Phán quyết của Tòa trọng tài đã giúp thu hẹp tranh chấp ở Biển Đông. Ảnh minh họa: Bloomberg
Đánh giá ý nghĩa phán quyết của Tòa trọng tài đưa ra hôm 12/7, Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, trao đổi với VnExpress rằng đây là một dấu mốc lớn trong lịch sử tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, mở ra một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ quốc tế ở khu vực.
Theo ông Vuving, việc Toà bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" đồng thời khẳng định không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế đã thu hẹp đến mức gần như tối đa các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, tạo ra sự minh bạch về quy chế pháp lý cho một vùng rộng lớn đến 80% diện tích Biển Đông.
Dự liệu một số kịch bản xấu mà Trung Quốc có thể thực hiện, giáo sư Vuving cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa, thậm chí có thể tăng cường quân sự hoá ở Biển Đông, chiếm đảo không có người ở, công bố đường cơ sở của quần đảo Trường Sa.
"Nói chung Trung Quốc sẽ tăng gây hấn, diễu võ giương oai để chứng tỏ phán quyết của Toà chỉ 'như tờ giấy lộn' như lời ông Đới Bỉnh Quốc, cựu ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, nói tại Mỹ tuần trước. Nhưng họ sẽ không đẩy đến xung đột vũ trang mà sẽ là gây hấn ở vùng xám giữa chiến tranh và hoà bình", ông Vinh nói.
Giáo sư James Holmes, chuyên gia về chiến lược tại trường Hải quân chiến tranh (Naval War College), Mỹ, cho rằng khi dư luận đang "sục sôi" với phán quyết của Tòa, Trung Quốc có thể chưa hành động, chờ cho cơn sóng dịu xuống và sẽ quay trở lại. Chiến thuật rút lui tạm thời, âm thầm có thể phù hợp với mục tiêu của giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay. Sau đó, Bắc Kinh có thể khôi phục "chính sách ngoại giao cây gậy nhỏ", chủ yếu dựa vào các tàu và máy bay của lực lượng hải cảnh, sau đó là có sự hỗ trợ của "tàu vỏ trắng", cùng không quân và thậm chí cả tên lửa. Với Việt Nam và Philippines, Bắc Kinh có thể dùng "cây gậy kinh tế" để đối phó, điều không gây nên "bức tranh quá kịch tính" trên biển.
Chuyên gia người Mỹ cảnh báo về thời điểm Trung Quốc chuyển từ sử dụng lực lượng "tàu vỏ trắng" cùng máy bay của lực lượng hải cảnh sang "tàu vỏ xám" và máy bay của Hải quân thuộc Quân giải phóng nhân dân (PLA).
"Nó sẽ mang chỉ dấu cho thấy Bắc Kinh có ý đồ như thế nào. Chiến thuật của Trung Quốc là điều khó đoán", ông Holmes nói.
Về khả năng Trung Quốc lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, dẫn lại ADIZ của Trung Quốc ở biển Hoa Đông, nơi có tranh chấp với Nhật Bản, ông Holmes nhận định nó cũng sẽ "hầu như vô hiệu". Bắc Kinh hiểu rằng việc yêu cầu tàu và máy bay các nước báo cáo khi đi qua ADIZ sẽ khiến các nước tìm con đường khác, dẫn tới bảo hiểm tăng mạnh, tàu và máy bay thay đổi đường đi, tất cả các nền kinh tế, gồm cả Trung Quốc, sẽ phải gánh hậu quả.
"Tôi nghi ngờ Bắc Kinh sẽ kiên quyết về vấn đề này", ông Holmes nói.
Bày tỏ đồng tình, Giáo sư Vuving đánh giá Bắc Kinh có thể vấp phải tình huống "gậy ông đập lưng ông" nếu các nước cùng có tranh chấp cũng lập ADIZ của mình. Thực tế Philippines đã lập ADIZ từ năm 1953 nhưng không bao phủ quần đảo Trường Sa và lâu nay không hoạt động.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine, Mỹ, đánh giá một Trung Quốc cậy lớn và giận dữ có thể làm những việc khó có thể đoán trước, tuy nhiên việc thiết lập ADIZ trên toàn bộ Biển Đông là ngoài thực lực của Bắc Kinh. Trung Quốc không thể ép thuyền bè và máy bay các nước trong và ngoài khu vực báo trước khi di chuyển qua vùng này.
"Nếu không báo trước thì Trung Quốc có thể bắt các thuyền bè dừng lại và các máy bay hạ cánh mà không bị thế giới lên án không?", giáo sư Long đặt câu hỏi.
Trung Quốc có thể la lối om xòm, nhưng bất cứ một hành động cản trở hay gây tác hại sau phán quyết sẽ chứng tỏ Trung Quốc cố ý phạm pháp và vì thế sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đối với Trung Quốc trong các lãnh vực khác.
Ông Vuvinh cho rằng Manila sẽ có rất nhiều lợi thế khi thương lượng với Trung Quốc. Rất có thể Philippines sẽ đồng ý chia sẻ nguồn lợi hải sản với Trung Quốc để làm "động tác giảng hoà". Tuy nhiên Trung Quốc sẽ đòi hỏi Philippines phải "không công nhận phán quyết của Toà". Nếu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chịu chấp nhận điều kiện này thì sẽ gặp phản ứng rất bất lợi từ trong nước. Do đó phán quyết của Toà sẽ tạo thế kẹt cho bất cứ ai muốn bán rẻ quyền lợi của Philippines cho Trung Quốc.
Theo ông Vuvinh, những nước có lợi ích trực tiếp, trong đó có Việt Nam, nên sử dụng các điểm trong phán quyết để vận động dư luận thế giới gây áp lực với Trung Quốc, từ đó dần dần thực thi các điều khoản trong phán quyết và thúc đẩy Trung Quốc sớm chấp nhận một Bộ Quy tắc ứng xử COC với ASEAN.
Giáo sư Holmes lo ngại ngoài khả năng lập ADIZ thì Trung Quốc có thể bắt đầu xây dựng tại bãi cạn Scarborough, như là đã làm với Vành Khăn. Nếu không bên nào phản đối, Trung Quốc sẽ hủy hoại thêm luật quốc tế trên biển ở Đông Nam Á và thể hiện rằng các cường quốc, trong đó có Mỹ, bất lực.
Dù Toà không có cơ chế thực thi phán quyết nhưng phán quyết đã tạo ra cơ sở pháp lý rất rõ ràng để các nước như Mỹ, Nhật Bản có thể trợ giúp đồng minh và đối tác trong khu vực với tư cách bảo vệ luật pháp quốc tế, theo ông Vuving. Ngoài ra, áp lực quốc tế cũng sẽ có tác dụng nhất định để Trung Quốc phải thay đổi quan điểm và cách hành xử của họ.
Cảnh báo về phản ứng của cộng đồng quốc tế, giáo sư Holmes cho rằng nếu các nước châu Á và các nước ngoài khu vực, không riêng Mỹ, quan tâm đúng mức đến tự do hàng hải, có thể sẽ hình thành một liên minh vững chắc ngăn chặn Trung Quốc.
"Ngược lại nếu cộng đồng này thể hiện sự thờ ơ thì Trung Quốc có thể chiếm ưu thế và hủy hoại nghiêm trọng cả lợi ích của châu Á và hệ thống giao thương tự do trên biển", ông Holmes nói.
Tác giả bài viết: Việt Anh