sướng lẫn cả khổ đau. Tôi hay các đồng đội đều cảm nhận thấy, bóng đá suy cho cùng thành bại hay vinh quang thì cũng phải có khán giả đồng hành. Họ mới chính là thước đo chính xác nhất.
Từ SEA Games, AFF Cup đến các giải trẻ mà tôi từng thi đấu, rồi sau này khi giải nghệ và dù chỉ còn chơi bóng phong trào nhưng cứ nhìn khán giải ở Đô Lương - Nghệ An hay mới đây trận đấu từ thiện tại TX Ba Đồn - Quảng Bình thì cảm xúc và sự cảm nhận cũng chẳng khác là mấy.
Chúng tôi đá bóng ở sân chơi chuyên nghiệp hay các giải đấu lớn thì NHM cũng cổ vũ động viên, và nay chúng tôi đá bóng phong trào hay một giải đấu bất kỳ với mục đích khác thì cũng muốn cho khán giả, NHM xem và thưởng thức. Họ đến sân, nêm kín các khán đài, thậm chí ngồi tràn cả vào sân để dõi theo từng cầu thủ, từng đường bóng và từng pha bóng rồi hò reo ăn mừng, đó là thứ giá trị.
World Cup, Champions League, SEA Games hay AFF Cup, tôi nghĩ cuối cùng cũng chỉ đến vậy. Bởi bóng đá đơn giản phải có khán giả, NHM đồng hành và chính nó sẽ là một thước đó cho sự thành công.
HA.GL với lứa cầu thủ U.21 vừa vô địch một giải đấu chỉ mang tính chất giao hữu, mà đã là giao hữu thì chuyện thắng thua, thành tích đâu có quan trọng. Nhưng họ vô địch và làm được nhiều hơn thế.
Khán giả kéo đến sân đông, vé chợ đen buôn bán tấp nập, các nhà tài trợ hài lòng, BTC thì hân hoan với thành công còn các cầu thủ ôm nhau ăn mừng trong niềm hạnh phúc... Mong chờ gì hơn thế nào, ở một giải đấu?
Đó là thành công. Thử hỏi, làm hay chơi bóng đá cuối cùng là gì? Có phải lợi nhuận, hình ảnh và sự ghi nhận, cổ động của khán giả không? Bóng đá đỉnh cao hay chuyên nghiệp ở thế giới tôi nghĩ cũng chỉ như thế. Và với bầu Đức hay chính các cầu thủ HA.GL, họ cũng chỉ cần vậy.
Ca sĩ hát, phải có người nghe và bóng đá phải có người xem. Thế thôi…
Tác giả bài viết: Phạm Văn Quyến
Nguồn tin: