Giao dịch mua thêm hàng triệu cổ phiếu ACB được thực hiện từ ngày 6/3 đến 11/3 theo phương thức thỏa thuận. Thống kê trên sàn cho thấy ông Huy đã chi khoảng 113 tỷ đồng để sở hữu lượng cổ phiếu ACB trên, nhằm phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân.
Sau giao dịch, ông Trần Hùng Huy đã nâng sở hữu tại ACB từ hơn 40 triệu cổ phiếu (3,21% vốn) lên 43,83 triệu cổ phiếu (3,51% vốn). Tính theo thị giá cổ phiếu ACB vào ngày 15/3, tổng số tài sản của Chủ tịch ngân hàng ACB tăng lên gần 1.400 tỷ đồng.
Ông Trần Hùng Huy- Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB |
Ông Trần Hùng Huy (SN 1978) trong một gia đình có truyền thống làm ngân hàng và được giới tài chính xếp vào dạng "con nhà nòi". Bố Trần Hùng Huy là ông Trần Mộng Hùng – một trong những người sáng lập và giữ chức Chủ tịch ACB trong một thời gian dài, còn mẹ là bà Đặng Thu Thủy cũng làm việc tại ACB từ khi nhà băng mới thành lập và nắm nhiều chức vụ quan trọng.
Ông Huy gia nhập ACB từ năm 2002 với vai trò là Chuyên viên nghiên cứu thị trường, 4 năm sau được bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng giám đốc, đồng thời là thành viên HĐQT. Ở tuổi 34, ông Trần Hùng Huy bất ngờ được bổ nhiệm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT ACB sau những biến động về nhân sự cấp cao của ngân hàng này vào tháng 9/2012, do liên quan đến Bầu Kiên. Khi đó, ông Huy là Chủ tịch ngân hàng trẻ tuổi nhất Việt Nam.
Từ khi nhậm chức Chủ tịch AB, tầm ảnh hưởng của ông cùng gia đình tăng lên đáng kể khi lần lượt thu mua hàng triệu cổ phiếu của nhà băng này.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, trái ngược với động thái mua vào cổ phiếu ACB, một số người thân của ông Huy lại thoái hết vốn tại đây.
Mới đây nhất, hôm 6/3, chị gái của ông Trần Hùng Huy là bà Trần Đặng Thu Thảo đã công bố bán thành công toàn bộ 2 triệu cổ phiếu đang nắm giữ và chính thức không còn là cổ đông tại ACB.
Trước đó, bà Trần Đặng Thu Thảo và 2 người thân khác của Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy đã đăng ký chuyển quyền sở hữu cổ phiếu ACB sang cho các công ty nhằm mục đích góp vốn.
Trước đó, ba người thân của ông Huy đã thực hiện chuyển quyền sở hữu gần 54 triệu cổ phiếu sang ba công ty.
Theo đó, ông Trần Minh Hoàng, là em ruột của Chủ tịch Trần Hùng Huy, hiện đang nắm giữ 16 triệu cổ phiếu ACB, tương ứng với sở hữu 1,3%, đăng ký chuyển quyền sở hữu tất cả số cổ phần này sang cho Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bách Thanh với mục đích góp vốn.
Cha của Chủ tịch HĐQT ACB là ông Trần Mộng Hùng cũng chuyển quyền sở hữu gần 23 triệu cổ phiếu ACB (tỷ lệ 1,8%) cho Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Giang Sen.
Bà Trần Đặng Thu Thảo là chị của Chủ tịch HĐQT ACB cũng đăng ký chuyển quyền sở hữu 15 triệu cổ phiếu ACB (ứng với tỷ lệ 1,2%) cho Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Vân Môn.
Điểm chung của 3 công ty được chuyển quyền sở hữu là chỉ mới thành lập từ tháng 11/2018 và trụ sở đăng ký ở địa chỉ 480 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 2, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Các giao dịch này sử dụng hệ thống chuyển quyền sở hữu của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Đến ngày 22/2, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã có thông báo cho việc hoàn thành chuyển quyền sở hữu cổ phiếu ACB của 3 cá nhân trên. Trong đó, bà Thảo chỉ thực hiện chuyển quyền được 13 triệu cổ phiếu ACB trong số 15 triệu cổ phiếu đang nắm giữ. Tổng số cổ phiếu ACB chuyển quyền sở hữu gần 52 triệu đơn vị.
Trước đó, ông Hùng Huy đã cho biết, việc chuyển nhượng cổ phần này chỉ là việc cơ cấu lại sở hữu và hình thức đầu tư trong nội bộ gia đình, không bán ra thị trường bất kỳ cổ phiếu nào, các thành viên trong gia đình vẫn tiếp tục gắn bó lâu dài và đồng hành cùng ACB.
Ngày 22/3 tới đây, ACB sẽ chốt danh sách cổ đông tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2019. Đại hội dự kiến sẽ tổ chức ngày 23/4, tại Khách sạn Sheraton Sài Gòn, 88 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM.
Như vậy, trong gia đình Chủ tịch ACB, hiện chỉ còn ông Hùng Huy và mẹ của ông là bà Đặng Thu Thủy còn nắm giữ cổ phiếu ACB. Trong đó, ông Hùng Huy sở hữu 43,83 triệu cổ phiếu ACB, bà Thủy sở hữu gần 14 triệu cổ phiếu.
Tác giả: Sơn Ca
Nguồn tin: Báo Người đưa tin