Kinh tế

Kỳ vọng những phiên đấu giá cá ngừ đại dương triệu USD ngay tại Phú Yên

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên kỳ vọng tương lai gần sẽ có những phiên đấu giá cá ngừ đại dương hàng triệu USD sau khi tỉnh này ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Kiyomura.

UBND tỉnh Phú Yên vừa ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Kiyomura (Nhật Bản) về hợp tác phát triển thủy sản nhằm phát huy triển, đặc biệt là phát triển sản phẩm cá ngừ đại dương.

Trả lời VTC News về sự kiện quan trọng này, bà Hồ Thị Nguyên Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết rất kỳ vọng trong tương lai gần sẽ có những phiên đấu giá cá ngừ đại dương hàng triệu USD ngay tại Phú Yên.

Hiện tại giá trị cá ngừ đại dương do ngư dân Phú Yên khai thác mang lại chưa cao. (Ảnh: Thanh Ba)

- Nội dung hợp tác giữa Phú Yên và Tập đoàn Kiyomura (Nhật Bản) là gì, thưa bà?

UBND tỉnh vừa ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Kiyomura về hợp tác phát triển thủy sản, cụ thể là trao đổi kinh nghiệm và những thực tiễn tốt về các mô hình phát triển thủy sản, đặc biệt là phát triển sản phẩm cá ngừ đại dương, chia sẻ các vấn đề về khai thác kinh tế và công nghệ, quản trị và marketing sản phẩm thủy sản.

Trong thời gian tới, khi triển khai cụ thể biên bản ghi nhớ này, hai bên sẽ thảo luận và thống nhất mô hình và nội dung hợp tác phát huy thế mạnh của hai bên.

Phú Yên có nguồn lợi cá ngừ dồi dào, ngư dân có kinh nghiệm đánh bắt, còn Tập đoàn Kiyomura có thế mạnh về công nghệ khai thác, chế biến và thị trường tiêu thụ. Hy vọng thời gian tới sự hợp tác này sẽ làm gia tăng giá trị và phát triển bền vững ngành hàng cá ngừ đại dương tỉnh Phú Yên.

- Khi có sự vào cuộc của Kiyomura liệu có diễn ra những phiên đấu giá cá ngừ đại dương hàng triệu USD tại Phú Yên?

Nếu sự hợp tác đầu tư chợ đấu giá cá ngừ đại dương tại Cảng cá ngừ Đông Tác đúng như ý tưởng của Tập đoàn Kiyomura thì chắc chắn sẽ diễn ra những phiên đấu giá cá ngừ đại dương hàng triệu USD ngay tại Phú Yên.

Bà Hồ Thị Nguyên Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên

Tôi tin là sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ về thị trường, phương thức khai thác, đánh bắt, giá cá ngừ khi có sự vào cuộc của Kiyomura, vì đây là tập đoàn nổi tiếng về ngành công nghiệp cá ngừ.

Nếu sự hợp tác đầu tư chợ đấu giá cá ngừ đại dương tại Cảng cá ngừ Đông Tác đúng như ý tưởng của Tập đoàn Kiyomura thì chắc chắn sẽ diễn ra những phiên đấu giá cá ngừ đại dương hàng triệu USD tại Phú Yên.

Ngư dân Phú Yên đã từng câu được những con cá ngừ 200-300 kg nhưng chỉ bán trên dưới 100 triệu đồng.

- Vì sao giá cá ngừ đại dương của Phú Yên lại quá rẻ so với cá ngừ khai thác ở Nhật, thưa bà?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giá cá ngừ đại dương của Phú Yên rẻ hơn nhiều so với giá cá ngừ khai thác ở Nhật, nhưng nguyên nhân chính là do chất lượng cá ngừ mà ngư dân tỉnh Phú Yên khai thác thấp hơn so với cá ngừ ngư dân Nhật khai thác.

Bởi vì, công nghệ đánh bắt cá ngừ của ngư dân Phú Yên nói riêng và hầu hết ngư dân trong cả nước nói chung là còn chạy theo số lượng, chưa quan tâm đến chất lượng, chưa quen với công nghệ đánh bắt theo chuỗi.

Cạnh đó, công nghệ bảo quản sau đánh bắt còn theo lối truyền thống, chưa đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu nên chất lượng cá chưa cao. Mặt khác, thị trường tiêu thụ còn hạn chế, giá trị mang lại chưa cao.

- Vậy hiện trạng trữ lượng cá ngừ trên ngư trường của Việt Nam ra sao?

Theo điều tra của Bộ NN&PTNT, sản lượng cá ngừ đại dương Việt Nam có thể khai thác khoảng 20.000 tấn/năm. Trong đó ngư dân Phú Yên khai thác 3.000-5.000 tấn/năm. Nếu hợp tác với Tập đoàn Kiyomura thành công thì sản lượng sẽ tăng lên 7.000-10.000 tấn/năm.

Kỳ vọng trong tương lai gần sẽ có những phiên đấu giá cá ngừ đại dương hàng triệu USD tại Phú Yên.

- Theo bà, Phú Yên sẽ làm gì để phát triển ngành đánh bắt và chế biến cá ngừ đại dương?

Tôi cho rằng cần cải tiến tàu, trang thiết bị, công nghệ khai thác; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sản xuất; đầu tư hoàn thiện hạ tầng phục vụ ngành hàng cá ngừ; và hợp tác với Tập đoàn Kiyomura để tiếp nhận, chuyển giao công nghệ khai thác, chế biến và hưởng lợi thế mạnh thị trường của họ.

- Ngoài cá ngừ, Phú Yên phát triển cây cao lương ra sao với sự hợp tác của Công ty TNHH eREX đến từ Nhật Bản?

Tỉnh Phú Yên có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp, diện tích canh tác lúa khoảng 57.000 ha/năm, đất trồng cây hàng năm khác trên 100.000 ha, trong đó các cây trồng cạn chủ lực như mía, sắn, bắp...

Cao lương là loại cây trồng mới, được du nhập về Phú Yên những năm gần đây và bước đầu cho thấy loại cây này phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, là cây có khả năng tái sinh mạnh, có thể thu hoạch nhiều lần/năm, cho năng suất sinh khối cao (có thể đạt tới 150-200 tấn/ha).

UBND tỉnh Phú Yên cũng đã ký bản ghi nhớ với Công ty TNHH eREX Nhật Bản về phát triển vùng nguyên liệu trồng cây cao lương tại tỉnh (trong đó ứng dụng công nghệ tự động hóa tiên tiến của Nhật Bản vào quá trình sản xuất) và các dự án sử dụng nguyên liệu từ cây cao lương. Đây chính là cơ hội, là tiền đề để cây cao lương phát triển tại địa phương.

Hiện nay, khi Luật Quy hoạch 2017 đã có hiệu lực, các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể đều được bãi bỏ (theo điểm d, khoản 1, điều 59 của Luật Quy hoạch).

Do vậy, việc phát triển và ổn định vùng nguyên liệu nói chung và nguyên liệu cây cao lương nói riêng ngoài tiềm năng về đất đai, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng... và định hướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước... sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự hợp tác giữa doanh nghiệp và người dân.

Với sự đầu tư các giống cao lương mới có tiềm năng năng suất cao, ứng dụng công nghệ tự động hóa, sẽ làm tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất.

Mặt khác, việc liên kết sản xuất theo chuỗi và đầu tư quy trình sản xuất, chế biến với nhiều sản phẩm đa dạng (điện sinh khối, viên nén...) của phía đối tác Nhật Bản thì sẽ góp phần làm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tôi hy vọng rằng, cây cao lương sẽ mở ra cơ hội phát triển mới cho người nông dân, mang lại hiệu quả cho ngành nông nghiệp, góp phần chuyển đổi cây trồng trên địa bàn tỉnh.

- Xin cảm ơn bà!

Tác giả: XUÂN TIẾN - VĂN QUY

Nguồn tin: vtc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP