Trong tỉnh

Làm rõ lịch sử 990 năm của danh xưng Nghệ An

Sáng 30.11, tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An phối hợp với trường Đại học khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo khoa học “Nghệ An- 990 năm hình thành và phát triển”.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Nghệ An- 990 năm hình thành và phát triển”. Ảnh: Cương Giang

Tham dự Hội thảo có GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải Phó Giám đốc Thường trực Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.TS Hoàng Anh Tuấn Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; TS. Thái Thanh Quý- Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.

Nhà nghiên cứu Đào Tam Tỉnh - nguyên Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An trình bày tham luận tại Hội thảo khoa học “Nghệ An- 990 năm hình thành và phát triển”. Ảnh: Cương Giang

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà lãnh đạo và quản lý, nhà nghiên cứu đã trình bày các tham luận, làm rõ lịch sử 990 năm của danh xưng Nghệ An, những truyền thống tốt đẹp, rực rỡ, độc đáo của mảnh đất Nghệ An, những đóng góp của Nghệ An đối với quá trình dựng nước và giữ nước, đặc sắc về văn hóa, lịch sử, con người Nghệ An.
Theo báo cáo đề dẫn Hội thảo, ngay từ buổi bình minh của lịch sử loài người, tổ tiên của cư dân Nghệ An đã sớm bắt đầu và phát triển từ những con người hái lượm, ghè đá trên hang Thẩm Ồm (Quỳ Châu); vắt gốm, đúc đồng trên đất Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu); đến luyện sắt, trồng lúa nước trên Đồng Mỏm (Diễn Châu)… Những dấu tích kể trên chính là bằng chứng khẳng định đóng góp của cộng đồng cư dân Nghệ An đối với sự hình thành nền văn hóa, văn minh đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Với truyền thống và bề dày lịch sử hào hùng, vị thế, danh xưng Nghệ An đã được khẳng định và ghi chép khá thống nhất, toàn diện và sáng tỏ trong nhiều bộ chính phương sử, cũng như dư địa chí của các nước lân bang từ thời cổ đại đến cận đại, trong các thư tịch, văn bia và các công trình nghiên cứu từ xưa đến nay.

Sự ra đời của danh xưng Nghệ An được khắc họa đậm nét thông qua các cứ liệu lịch sử. Trong cuốn “Hoàng Việt địa dư chí”, học giả Phan Huy Chú viết: “Nghệ An xưa thuộc đất Việt Thường, thời Tần thuộc Tương Quận, thời Hán gọi là Hàm Hoan thuộc quận Nhật Nam… thời Đường gọi là Hoan Châu và Diễn Châu. Thời Ngô, Đinh, Tiền Lê vẫn gọi là Hoan Châu và Diễn Châu. Năm 1030 (Thiên Thành thứ 3), Vua Lý Thái Tông đổi Hoan Châu thành Nghệ An”.

Từ đây, địa danh Nghệ An chính thức đi vào lịch sử dân tộc và tồn tại sâu thẳm trong tâm thức các thế hệ cư dân Nghệ An cho tới ngày nay.

Phát biểu khai mạc Hội thảo – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung khẳng định: “Với niềm tin và kỳ vọng lớn lao, thông qua Hội thảo này, tỉnh Nghệ An mong muốn quý vị đại biểu, các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong cả nước sẽ phân tích, thảo luận, nghiên cứu, làm rõ và cung cấp các luận cứ khoa học, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp góp phần hoạch định các chủ trương, chính sách, cơ chế nhằm xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh; tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại với khát vọng vươn lên, góp phần đưa Nghệ An phát triển nhanh và bền vững”.

Tác giả: QUANG ĐẠI

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP