Trong tỉnh

Kỳ cuối: Nâng cao trách nhiệm, xử lý nghiêm khắc người đứng đầu để xảy ra phá rừng

Không riêng gì tại huyện Quỳ Châu, tình trạng phá rừng lâu nay vẫn âm ỉ tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Cuộc chiến giữ rừng cần phải đặt vào thế “khốc liệt” nhất, cứng rắn nhất, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, người được giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng. Nếu để xảy ra phá rừng thì phải xử lý nghiêm khắc, không có bao che, không có “vùng cấm”.

Đừng để “cha chung không ai khóc”

Sau khi loạt bài “Phóng sự - “Chuyện buồn giữa đại ngàn Quỳ Châu” được đăng tải, chúng tôi đánh giá cao trách nhiệm, sự vào cuộc kịp thời từ các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An trước những vấn đề báo phản ánh. Sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương ấy phần nào đã thể hiện rõ tinh thần, trách nhiệm cao, cứng rắn từ lãnh đạo tỉnh Nghệ An, cũng như các đơn vị chức năng tỉnh này trước một vấn đề lớn liên quan tới rừng. Dẫu rằng trong điều kiện dịch Covid-19 đang có nhiều ảnh hưởng, tác động trên địa bàn toàn tỉnh, công tác phòng chống dịch hết sức cân não, nhưng song song đó người đứng đầu chính quyền vẫn không lơ là, bỏ qua những vấn đề bức thiết khác.

Ngay sau khi báo phản ánh, đã có nhiều cơ quan chức năng, đơn vị, công an tỉnh Nghệ An vào cuộc xem xét thực tế, thực trạng về câu chuyện rừng tại huyện Quỳ Châu. Đến nay, mọi việc vẫn đang được chỉ đạo nghiêm túc, cụ thể và công tác kiểm tra, đo đếm vẫn đang được đơn vị chức năng tiến hành làm rõ, để có cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật đối với những hành vi liên quan.

Theo thông tin chúng tôi vừa nắm được, hiện nay huyện Quỳ Châu đã có báo cáo ban đầu, sơ bộ về những nội dung tố cáo của các hộ dân xã Châu Phong, cũng như những nội dung báo chí phản ánh liên quan chuyện rừng tại Quỳ Châu như đã thông tin trong 3 kỳ trước. Về sơ bộ, báo cáo này khẳng định việc báo nêu là có cơ sở, từ hình ảnh báo nêu trong bài viết, lực lượng chức năng xác định được có 2 vị trí xảy ra khai thác rừng trái pháp luật tại lô 5, khoảnh 5, tiểu khu 203 và lô 54, khoảnh 5, tiểu khu 201. Có 2 khu vực có dấu hiệu phá rừng trái pháp luật tại lô 15, khoảnh 3, tiểu khu 201 và tại khoảnh 2, tiểu khu 201. Quá trình kiểm tra, Cảnh sát môi trường, Kiểm lâm huyện Quỳ Châu đã lập biên bản, đang tiếp tục tiến hành xác minh và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Nếu không có những giải pháp thì những khoảnh rừng tái sinh như này cứ thế bị "cạo trọc" theo đề án

Như vậy, không chỉ thời gian này, mà từ lâu nay, rừng tự nhiên tại huyện Quỳ Châu đã và đang bị xâm phạm đó là một thực tế có thật, hết sức đáng buồn. Nhìn từ báo cáo của UBND huyện Quỳ Châu chúng tôi thấy phần đó đó sự chưa chặt chẽ, nghiêm túc trong công tác giữ rừng, bảo vệ rừng trên địa bàn. Đã đến lúc huyện Quỳ Châu cần có một cuộc “thay máu” và hành động quyết liệt hơn nữa trong công tác giữ rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái rừng vốn dĩ rất giàu có mà ít có địa bàn nào có được như Quỳ Châu.

Nhận diện những “tồn tại, hạn chế” trong công tác giữ rừng, bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương, báo cáo này cũng nêu: UBND xã Châu Phong chưa thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước. Chưa thực sự bám sát để chỉ đạo việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.

Hạt kiểm lâm Quỳ Châu chưa sát với yêu cầu, nhiệm vụ, việc nắm bắt thông tin và xử lý vi phạm có lúc chưa kịp thời. Công tác theo dõi cập nhập diễn biến rừng chưa kịp thời, số liệu quản lý và thực tế ngoài hiện trường còn có nhiều sai sót.

Nếu không xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý hoặc tiếp tay phá rừng thì "máu rừng" vẫn sẽ đổ xuống như này.

Công tác quản lý về đất đai tại địa phương còn hạn chế. Công tác giao đất lâm nghiệp còn chưa đảm bảo đúng quy định, quy trình, cụ thể như: Lập hồ sơ tài liệu chưa đầy đủ, nội dung giữa bản đồ và thực địa không trùng nhau, khi giao đất không giao nhận thực địa nên các chủ rừng không biết đất giao ở đâu...

Mới sơ bộ, qua kiểm tra, đánh giá về thực trạng rừng bị phá, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại huyện Quỳ Châu đã phần nào cho thấy những “lỗ hổng”. Điều đáng buồn là những “lỗ hổng” ấy lại đến từ đơn vị quản lý, chính quyền địa phương, chủ rừng. Chính điều đó đã phần nào tạo nên những “kẽ hở” để rồi rừng Quỳ Châu vẫn liên tục bị phá, bị xâm phạm đến xót xa. Và nếu tiếp tục như vậy, không có một giải pháp căn cơ thì ai dám khẳng định rằng tương lai đại ngàn Quỳ Châu còn “đổ máu”, hay thậm chí là “khô máu”. Rừng tự nhiên, rừng tái sinh bị xóa sổ, trở thành những cánh rừng keo, trong khi lũ lụt, hạn hán xảy khiến bao người phải khổ sở, mất mát, nhà nước tiêu tốn ngân sách để củng cố, hỗ trợ, giúp dân, một phần do hệ lụy rừng bị tàn phá, thì một số cá nhân lại “ung dung đút túi” những khoản tiền lớn nhờ phá rừng trồng keo mà có được ?!

Đi qua những mảnh rừng xanh vừa bị hạ sát, cháy sém, cắt khúc vứt ngan ngản, trơ trụi giữa đại ngàn, chúng tôi đã thấy vô cùng xót xa. Đọc những nội dung từ bản báo cáo của huyện Quỳ Châu, càng thấy buồn hơn. Bao năm qua, chuyện giữ rừng, bảo vệ và phát triển rừng luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, khiến nhiều nghị trường trở nên nóng và mang tính cấp bách, với những chỉ đạo bằng mọi giá phải giữ rừng, bảo vệ và phát triển rừng. Trong khi đó hiện thực rừng tại huyện Quỳ Châu lại như vậy.

Hãy nhìn thẳng vấn đề và có giải pháp cấp bách, cứng rắn

Một bản báo cáo dài tới 12 trang giấy nhưng dường như còn chưa mang tính thuyết phục, đó là cách viện dẫn trình bày mang tính chung chung, đại khái. Huyện Quỳ Châu cần phải xác định rõ việc thực hiện đề án, chuyển đổi rừng liệu đã đúng ? Việc thực hiện đề án, kiểm tra, giám sát như thế nào mà để xảy ra việc làm đề án trồng keo mà “xơi luôn” cả rừng tự nhiên? Ai phải chịu trách nhiệm khi mà những năm qua rừng vẫn bị xâm phạm? Công an huyện, Kiểm Lâm, chủ rừng, Chủ tịch xã hay thậm chí Lãnh đạo huyện...phải bóc tách rõ trách nhiệm để có hướng xử lý kịp thời và dứt khoát. Thực hiện nghiêm chỉ đạo từ Chính phủ trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển từng tại địa phương.

Quá trình kiểm tra, đã phát hiện dấu hiệu phá rừng không chỉ mới mà cả từ lâu, bản báo cáo cũng nêu rõ như vậy. Thế nhưng dường như lại có ý né tránh hiện thực khi mà cứ nêu rằng đã từ lâu, gốc đã mục, đã cháy sém, không xác định rõ loại cây gì... Nếu huyện Quỳ Châu không có đủ thẩm quyền, có thể đề xuất, bổ sung nhưng đơn vị chức năng khác cùng vào cuộc để xác định rõ số lượng, diện tích, chủng loại gỗ, thời điểm chặt phá...theo đúng quy định. Có như vậy mới có đủ căn cứ pháp lý để thực hiện các bước khác theo quy định pháp luật, để từ đó xử lý nghiêm minh. Báo cũng đã đăng tải rất nhiều hình ảnh, cung cấp hình ảnh vết tích chặt phá cũ, vết tích chặt phá mới cho Phó chủ tịch huyện Quỳ Châu theo đề xuất, thế nhưng đọc bản báo cáo không chỉ chúng tôi mà ngay cả các hộ dân tố cáo vụ việc cũng thấy “lấn cấn”.

Ngay giữa đại ngàn, đã và đang diễn ra những cuộc "thảm sát" rừng hết sức xót xa

Một số hộ dân sau khi nắm bắt được thông tin từ bản báo cáo này của huyện Quỳ Châu đã không thực sự hài lòng. Và nếu vậy chắc chắn rằng việc khiếu nại, tố cáo sẽ chưa có hồi kết. Đó cũng là điều mà chúng tôi trăn trở nhất, họ là những người dân nghèo, trước việc rừng bị phá, họ dám lên tiếng, dám đứng ra tố cáo, bên cạnh quyền lợi của bản thân, họ cũng thấy xót xa trước hiện thực mà đại ngàn đang phải gánh chịu, tàn phá. Và nếu cứ tiếp diễn những tố cáo, thì họ thật sự bị ảnh hưởng lớn về tinh thần, kinh tế...

Do đó, nếu huyện Quỳ Châu làm chưa đạt, chưa sâu sát và đúng, thì UBND tỉnh Nghệ An cần yêu cầu các đơn vị chức năng đầu ngành của tỉnh vào cuộc, cần có sự kiểm tra, xác minh cặn kẽ, chắc chắn, minh bạch và công khai. Cần có những câu trả lời xác đáng, thỏa đáng, để người dân an tâm. Hơn thế, từ đó có thể xác định rõ mức độ, trách nhiệm của câu chuyện phá rừng xảy ra tại huyện Quỳ Châu và đưa ra những xử lý nghiêm khắc, những giải pháp căn cơ nhất, kịp thời nhất để làm tốt hơn công tác quàn lý, bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương. Cần có một sự vào cuộc sằng phẳng, không có “vùng cấm”, ngoại lệ.

Thực tế, những năm gần đây, Chính quyền tỉnh Nghệ An đã hết sức cứng rắn và đặt ra nhiều hành động trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nhất là vấn đề kiểm tra, giam sát và phát hiện cũng như xử lý nghiêm các vụ việc phá rừng. Điển hình là chuyện hàng loạt cán bộ quản lý rừng, cán bộ rừng phòng hộ tại nhiều huyện đã bị khởi tố, bắt và xử lý nghiêm với các hành vi sai phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đó là những vụ việc được thực hiện nghiêm khắc từ chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, người lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An. Chấp nhận những mất mát về cán bộ quản lý rừng, nhưng đổi lại sẽ thực hiện việc “làm sạch” bộ máy quản lý bảo vệ rừng, bằng nội giá phải giữ rừng như quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước trước những hành vi xâm phạm, phá hoại rừng.

Xót xa những "nham nhở"giữa đại ngàn Quỳ Châu

Và đặc biệt, cần phải xem xét thấu đáo, đánh giá khoa học, chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích rừng sang trồng cây nguyên liệu, công nghiệp. Như hai đề án năm 2017 và 2018 mà huyện Quỳ Châu đã và đang thực hiện, việc thực hiện không hiểu sao vẫn kéo dài tới nay để rồi ít nhiều đã tiếp tay cho hành vi phá rừng diễn ra. Liệu huyện Quỳ Châu cũng như các sở, ngành đã có đánh giá đúng, thực tế đối với diện tích rừng sản xuất, rừng có cây tái sinh đưa vào dự ãn để rồi từ đó xóa sổ những khoảnh rừng đang dần tái sinh mà đúng ra cần phải giữ vững? Liệu rằng có nên tiếp tục thực hiện tiếp đề án như lời Hạt trưởng hạt kiểm lâm Lê Xuân Đình khi trao đổi với PV, đó là sẽ còn tiếp tục thực hiện đề án trồng keo với trên 5 nghìn héc ta từ nay đến 2025 và từ 2025 đến 2030 ?!.

Việc phủ xanh đất trống đồi trọc là cần thiết, cấp bách, đó cũng là chủ trương chung. Thế nhưng, cần phải có sự giám sát, đánh giá chính xác, khoa học, và tránh hết sức việc “đề án nuốt rừng”?.

Vì sao cần có sự quan tâm sâu sát, những giải pháp căn cơ nhất, nghiêm khắc nhất để giữ rừng? Vì trong những năm qua, diện tích rừng tại Nghệ An đã và đang bị thu hẹp nghiêm trọng. Nhận diện vấn đề này được nêu khá rõ trong các cuộc họp cũng như văn bản chỉ đạo của tỉnh Nghệ An, đã có lúc còn gây nóng, gây tranh cãi khá gay gắt tại các cuộc họp. Theo số liệu từ năm 2020, tại tỉnh Nghệ An đã có hơn một nửa trong số 32 nhà máy thủy điện được cấp phép đã hoạt động. Các dự án đang được triển khai xây dựng cũng lấy đi 5.687 ha đất rừng, 1.733,3 ha đất sản xuất nông nghiệp và hơn 1.000 ha đất khác. Ngoài ra, việc cấp phép hàng loạt nhà máy thủy điện ở Nghệ An không chỉ gây mất rừng mà còn "băm nát" các con sông khiến cân bằng sinh thái bị phá vỡ. Đứng trước tình thế đó, tỉnh Nghệ An cũng đã trình và xin chủ trương từ Chính phủ, Bộ, ban ngành về việc hủy bỏ 16 dự án thủy điện khỏi quy hoạch.

Tháng 3-2021 phát biểu tại buổi lễ “Lễ hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh – vì Việt Nam Xanh” diễn ra tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn, đồng chí Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nêu rõ: Những năm qua, rừng tự nhiên trong toàn tỉnh được quản lý, bảo vệ tốt, năng suất và chất lượng rừng trồng tăng nhanh, toàn tỉnh hiện có hơn 964.000 ha, độ che phủ rừng đạt 58,5%. Là một trong những tỉnh có độ che phủ rừng cao của cả nước, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước, bảo tồn nguồn gen, tính đa dạng sinh học và thực hiện nhanh chủ trương xoá đói, giảm nghèo và giữ vững an ninh - quốc phòng…

Tỉnh Nghệ An xác định sẽ trồng ít nhất 50 triệu cây xanh trong giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với đó là những nỗ lực, giải pháp để làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ cây xanh hiện có, cùng cả nước đưa việc thực hiện sáng kiến này trở thành một làn sóng mới, một xung lực mới cho phong trào trồng cây gây rừng và rộng hơn là cho phong trào giữ gìn, bảo vệ và phục hồi môi trường sinh thái trên cả nước, để tinh thần “phát triển xanh, sạch, bền vững” thấm sâu vào mọi hoạt động kinh tế - xã hội.

Tác giả: Hoàng Phạm

Nguồn tin: Pháp luật & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP