Ví - Giặm là Di sản Văn hóa phi vật thể thứ 9 của Việt Nam được UNESCO vinh danh từ năm 2014. Từ khi được công nhận đến nay, người dân Nghệ An nói riêng, các nhà nghiên cứu văn hóa nói chung đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo những phương thức bảo tồn di sản văn hóa hiệu quả và lâu bền, đặc biệt là nhiệm vụ đưa Ví - Giặm từ sân khấu về với môi trường dân gian.
Ví - Giặm được lưu truyền trong dân gian lâu đến nỗi các nhà nghiên cứu cũng không thể biết chính xác nó xuất hiện từ bao giờ. Tuy nhiên, từ sau 1945, do không còn môi trường diễn xướng nên Ví - Giặm bị mai một và mất dần giá trị nguyên gốc. Một số công trình nghiên cứu, sưu tầm khá quy mô về Ví - Giặm có ưu điểm chính xác về mặt văn bản nhưng lại có những hạn chế về nhận diện giá trị nguyên bản.
Ví - Giặm được lưu truyền trong dân gian lâu đến nỗi các nhà nghiên cứu cũng không thể biết chính xác nó xuất hiện từ bao giờ. Tuy nhiên, từ sau 1945, do không còn môi trường diễn xướng nên Ví - Giặm bị mai một và mất dần giá trị nguyên gốc. Một số công trình nghiên cứu, sưu tầm khá quy mô về Ví - Giặm có ưu điểm chính xác về mặt văn bản nhưng lại có những hạn chế về nhận diện giá trị nguyên bản.
Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca Ví - Giặm là điều khiến những người có trách nhiệm trăn trở.
Trong những năm qua, các câu lạc bộ dân ca Ví - Giặm được thành lập và đã phát huy hiệu quả trong công tác bảo tồn loại hình nghệ thuật độc đáo này. Theo thống kê, hiện 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã có 51 câu lạc bộ dân ca Ví - Giặm với sự tham gia sinh hoạt của hơn 800 nghệ nhân. Thông qua các kỳ liên hoan, hội diễn, các câu lạc bộ này cũng đã dần hoàn thiện tổ chức và hoạt động thường xuyên.
Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca Ví - Giặm, đưa nó trở về đúng vị trí khởi phát cũng là điều khiến những người có trách nhiệm trăn trở. Có ý kiến cho rằng, đưa Ví - Giặm vào trường học là một trong những cách thức bảo tồn hiệu quả và khả thi nhất. Tại Nghệ An, Hà Tĩnh, việc đưa Ví - Giặm vào trường học đã được thực hiện từ vài chục năm nay. Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Lựu cho biết: “Cách đây 22 năm chúng tôi đã phải đi khắp nơi, đến các trường học trên mảnh đất này để dạy cho các cháu, truyền lại cho các cháu những lời ca, điệu Ví để mong những người dân của xứ Nghệ bây giờ và sau này không quên làn điệu dân ca Ví - Giặm. Sau bao nhiêu năm cùng biết bao nhiêu cố gắng thì Ví - Giặm vẫn tồn tại cho đến ngày nay, đó là một niềm hạnh phúc rất lớn của chúng tôi”. Tuy nhiên, bà Hồng Lựu cũng nhìn nhận vấn đề thẳng thắn: “Các nghệ nhân đóng một vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy tiếng hát dân ca. Nhưng hiện nay, các nghệ nhân lớn tuổi của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cứ mai một dần, do vậy, cần có cơ chế chính sách cho các nghệ nhân để phát huy vai trò của họ trong công tác bảo tồn”.
Chưa dừng lại ở đó, với mục tiêu khuyến khích, khơi dậy phong trào dạy và học hát dân ca trong các nhà trường, góp phần vào bảo tồn phát huy di sản dân ca, Ví - Giặm xứ Nghệ, kể từ năm 2014, các địa phương có Ví - Giặm đã chỉ đạo các cấp các ngành liên quan tổ chức Hội thi “Tiếng hát dân ca Ví - Giặm học sinh bậc trung học”. Hội thi đã thu hút và tạo được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các trường học trên địa bàn toàn tỉnh. Các tỉnh, thành có Ví - Giặm cũng cho biết, họ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các nhà trường, các đội văn nghệ, bổ sung các giáo viên có trình độ, có chuyên môn trong dạy hát dân ca. Từ đó, đưa tiếng hát dân ca vào trường học trở thành nhiệm vụ thường xuyên.
Cho đến nay, Ví - Giặm vẫn sống, nhưng chủ yếu là sống trên sân khấu chuyên nghiệp, trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trong các lễ hội và “ký sinh” trong một số ca từ đương đại, mà không có được sự tồn tại tự nhiên trong dân gian như ngày xưa. Suy cho cùng, bảo tồn di sản trong đó có Ví - Giặm không phải việc dễ!
Tác giả bài viết: Nam Phương