Pháp luật

Kỳ án sơn nữ người Dao mất tích bí ẩn: Mùi hương chết chóc trong đám cỏ tranh

Lên núi đi làm nương vào một ngày hè năm 2003, thôn nữ người Dao khi ấy vừa tròn 18 tuổi đã mãi mãi không trở về. Cuối cùng, thi thể cô được tìm thấy dưới đám cỏ tranh.

Đám cỏ tranh nặng mùi

Một buổi sáng tháng 5 như bao ngày khác của năm 2003, thiếu nữ Đ.T.T (SN 1985, dân tộc Dao, trú xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) chăm chỉ đi lên rẫy trên đỉnh núi Lở làm nương.

Mọi ngày cô ấy chỉ làm nương đến đầu giờ chiều là về những ngày 7/5/2003, mặt trời đã khuất núi mà T. vẫn không thấy mặt, gia đình nghi có chuyện chẳng lành nên chia nhau lên núi đi tìm. Cả bản làng nghe tin thì cũng đốt đuốc đi tìm cùng bố mẹ T.

Theo Tiền Phong, chỗ đầu tiên mọi người đến tìm T. là nương rẫy của gia đình. Nhưng trên nương ngô chỉ có đống cỏ đã phát xong đang chất đống cùng chiếc cào cỏ T hay dùng nằm chỏng chơ.

Rất nhiều giả thiết được mọi người đặt ra, có thể T. bị ngã núi, cũng có thể T. đi lạc nên các thanh niên trong bản đã tìm cách đi xuống các vực sâu tìm cô gái ấy mà vẫn bặt vô âm tín.

Người nhà T. nhờ người dò hỏi khắp nơi những ngày sau đó, thậm chí xuống cả Hà Nội, lên Lào Cai, sang Lạng Sơn để tìm nhưng T. vẫn biệt tăm.

Bẵng đi vài hôm, T. vẫn mất tích trong sự nỗ lực tìm kiếm của gia đình. Cả bản bao trùm không khí hoang mang trước sự mất tích của T. Đồng thời, họ cũng bàn tán về những cơn gió mang mùi hôi thối lan tỏa thoang thoảng khắp vùng thung lũng.

Dân bản nghĩ là xác thú rừng chết trên đỉnh núi Lở nên mới rủ nhau đi tìm để đốt đi cho đỡ ảnh hưởng đến không khí trong lành của bản. Thế nhưng, mùi hương dẫn họ đến đám cỏ tranh dưới 1 gốc cây cổ thụ trên đỉnh núi. Gạt lớp cỏ ra, dân bản ngã ngửa, không dám tin vào mắt mình: T. đã chết.

Người dân bản đầu tiên tìm thấy T. đã quá sợ hãi và kinh ngạc đến mức phải mất rất nhiều thời gian mới hoàn hồn chạy đi gọi mọi người tới.

Bức thư giả tạo

Nhận nguồn tin từ quần chúng nhân dân, Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Yên Bái đã lập tức vào cuộc. Qua khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi xác định, đây là một vụ giết người, cướp của vì hai tay thiếu nữ bị trói gô vào cổ bằng một sợi dây vải, đôi bông tai vàng hay đeo cũng biến mất.

Từ địa hình hiểm trở của hiện trường, công an khoanh vùng các đối tượng nghi vấn là người trong vùng, thông thạo địa hình, có công việc liên quan đến nương rẫy, săn bẫy thú rừng…

Bắt đầu điều tra từ hàng xóm của nạn nhân trong bản, ban chuyên án nhận thấy nương rẫy ở khu vực trước khi thiếu nữ người Dao mất tích bí ẩn của nhà bà Đ.T.Đ cũng sạch sẽ, gọn gàng, không còn cọng cỏ.

Đáng chú ý, con trai bà Đ. là Nguyễn Văn Tiến (SN 1984, lúc đó Tiến 19 tuổi) là đối tượng ngỗ nghịch có tiếng ở địa phương. Đã vậy, vào ngày phát hiện thi thể T., Tiến cũng biến mất, không có mặt ở nhà.

Đại úy Đinh Xuân Nghĩa - Đội phó Đội trọng án khi ấy, là người có công tìm ra chiếc "chìa khóa" của vụ án nhớ lại trên báo Công an nhân dân: "Khi kiểm tra nương nhà bà Đôn, tôi chợt nhận ra tại đây cũng có những đống cỏ tranh đã phát. Dưới nắng hè chói chang, lớp cỏ trên bề mặt đã úa héo, nhưng bên dưới vẫn còn xanh. Tôi chợt liên tưởng đến độ héo của cỏ tranh trên nương nhà chị Tâm. Lập tức hai mẫu cỏ được đối chiếu với nhau nhiều lần, ở nhiều vị trí. Thật thú vị là chúng có độ héo tương đồng. Như vậy, nghĩa là chúng đã được phát ở cùng một thời điểm. Mà nhà bà Đôn thì không có ai khác vào làm nương ngoài Tiến. Đây là một manh mối quan trọng để củng cố niềm tin nội tâm nghi can chính là tên Tiến".

Mọi nghi ngờ đổ dồn vào nghi can Tiến nên các trinh sát tới nhà nhà Đ. thăm dò, lấy thêm thông tin về sự việc. Khi vào nhà, không biết vô tình hay hữu ý, bà Đ. cố tình cho các trinh sát ngồi cạnh chiếc gối mà bên trong cộm lên lá thư.

Bức thư đó được Tiến gửi cho mẹ với nội dung: "Mẹ hay chửi mắng, con chán ghét nên bỏ nhà đi". Công an xác minh không có cuộc cãi vã nào giữa hai mẹ con Tiến trong thời gian gần đây nên mọi thông tin trong bức thư nhất định là giả tạo.

Đọc xong lá thư, các trinh sát tỏ ra bình thường không nghi ngờ gì, chào bà Đ. ra về nhưng ai cũng ngầm hiểu với nhau rằng, lá thư kia là để cho… bọn họ đọc!

Lý do mẹ con bà Đ. dựng lên màn kịch giả tạo này càng củng cố cho giả thuyết Tiến có liên quan đến vụ án. Lý do duy nhất có lẽ chính là việc Tiến có liên quan trực tiếp đến cái chết của chị T. nên mới vội vàng bỏ đi như vậy.

719 ngày truy bắt

Từ đây bắt đầu hành trình 719 ngày đêm truy lùng nghi can Tiến với quyết tâm cao độ của Ban chuyên án. 2 năm ròng rã, hàng chục trinh sát vào nam ra bắc, lặn lội từ miền ngược xuống miền xuôi tìm Tiến mà hắn vẫn "lặn không sủi tăm" khiến ban chuyên án đau đầu.

Bẵng đi một thời gian cho đến tháng 1/2005, nửa đêm trinh sát nhận được tin bà Đ. khoác tay nải ra đường đón xe rất sớm, hướng đi về xuôi rất đáng nghi vì từ ngày con trai bỏ đi, bà này chỉ cả ngày ở trong nhà.

Bám theo bà Đ., đến sáng hôm sau thì các trinh sát đã bắt được Tiến. Hắn sa lưới khi lén trở về quê ngoại (ở Hạ Hòa, Phú Thọ) để hẹn với mẹ.

Có 2 năm trốn nã, chắc hẳn Tiến đã chuẩn bị mọi tình huống lấy lời khai của công an nên các trinh sát đã phải bàn bạc kế hoạch lấy khẩu cung kĩ lưỡng.

Các trinh sát tỏ ra đã nắm rõ hành vi phạm tội của thủ phạm để đánh phủ đầu Tiến. Câu hỏi đầu tiên với Tiến là "Sợi dây trói tay cái T. là của ai?". Tiến ngập ngừng rất lâu rồi mới lý nhí: "Là sợi dây đeo túi của đứa ấy (nạn nhân T.)".

Vậy là bí ẩn hung khí gây án suốt 2 năm qua mà các chiến sĩ không tìm ra, đã được hóa giải trong phút chốc. Tiến cũng khai về hành vi đè T. ra đất rồi ngồi lên bụng, Tiến cũng thừa nhận có hiếp dâm nạn nhân.

Sau khi thực hiện hành vi đồi bại xong, Tiến bị thiếu nữ T. chửi bới nên căm tức, ra tay sát hại rồi giấu dưới lớp cỏ tranh.

Tiến tiện tay tháo luôn đôi bông tay bằng vàng rồi đem về giấu trên ống bương ở mái bếp. Với vật chứng đặc biệt quan trọng này, đã có đủ căn cứ chứng minh Tiến là thủ phạm và bản án tử hình là cái giá Tiến phải trả cho những hành vi tàn độc của mình.

Tác giả: Chi Chi

Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP