Kinh tế

Chủ tịch trẻ tuổi của ACB sở hữu khối tài sản hơn 2,5 nghìn tỷ là ai?

Ở tuổi 40, Chủ tịch ngân hàng ACB sở hữu khối tài sản hơn 2,5 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 17 trong top người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Đứng ở vị trí thứ 17 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam là ông Trần Hùng Huy – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB).

Ông Trần Hùng Huy sinh năm 1978, là con trai ông Trần Mộng Hùng, nguyên Chủ tịch HĐQT ACB và bà Đặng Thu Thủy hiện đang giữ chức vụ Thành viên HĐQT ngân hàng ACB. Ông Hùng là một trong những người sáng lập và giữ chức Chủ tịch ACB trong thời gian dài.

Trần Hùng Huy tốt nghiệp cử nhân với ba chuyên ngành quản trị kinh doanh, tài chính và kinh doanh quốc tế vào năm 2000, tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh vào năm 2002 tại Đại học Chapman, Mỹ. Năm 2011, ông nhận học vị tiến sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Golden Gate, Mỹ.

Về sự nghiệp của Trần Hùng Huy tại ACB, từ năm 2002 đến tháng 02 năm 2004, ông là chuyên viên nghiên cứu thị trường tại ngân hàng này.

Từ năm 2004 đến năm 2008, ông từ vị trí Giám đốc Marketing lên là thành viên HĐQT của ACB, rồi Phó Tổng giám đốc và đến ngày 26/04/2013 được Hội đồng Quản trị ACB bầu chức danh Chủ tịch, trở thành nhân vật ít tuổi nhất tại ACB giữ vị trí Chủ tịch.

Ngoài ra, ông Trần Hùng Huy cũng là thành viên Hội đồng thành viên Công ty Chứng khoán ACB. Trần Hùng Huy được Hội đồng Quản trị ACB bầu chức danh Chủ tịch ngày 26/04/2013, trở thành nhân vật ít tuổi nhất tại ACB giữ vị trí lãnh đạo cao nhất.

Tại ACB, ông Trần Hùng Huy sở hữu 66.463.481 cổ phiếu. Tính đến thời điểm 24/8, với thị giá cổ phiếu ở mức 38,8 nghìn đồng/cp, khối tài sản của vị Chủ tịch ACB trên sàn chứng khoán tương đương 2,57 nghìn tỷ đồng.

Mới đây, báo cáo tài chính quý 2/2018 của ACB cho thấy, lợi nhuận ngân hàng này tăng trưởng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ, nhờ gia tăng các khoản thu nhập và giảm hơn một nửa chi phí dự phòng.

Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là thu nhập từ hoạt động khác với hơn 700 tỷ đồng thu về trong 6 tháng đầu năm, tăng 73% so với cùng kỳ.

Bên cạnh khoản thu nhập tăng đột biến từ hoạt động khác, thu nhập từ lãi thuần và hoạt động dịch vụ của ACB đều tăng, mang về lần lượt 4.862 tỷ đồng và 747 tỷ đồng trong nửa đầu năm.

Tính đến cuối quý II, tổng tài sản của ngân hàng xấp xỉ 310.000 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với đầu năm. Tăng trưởng cho vay và tiền gửi khách hàng đạt 11,9% và 10,94%. Dư nợ cho vay khách hàng đến ngày 30/6 đạt 220.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu chiếm 0,79%, nhỉnh hơn so với 0,71% hồi đầu năm.

Nguồn vốn chủ sở hữu tăng do tích lũy thêm lợi nhuận trong hai quý. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của ACB cuối quý 2 xấp xỉ 4.836 tỷ đồng, tương đương 43% vốn điều lệ ngân hàng.

Một tín hiệu tích cực nữa cũng đến với ACB sau hơn 1 năm vị Chủ tịch trẻ tuổi nhậm chức là được Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service nâng xếp hạng đánh giá tín dụng cơ bản lên mức b1 từ b2.

Ngoài ra, bậc xếp hạng tiền gửi nội tệ dài hạn và phát hành tiền gửi nội tệ và ngoại tệ của ACB cũng được nâng từ tích cực lên ổn định.

Moody's cũng dự báo chất lượng tài sản của ACB sẽ duy trì ổn định trong 12-18 tháng tới, nhờ sự cải thiện của môi trường hoạt động.

Trước đó, khi tiếp quản con thuyền ACB sau sự cố bầu Kiên, ông Trần Hùng Huy nhận về không ít nghi ngại từ những người xung quanh, cũng như hồi hộp theo dõi bước đi của một người được đánh giá là con non trẻ về tuổi đời và tuổi nghề trên lĩnh vực ngân hàng.

Đến nay, kết quả kinh doanh tich cực của ACB có lẽ là câu trả lời chính xác nhất của ông Trần Hùng Huy.

Tác giả: Lâm Anh

Nguồn tin: vietQ.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP