Nguồn nước dưới đất (nước ngầm) có vai trò rất quan trọng để phục vụ cấp nước cho sinh hoạt cho nhân dân và phục vụ sản xuất để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do việc khai thác chưa hợp lý, chưa được kiểm soát chặt chẽ, thiếu quy hoạch dẫn đến nguồn nước dưới đất tại một số khu vực đã bị hạ thấp mực nước quá mức, nhất là tại các khu vực đô thị đã gây ra tình trạng xâm nhập mặn, sụt lún bề mặt đất.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác để bảo vệ tài nguyên nước dưới đất. Cụ thể Bộ đã ban hành các Thông tư: số 17/2021/TT-BTNMT quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước; số 72/2017/TT-BTNMT quy định về xử lý, trám lấp giếng khoan không sử dụng; số 75/2017/TT-BTNMT quy định bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất.
|
Để kiểm soát, hạn chế khai thác tại các vùng nước dưới đất bị suy thoái, ô nhiễm, sụt lún đất hoặc có nguy cơ bị suy thoái, ô nhiễm, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất, trong đó quy định UBND cấp tỉnh phải thực hiện việc khoanh định các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và thực hiện biện pháp hạn chế khai thác để bảo vệ nguồn nước dưới đất. Bộ cũng gửi các văn bản đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất, tăng cường công tác bảo vệ nước dưới đất đồng thời gắn liền với việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.
Cụ thể hóa quy định trên, này 28/5/2021, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 1646/QĐ-UBND phê duyệt Danh mục, Bản đồ phân vùng hạn chế và vùng đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh (gồm: vùng hạn chế 1 có 1.219 vùng, tổng diện tích 567,18 km2; vùng hạn chế 3 có 97 vùng, tổng diện tích 675,56 km2 và vùng hạn chế hỗn hợp có 122 vùng, tổng diện tích 134,51 km2). Theo quyết định trên, các đơn vị đang khai thác nước ngầm do UBND tỉnh cấp phép phải chấp hành đúng quy định khuyến khích sử dụng nước mặt, thay thế cho nước ngầm của tỉnh ban hành. Các công ty, xí nghiệp trên địa bàn phải chủ động chuyển đổi từ khai thác nước ngầm sang sử dụng nước từ hệ thống cấp nước sạch bằng nguồn nước mặt hiện hữu.
Thực hiện chủ trương, các đơn vị đã chủ động ngưng khai thác nước ngầm theo giấy phép được cấp, chuyển sang sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước bằng nguồn nước mặt tập trung. Tuy nhiên, hiện vẫn có những doanh nghiệp được ưu đãi riêng, được gia hạn, cấp mới giấy phép khai thác nước ngầm trong vùng hạn chế, đi ngược lại chủ trương của UBND tỉnh Nghệ An về môi trường, bảo vệ nguồn nước ngầm.
|
Thông tin với PV, lãnh đạo Công ty Cổ phần Cấp nước Cửa Lò cho biết, theo số liệu năm 2023, trên địa bàn thị xã Cửa Lò có trên 400 đơn vị kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng nhưng mới chỉ có gần 170 đơn vị đấu nối và sử dụng nước sạch.
Vị này cho hay, tình trạng khai thác nước ngầm diễn ra với quy mô lớn và ngày càng tăng. Các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng dùng nước ngầm phục vụ mục đích kinh doanh khá nhiều; sử dụng nước ngầm không đủ tiêu chuẩn chất lượng, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh ăn uống, khai thác du lịch. Mặc dù Cấp nước Cửa Lò cam kết cung cấp đầy đủ nhu cầu nước sạch nhưng tỷ lệ sử dụng chỉ đạt hơn 20%.
“Việc khai thác nước ngầm tràn lan, không có quy hoạch, kế hoạch cụ thể sẽ là thảm họa đến môi trường, môi sinh như ô nhiễm nguồn nước, gây sụt lún hạ tầng, địa chất trong tương lai. Đồng thời, gây ảnh hưởng đến hiệu quả dự án nâng cấp mở rộng nhà máy nước Cửa Lò theo quyết định của UBND tỉnh (công suất khai thác hiện tại là 4.900m3, chỉ đạt 21% công suất nhà máy – 23.000m3/ngày đêm)”, vị này dẫn chứng.
Tại địa bàn KCN Nam Cấm (huyện Nghi Lộc), tình trạng khai thác nước ngầm cũng diễn ra vô cùng nhức nhối. Theo đó, việc khai thác nước ngầm tạo ra các phễu hạ thấp mực nước cục bộ quanh giếng, là nguyên nhân gây hiện tướng sụt lún mặt đất. Việc khai thác với số lượng lớn, gần biên mặn nước dưới đất cũng dẫn đến tình trạng sụt giảm mạch nước ngầm, giảm áp lực nước, làm gia tăng khả năng thẩm thấu xâm nhập nước mặn từ bên ngoài vào các tầng rỗng, gây hiện tượng nhiễm mặn tầng nước ngầm.
Trước những hệ lụy lâu dài, Cấp nước Cửa Lò đã nhiều lần có văn bản kiến nghị các ngành chức năng không cấp giấy phép, không gia hạn giấy phép khai thác nước ngầm cho các khách sạn, nhà nghỉ, tổ chức doanh nghiệp đóng trên địa bàn Thị xã Cửa Lò và KCN Nam Cấm; thành lập đoàn thanh tra liên ngành để xử lý việc khai thác nước ngầm tràn lan. Tuy vậy, tình trạng vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc dư luận.
Đáng nói, không riêng Thị xã Cửa Lò, nhiều địa bàn khác cũng trong tình trạng tương tự. Cần nói thêm, theo Quyết định số 1646/QĐ-UBND ngày 28/5/2021 của UBND tỉnh Nghệ An thì khu vực TP.Vinh, Thị xã Cửa Lò, các huyện Hưng Nguyên, Đô Lương, Diễn Châu… và một số khu vực khác được xác định là vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Đến nay, nhiều doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp giấy phép đã ngưng khai thác, tiến hành đấu nối để sử dụng nước sạch. Trong khi đó, vẫn còn một số đơn vị khai thác nước ngầm với lưu lượng lớn gây bức xúc; thậm chí có những doanh nghiệp vẫn được gia hạn, cấp mới giấy phép dù trong vùng hạn chế.
Nhiều ý kiến lo ngại, việc thiếu kiểm tra, giám sát, buông lỏng quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác sử dụng sẽ dẫn đến sự suy giảm mực nước và biến đổi chất lượng nước dưới đất. Đồng thời, thực trạng trên sẽ làm thất thoát tài nguyên, hụt thu ngân sách nhà nước mỗi năm hàng tỷ đồng do không thu được các loại thuế, phí.
Để có thông tin đa chiều liên quan đến việc gia hạn, cấp mới giấy phép khai thác nước ngầm trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2022 - 2023, PV đã liên hệ Sở TN&MT tỉnh. Ông Hoàng Quốc Việt – Giám đốc Sở TN&MT cho biết ông đang đi công tác và hướng dẫn phóng viên làm việc với Văn phòng Sở. Trao đổi thêm với PV, đại diện Văn phòng Sở TN&MT cho hay đang tập hợp thông tin để trình lãnh đạo Sở trả lời báo chí.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về tình trạng trên ở những địa phương khác trên địa bàn tỉnh.
Nguồn tin: kinhtemoitruong.vn