Thi hành án dân sự là khâu cuối cùng của quá trình tố tụng, có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân bằng việc thực thi công lý, thực thi những phán quyết của tòa án. Thực tế cho thấy, thi hành án dân sự gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Hội đồng cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất tại Tuyên Quang. (Ảnh: VKS tỉnh Tuyên Quang) |
Trong vụ án Vinashin, nghĩa vụ phải thi hành án là hơn 1.100 tỷ đồng, trong khi tài sản còn lại chỉ là 2 bất động sản có giá trị thấp. Vụ Huỳnh Thị Huyền Như, tổng nghĩa vụ phải thi hành án là hơn 13.000 tỷ đồng giai đoạn 1 và hơn 1000 tỷ đồng giai đoạn 2, trong khi ước tính giá trị tài sản kê biên chỉ được khoảng 500 tỷ đồng.
Trên đây chỉ là 2 trong nhiều vụ đại án kinh tế có giá trị phải thi hành án lớn nhưng khó thi hành án hoặc không thi hành được. Đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ so với nghĩa vụ phải thi hành án.
Người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, không có tài sản để thi hành án. Một số vụ việc có số lượng tài sản kê biên lớn, đa dạng, thậm chí có tính đặc thù, không tìm được tổ chức có đủ năng lực để thẩm định giá.
Còn nhiều bất cập
Theo GS.TS Trần Ngọc Đường (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội), nguyên nhân cốt lõi là quản lý thu nhập, tài sản của các chủ thể trong xã hội còn vướng mắc, từ quy định đến tổ chức thực thi.
Trong đó, quy định trong khung pháp lý rất nghiêm khắc và xử phạt bằng các biện pháp kinh tế cũng rất nghiêm khắc nhưng quản lý tài sản đó không tốt, tài sản bị tẩu tán hết nên không thể thi hành án được trên thực tế. Ông Đường cho rằng, nên tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài trong việc quản lý tài sản của công chức nói chung và những người có khả năng tham nhũng nói riêng.
Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh thì pháp luật hiện nay không có cơ chế đảm bảo thi hành án đầy đủ, thông suốt từ ban đầu.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền nêu ví dụ cụ thể về những vướng mắc trong đấu giá tài sản thi hành án: Tài sản thi hành án khi đưa ra đấu giá thì ngay quy trình đấu giá đang có vấn đề, buộc trải qua một loạt các thủ tục hành chính rất mất thời gian. Nhiều khi, những tài sản đưa ra đấu giá lại bị các đối tượng tham gia đấu giá bắt tay với nhau khi không nộp khoản tiền đặt cọc tiền khi mua đấu giá tài sản, mà họ chỉ mất một khoản tiền rất nhỏ cho việc mua hồ sơ.
Bên cạnh đó, tài sản bảo đảm không đúng với thực tế, giá trị hợp đồng thế chấp quá cao so với giá trị thực tế tài sản, thậm chí có trường hợp nhận thế chấp trên giấy tờ, đến giai đoạn thi hành án lại không có hoặc không nhận thế chấp mà tài sản là động sản, đến giai đoạn thi hành án thì động sản không còn hoặc hết giá trị sử dụng. Việc phong tỏa tài sản tại ngân hàng được thực hiện, nhưng trong nhiều trường hợp không có ý nghĩa đối với thi hành án.
Từ những vụ việc cụ thể, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico cho rằng, có ba nguyên nhân chính dẫn đến vướng mắc thi hành án dân sự: Trong đó, đầu tiền là hệ thống pháp luật của chúng ta mặc dù đã hoàn thiện rất nhiều, đã thay đổi bổ sung rất nhiều nhưng vẫn còn những bất hợp lý từ những quy tắc cho đến việc thi hành, thực thi.
"Chúng ta không cấp được giấy chứng nhận tài sản một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác. Rất nhiều lý do từ quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa án cho đến quá trình thi hành án không kịp thời, không làm đúng và nhanh chóng theo yêu cầu của đương sự. Người phải thi hành án thường không tuân thủ pháp luật. Những yếu tố như vậy làm cho việc thi hành án khó hơn rất nhiều"-luật sư Trương Thanh Đức phân tích.
Không có tài sản, làm sao thi hành án?
Nhiều vụ thi hành án kéo dài, nợ đọng hoặc không thể thực hiện được là vì tài sản thi hành án không còn. Vậy làm thế nào để khắc phục và hạn chế tình trạng này?
Ông Nguyễn Đình Quyền – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đề xuất, cần sớm hoàn thiện quy định và đưa vào thực thi việc quản lý thu nhập, tài sản của các chủ thể trong xã hội, đặc biệt là cán bộ, công chức một cách hiệu quả. Ông Quyền cũng cho rằng, về căn cơ, chúng ta phải xây dựng một đề án tầm quốc gia, kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi thành viên trong xã hội.
"Thứ nhất, đề án đó phải xây dựng thể chế kiểm soát tài sản liên quan đến việc kê khai, mã số thuế, mã số kê khai. Ngoài ra, phải ban hành những luật về phương tiện thanh toán. Nếu số tiền thanh toán bằng tiền mặt quá lớn sẽ coi như bất hợp pháp cùng các vấn đề về thanh tra tài chính, kiểm toán và rất nhiều các thiết chế đồng bộ trong đề án đó”- ông Nguyễn Đình Quyền nói.
Bà Hoàng Thị Thu Trang – Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An thì cho rằng, cần tuyên truyền pháp luật cho người dân, tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ, tổ chức thi hành án cũng như nghiệp vụ giải quyết đơn thư, nắm sát diễn biến cũng như kết quả giải quyết từng đơn thư ở Chi cục, đặc biệt là những vụ việc lớn; tổ chức đợt kiểm tra chuyên đề.
Từ thực tế địa phương, bà Trang đề nghị Tổng cục thi hành án dân sự tham mưu cho Bộ Tư pháp ban hành hoặc trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành các văn bản tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế trong công tác thi hành án dân sự; Cần ứng dụng công nghệ thông tin trong việc theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo đơn thư khiếu nại, tố cáo trong nội bộ ngành; Kết nối công việc này với Chính phủ, với các cơ quan, ban ngành liên quan về tình trạng chuyển đơn vòng vo cũng như yêu cầu báo cáo đơn thư rất nhiều lần.
Lấy ví dụ vụ Hà Văn Thắm kê biên hơn 300 cổ phiếu phải bán đấu giá, nhưng bán theo phương thức nào, xử lý ra sao với những giá trị tài sản đặc biệt, ông Lê Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hà Nội đề nghị, cần phải hoàn thiện hơn nữa, đặc biệt là việc xử lý các loại tài sản đặc trưng như cổ phần, cổ phiếu. Hiện nay rất nhiều người lấy tiền đầu tư, chuyển hóa thành cổ phần, cổ phiếu. Khi đó, chúng ta phải xử lý được loại này.
"Đây là loại tương đối đặc thù với cơ quan thi hành án, đề nghị các cơ quan, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp chặt chẽ trong việc phong tỏa tài sản, ngăn chặn các tài sản của người phạm tội mà có. Ngoài ra, cần giải thích kịp thời bản án, như vụ Giang Kim Đạt, vì trong quá trình điều tra rất nhiều tài sản phức tạp nên cơ quan điều tra khi tiến hành kê biên thì chỉ kê biên nhà, nhưng khi bán nhà bao nhiêu mét, thậm chí từng xăng ti mét nên lại phải yêu cầu tòa án giải thích”- ông Lê Xuân Hồng nói.
Còn ông Vũ Quốc Doanh – Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị lãnh đạo Bộ Tư pháp xem xét có thể xây dựng những vụ việc thi hành án khó khăn, phức tạp điển hình để có đường lối xử lý thi hành án cho thống nhất. Như án lệ của tòa. Có thể có những vụ việc chưa có một tiền lệ nào, tạo cơ sở, giúp cho cơ quan thi hành án tổ chức thi hành án đúng với pháp luật cũng như sự thống nhất của các ngành.
Rõ ràng, nâng cao chất lượng thi hành án dân sự cần giải pháp tổng hợp ở góc độ vĩ mô cả về cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện./.
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo VOV