Kinh tế

Kết quả kinh doanh của công ty sở hữu hãng bay mới bị giải thể

TID thành lập CTCP Hàng không Tín Nghĩa Express, nhưng các cổ đông không mặn mà với việc góp vốn. Do đó, TID quyết định giải thể hãng bay chở hàng, gác lại tham vọng hàng không.

Công ty Cổ phần Tổng công ty Tín Nghĩa (TID) vừa quyết định giải thể CTCP Hàng không Tín Nghĩa Express, một công ty con chuyên về vận tải hàng hóa hàng không. Công ty mẹ của hãng hàng không vắn số này kinh doanh khả quan trong năm 2020 khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 90 tỷ đồng.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020, TID ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.445 tỷ đồng trong cả năm 2020, giảm 14% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng giảm mạnh 17%, về mức 6.768 tỷ đồng giúp biên lãi gộp của Tín Nghĩa đạt 677 tỷ đồng, tăng 24%.

Sau khi giảm trừ các chi phí, TID ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 167 tỷ đồng, tăng 90%. Lợi nhuận sau thuế đạt 90,01 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần so với năm 2019.

Gác lại tham vọng bay chở hàng

Kinh doanh thuận lợi nhưng doanh nghiệp vẫn quyết định từ bỏ tham vọng kinh doanh vận tải hàng hóa hàng không. TID thành lập Tín Nghĩa Express vào năm 2019 nhưng không có động thái cụ thể để hãng bay này cất cánh.

Tín Nghĩa Express được đăng ký vốn tối thiểu 700 tỷ đồng, đủ để khai thác trên 30 máy bay cả quốc tế và nội địa theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, tất cả cổ đông của hãng bay đều không góp vốn như đăng ký.

Theo đăng ký, nhóm cổ đông này gồm TID (góp 315 tỷ đồng - tương đương 45% vốn điều lệ), CTCP APF Đồng Nai (175 tỷ đồng - 25%) , CTCP Logistics Tín Nghĩa - ICD Biên Hòa (105 tỷ - 15%) và Công ty TNHH Lotus Vietnam Investment (35 tỷ đồng - 5%).

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có cổ đông lớn cá nhân là bà Lê Anh Thiên Thư, người đăng ký góp 70 tỷ đồng (10%). Bà Lê Anh Thiên Thư cũng là người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc của Hàng không Tín Nghĩa Express.

Không có vốn tối thiểu để nhà chức trách hàng không niêm phong, doanh nghiệp không có đội bay, nhân sự và giấy phép kinh doanh hàng không cần thiết. Toàn bộ tham vọng bay chở hàng của Tín Nghĩa Express chỉ lại dừng ở việc thành lập pháp nhân.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới ngành hàng không Việt Nam, tuy nhiên, mảng vận chuyển hàng hóa vẫn kinh doanh khả quan. Điều này thể hiện qua sự tăng trưởng của các doanh nghiệp logistic hàng không, đặc biệt là các doanh nghiệp liên quan đến vận chuyển hàng hóa.

Ví dụ, CTCP Dịch vụ Hàng hoá Nội Bài (Noibai Cargo) công bố tổng doanh thu quý IV/2020 đạt 205,6 tỷ đồng, tăng 11% cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế 52,5 tỷ đồng, tăng 5,6%. Khoản lợi nhuận tăng trong quý IV/2020 so với cùng kỳ là nhờ doanh nghiệp nhận được cổ tức từ khoản đầu tư ra ngoài 7,1 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm, Noibai Cargo đạt tổng doanh thu gần 697 tỷ đồng, giảm 21,6% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 206,75 tỷ đồng giảm 14,6%, tăng 8% so với kế hoạch đặt ra đầu năm.

Vietnam Airlines cũng nhiều lần chia sẻ về tham vọng thành lập Vietnam Airlines Cargo, công ty con chuyên bay chở hàng của doanh nghiệp. Trong dịch Covid-19, hàng loạt các hãng hàng không Việt cấu hình lại máy bay để chuyển từ chở khách sang chở hàng với sự trợ giúp của Cục Hàng không.

Công ty mẹ chuyên BĐS Đồng Nai

Trước khi thành lập hãng bay Tín Nghĩa Express, TID chưa từng tham gia kinh doanh liên quan đến hàng không. Tiền thân của doanh nghiệp này là Công ty Dịch vụ Sản xuất Kinh doanh Tổng hợp Đồng Nai (PROSECO), ra đời vào ngày 07/9/1989. Cuối năm 2018, doanh nghiệp niêm yết trên sàn Upcom với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng.

Hiện nay, Tỉnh ủy Đồng Nai đang giữ 48% cổ phần tại TID, Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công giữ hơn 27% cổ phần. Hoạt động kinh doanh chính của TID là hạ tầng khu công nghiệp và bất động sản khác.

Bên cạnh đó, Tín Nghĩa còn thu mua xuất khẩu, chế biến cà phê, các loại nông sản, kinh doanh lĩnh vực xăng dầu, gas đốt, lĩnh vực logistics…

Trên website doanh nghiệp này giới thiệu, hiện Tín Nghĩa có 10 công ty con (vốn góp trên 50%), 3 đơn vị trực thuộc và 6 công ty liên doanh liên kết (vốn góp dưới 50%), doanh số hàng năm đạt trên 10.000 tỷ đồng.

TID gác lại tham vọng hàng không chở hàng dù Tín Nghĩa Express mới được thành lập vào năm 2019. Ảnh: Khánh Huyền.

Từng thuộc Tỉnh ủy Đồng Nai quản lý và nay là cổ đông, TID hiện sở hữu hàng chục triệu m2 đất với nhiều dự án quy mô lớn tại tỉnh này.

Cụ thể, cuối năm 2015, Tỉnh ủy Đồng Nai phê duyệt phương án cổ phần hóa Tổng công ty Tín Nghĩa. Sau chuyển đổi, doanh nghiệp này sẽ quản lý, sử dụng 22.056.242 m² đất khu công nghiệp - khu dân cư và dịch vụ thương mại... trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, đất đang quản lý sử dụng là hơn 8.145.734 m², đất đang triển khai đầu tư là hơn 13.910.507 m². Ngoài ra, doanh nghiệp còn sử dụng 55.006 m² đất tại xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Tính riêng BĐS công nghiệp, theo cáo bạch năm 2018, TID khi đó đang phát triển hàng loạt khu công nghiệp (KCN), bao gồm KCN Nhơn Trạch 3 (697 ha), KCN Ông Kèo (856 ha), KCN An Phước (201 ha), KCN Tân Phú (50 ha), KCN Nhơn Trạch 6 (315 ha), KCN Tam Phước (323 ha), KCN Bàu Xéo (496 ha) và KCN Đất Đỏ (500 ha).

Trang chủ của doanh nghiệp cũng khẳng định TID đã và đang đầu tư 8 KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng diện tích 3.500 ha. Tính đến nay, các KCN Tín Nghĩa thu hút hơn 280 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ USD.

Sở hữu quỹ đất lớn nhưng doanh thu chính của TID trong những năm gần đây lại đến từ kinh doanh xuất khẩu cà phê nhân. Theo đó, mỗi năm TID xuất khẩu trên 100.000 tấn cà phê, kim ngạch trên dưới 200 triệu USD, thuộc top 5 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam.

Đó là lý do nhiều đơn vị phân tích vẫn xếp TID vào nhóm ngành sản xuất thực phẩm. Để mở rộng lĩnh vực thế mạnh, TID đã đầu tư trồng 700 ha cà phê Arabica tại Lào và tham vọng trồng khoảng 3.000 ha cà phê đi kèm xây dựng nhà máy chế biến cà phê nhân ở Lào.

Trên thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm 2021, từ vùng giá 15.000 đồng/cổ phiếu lên 30.000 đồng/cổ phiếu.

Tác giả: Ngô Minh

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP