Hội nghị sẽ thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xem xét thi hành kỷ luật cán bộ và một số nội dung quan trọng khác.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, để chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần này, từ tháng 10/2016, Ban Bí thư đã thành lập các Ban Chỉ đạo việc nghiên cứu, tổng kết, xây dựng các đề án, báo cáo về các nội dung nêu trên để báo cáo Bộ Chính trị trình Trung ương xem xét, quyết định.
Các Ban Chỉ đạo đã bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, các Nghị quyết Đại hội Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XII, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tình hình thực tiễn của đất nước, khu vực và thế giới để tiến hành tổng kết, nghiên cứu xây dựng các đề án, tờ trình, dự thảo các nghị quyết trình Trung ương.
Bộ Chính trị đã dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo hoàn thiện các báo cáo, đề án nêu trên. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã nghiêm túc kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng Báo cáo trình Hội nghị Trung ương lần này.
Nhấn mạnh nội dung trình Hội nghị Trung ương 5 là những vấn đề rất lớn và quan trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội cũng như xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, cho ý kiến để hoàn thiện và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.
Nguồn tin Tuổi Trẻ cho biết nội dung "xem xét thi hành kỷ luật cán bộ" là có liên quan tới diễn biến mới đây, sau phiên họp gần nhất của Ủy ban Kiểm tra trung ương.
Như tin đã đưa, Ủy ban Kiểm tra trung ương ngày 26-4 “đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật” đối với ông Đinh La Thăng - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM - vì ông Thăng “chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Đảng ủy, hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí trong giai đoạn 2009-2011”.
* Trao đổi với Tuổi Trẻ trước thềm hội nghị, các chuyên gia kinh tế bày tỏ sự trông đợi ở nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân lần này. Ông Đào Huy Giám, tổng thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân, nói: “Tôi hiểu trong Hội nghị trung ương 5, Ban Kinh tế trung ương sẽ trình những nội dung nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân lớn hơn nhiều, có vị thế cao hơn trong việc đóng góp cho nền kinh tế. Gắn với đó là các cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại... Trong đó, đặc biệt chú trọng vào hỗ trợ thông tin, cần có cơ quan chuyên trách để kết nối thông tin bên ngoài, công nghệ, cũng như thị trường, bán hàng, giúp doanh nghiệp tham gia vào chuỗi phân phối quốc tế”.
Theo ông Giám, muốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, phải xây dựng môi trường và nâng đỡ doanh nghiệp tư nhân. Hiện nay doanh nghiệp tư nhân không được bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước trong tiếp cận nguồn vốn, đất đai... “Do đó phải đối xử bình đẳng bắt nguồn từ nhận thức, sau khi công nhận kinh tế tư nhân có vai trò chủ lực thì các cấp, ngành cần có bước đi, triển khai thực hiện để tạo điều kiện bình đẳng cho kinh tế tư nhân, khuyến khích khu vực này phát triển” - ông Giám nhấn mạnh.
Tác giả bài viết: Đ.TR. - N.AN - chinhphu.vn
Nguồn tin: