Số hóa

Làm sao để xác định thuê bao có thể bị khóa sau ngày 31/3?

Làm sao để xác định thuê bao có thể bị khóa sau ngày 31/3 là băn khoăn của nhiều người.

Người dùng nên chủ động kiểm tra, xác thực các thông tin liên quan đến số điện thoại đang sử dụng để kịp thời chuẩn hóa trước thời điểm 31/3.

Thế nào là thuê bao trùng thông tin theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư?

Theo giải thích từ các nhà mạng trong nước, khi đăng ký thuê bao (số điện thoại), người dùng phải khai các thông tin cá nhân để xác thực gồm họ tên, ngày sinh, số CMT/CCCD, địa chỉ nơi cư trú... cùng với ảnh chụp chân dung cá nhân.

Thông tin cụ thể hơn được quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP liên quan đến cá nhân sở hữu số điện thoại gồm số thuê bao, đối tượng sử dụng, thông tin trên giấy tờ tùy thân của người đăng ký bao gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số giấy tờ tùy thân và ngày cấp, cơ quan cấp, nơi cấp. Ngoài ra còn bao gồm bản số hóa giấy tờ của cá nhân, tổ chức kèm ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng, hình thức thanh toán cước, họ tên nhân viên, thời gian thực hiện giao dịch, địa chỉ và số điện thoại liên hệ của điểm cung cấp dịch vụ viễn thông.

Khi các thông tin đăng ký số điện thoại trùng với dữ liệu được khai báo trên Cơ sở dữ liệu quốc gia CSDLQG về dân cư (họ tên, CCCD, ngày sinh, nơi sinh...) thì số thuê bao được xác định đã chuẩn hóa không tin và có thể tiếp tục hoạt động mà không cần thay đổi, chỉnh sửa. Người sử dụng số điện thoại có thông tin đăng ký chủ sở hữu trùng khớp với CSDLQG về dân cư không cần lo lắng về việc bị khóa thuê bao một chiều.

Làm sao để xác định thuê bao có thể bị khóa sau ngày 31/3?

Chủ số điện thoại đang sử dụng có thể tự kiểm tra thông tin qua các ứng dụng hoặc website chính thức của nhà mạng di động đang sử dụng. Ngoài ra, một phương án kiểm tra khác là đến quầy giao dịch, đại lý để nhân viên tại đây hỗ trợ.

Trường hợp không chính chủ

Không ít thuê bao đang hoạt động ở hình thức không chính chủ. Điều này có nghĩa người đang sử dụng số điện thoại trong hoạt động liên lạc hàng ngày không phải chủ sở hữu đã đăng ký thông tin gắn liền với thuê bao đó.

Trong trường hợp thông tin chủ sở hữu trùng với CSDLQG về dân cư, số điện thoại vẫn được tính hợp lệ và không cần cập nhật trong đợt rà soát lần này. Tuy nhiên, việc sử dụng thuê bao không chính chủ sẽ khiến người dùng không được pháp luật bảo vệ trong các trường hợp xảy ra tranh chấp, đồng thời tiềm ẩn rủi ro liên quan đến các vấn đề nhạy cảm.

Theo đó, thuê bao không chính chủ có thể gặp khó khăn khi phát sinh nhu cầu thực hiện giao dịch trong quá trình sử dụng, ví dụ như mất SIM thì việc cấp lại hay đổi mới sẽ gặp nhiều khó khăn do cần xác thực người đăng ký sở hữu. Trong thời đại công nghệ phát triển, số điện thoại được gắn liền với nhiều dữ liệu, tài khoản cá nhân như mạng xã hội, ngân hàng, bảo hiểm.

"Số điện thoại có thông tin không chính xác dẫn đến nguy cơ khách hàng bị mất các tài khoản trên. Bên cạnh đó, người dùng sẽ gặp khó khăn trong việc làm tài khoản cấp mã định danh công dân, cấp hộ chiếu, thị thực nếu thông tin thuê bao không trùng khớp với CSDLQG về dân cư", đại diện một nhà mạng lớn khẳng định.

Xử lý thế nào khi bị khóa một chiều?

Trước hết, để đảm bảo không bị khóa một chiều (gọi đi), người dùng nên thực hiện việc chuẩn hóa thông tin theo hướng dẫn từ nhà mạng sau khi nhận tin nhắn thông báo yêu cầu. Sau 15 ngày từ khi nhận tin nhắn, thuê bao sẽ bị khóa một chiều và nhà mạng khóa chiều thứ hai (gọi đến) sau 15 ngày tiếp theo. Người dùng có tối đa 1 tháng kể từ khi bị khóa 2 chiều để đăng ký, chuẩn hóa thông tin. Hết thời hạn trên, thuê bao sẽ bị chấm dứt hợp đồng (thu hồi số).

Trường hợp cho rằng số điện thoại của mình bị khóa nhầm dù đầy đủ thông tin đăng ký hợp pháp, trùng khớp với CSDLQG về dân cư, chủ thuê bao có thể liên hệ trực tiếp với tổng đài của nhà mạng hoặc gặp hỗ trợ viên ở đại lý để được hướng dẫn hoàn tất thủ tục, đối chiếu trước khi hết thời hạn 30 ngày.

Tác giả: Khánh Linh

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP