Xe

Lái ô tô khi ngập nước: Nóng vội dễ gây hỏng nặng

Khi lái ô tô qua khu vực ngập nước, tài xế càng nóng vội nguy cơ làm xe hỏng nặng càng cao, đó là chưa kể đến sự an toàn của bản thân và người xung quanh.

Video: Lái ô tô qua vùng ngập nước cần phải thận trọng, tránh nóng vội


Tình trạng mưa lớn kéo dài dẫn đến ngập nước trong nhiều ngày qua tại TP.HCM chưa có dấu hiệu chấm dứt. Nhiều tuyến đường ngập nặng lên tới hơn 1 mét không chỉ gây trở ngại giao thông, mà còn dẫn đến thiệt hại cho hàng ngàn phương tiện. Riêng đối với ô tô, nước là tác nhân cực kỳ nguy hiểm bởi có thể tác động trực tiếp đến khả năng làm việc và tuổi thọ của một loạt bộ phận trên xe.

Cho dù là xe phổ thông hay xe sang đi nữa, khi lái xe qua vùng ngập nước đều có nguy cơ xảy ra vấn đề, may chăng những chiếc SUV, xe bán tải có gầm cao mới có đủ khả năng lội nước sâu. Một khi nước tràn vào động cơ và khoang nội thất, hậu quả chắc hẳn ai cũng đoán được, nhẹ thì làm giảm hiệu quả côn, phanh hay gây ra chập điện, còn nặng thì phải thay cả hệ thống điện và cụm động cơ mới, chi phí sửa chữa có thể lên tới hàng chục đến cả trăm triệu đồng.

Trường hợp bị ngập nặng, nước tràn vào khoang nội thất xe


Chưa để cập đến các nguyên tắc phức tạp về kỹ thuật, một lưu ý đơn giản mà bất cứ ai khi tham gia giao thông qua vùng nước ngập đều có thể thực hiện được, đó là luôn thận trọng, chậm mà chắc. Thông thường, khi trời mưa hoặc chạy xe qua các tuyến đường ngập nước, mọi người sẽ cố gắng chạy càng nhanh càng tốt, nhưng thói quen này hoàn toàn sai lầm. Xe chạy nhanh sẽ tạo nên sóng nước, làm mực nước ngập dâng cao, nhiều trường hợp vốn dĩ xe có thể chạy qua mà không gặp vấn đề gì, nhưng lại bị nước do xe khác chạy ngang, hoặc từ chính đầu xe mình tạt vào gây ra hỏng hóc. Hơn thế nữa, nước còn có thể bắn lên người khác (nhất là xe máy) khiến đối phương mất lái dẫn đến va chạm/tai nạn.

Khi thấy trời mưa to, tốt nhất nên chọn tuyến đường ít ngập, dù vòng vèo xa hơn nhưng lại an toàn cho cả người lẫn xe, đôi khi lại nhanh hơn bởi tránh được ùn tắc lẫn chết máy. Nếu gặp phải tình huống không thể tránh được, buộc phải lội nước, nên chạy xe ở số thấp (ở xe số sàn), giữ đều ga và đi chậm rãi, đồng thời báo hiệu cho xe ngược chiều giảm tốc để tránh tạo sóng cao.

Nước vào khoang động cơ ô tô nguy cơ gây ra thủy kích rất lớn


Nếu mức nước cao đến giữa ba-đờ-sốc (Padeshock), tốt nhất nên tắt máy và đẩy xe, gọi cứu hộ đưa xe đến vùng cao hơn. Dừng xe giữa vùng nước ngập là một điều khó chịu và bất khả kháng mà người sử dụng ô tô không hề muốn gặp. Tuy nhiên, đây là việc làm cần thiết và quan trọng để không có thêm các thiệt hại và hư hỏng do nước ngập gây ra. Ngoài ra, nếu không may xe bị chết máy, tuyệt đối không được cố khởi động lại xe; lúc này nên đóng cửa xe để tránh nước lọt hoặc lọt thêm nữa vào bên trong xe gây hư hỏng nội thất và các thiết bị, đặc biệt là các thiết bị điện tử, đồng thời liên lạc ngay với các đơn vị cứu hộ để đưa xe ra khỏi vùng ngập càng sớm càng tốt, đưa xe về các xưởng dịch vụ chính hãng để kiểm tra.

Tác giả bài viết: Thành Trà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP