Thế giới

Kẻ sát nhân hàng loạt khiến Nhật Bản sửa luật

Năm 1997, Nhật Bản rúng động trước thông tin thiếu niên 14 tuổi sát hại 2 học sinh và làm bị thương 3 em khác, khiến nước này phải sửa luật.

Hiện trường nơi tìm thấy thi thể của Jun Hase.

Sự vô nhân tính trong hành động của hung thủ đã thúc đẩy Quốc hội Nhật Bản ra quyết định hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Những lá thư thách thức

Sáng ngày 27/5/1997, vài tiếng trước khi bắt đầu ngày học, nhân viên lao công ở Trường Tiểu học Tainohata, thành phố Kobe, phát hiện một số bộ phận cơ thể của một nam thiếu niên. Đến 15 giờ cùng ngày, cảnh sát tìm thấy những phần thi thể còn lại ở sườn núi cách trường 500m.

Nạn nhân được xác định là Jun Hase, 11 tuổi, học sinh giáo dục đặc biệt tại Trường Tiểu học Tainohata. Trước đó, người lao công cũng phát hiện thi thể không toàn vẹn của hai con mèo và một số bồ câu trong khuôn viên trường.

Một tờ ghi chú viết bằng mực đỏ được nhét trong miệng nạn nhân. Tờ giấy viết bằng tiếng Nhật, pha lẫn một số từ tiếng Anh: “Đây là phần mở đầu của trò chơi... Hãy cố ngăn chặn tôi lại, cảnh sát ngu ngốc... Sự trừng phạt đẫm máu sẽ giải nỗi oán hận bao năm của tôi”. Hung thủ ký tên là “Sakakibara” và thêm cụm từ tiếng Anh viết sai chính tả “school killer” (sát thủ học đường) thành “scholl killer”.

Qua khám nghiệm tử thi, cảnh sát kết luận hung thủ đã bóp cổ Jun đến chết, sau đó tách rời thi thể nạn nhân bằng cưa. Cảnh sát không tìm thấy nguyên nhân khả thi mà hung thủ ra tay với nạn nhân yếu ớt, vô tội này. Manh mối lớn nhất là tờ ghi chú khiến cảnh sát gợi nhớ đến phong cách gây án của “Sát nhân Zodiac” nổi tiếng ở San Francisco, Mỹ, vào cuối những năm 1960.

“Sát nhân Zodiac” là biệt danh mà cảnh sát Mỹ đặt cho tên sát thủ hàng loạt đến nay vẫn là một ẩn số. Hắn đã bắn hoặc đâm 7 người tại khu vực vịnh San Francisco hồi năm 1968 và 1969, sau đó gửi thông điệp mã hóa gồm chữ cái và ký hiệu khó hiểu cho báo San Francisco hồi tháng 11/1969.

Sau một thời gian im hơi lặng tiếng, tên “Sakakibara” đã gửi một bức thư cho tờ Kobe Shimbun và nhận trách nhiệm cho vụ sát hại Jun. Không chỉ đe dọa tiếp tục gây án, hắn ta còn chỉ trích thậm tệ hệ thống giáo dục Nhật Bản. Hắn ta đổ lỗi cho hệ thống giáo dục bắt buộc đã biến hắn thành “một người vô hình”.

Bức thư được nhét trong một phong bì màu nâu, không có tên hoặc địa chỉ người gửi và được đóng dấu bưu điện ngày 3/6. Bức thư dài khoảng 3 trang, gồm 1.400 từ.

Trong bức thư có những ký tự có thể ghép thành cụm từ “Sakakibara Seito”, mang nghĩa là Rượu, Quỷ, Hoa hồng, Thánh, Chiến đấu. Cảnh sát nghi ngờ hung thủ muốn bản thân được chú ý nhiều hơn và được xã hội công nhận về tội ác mà hắn gây ra, từ đó khuếch đại sự hoảng loạn trong cộng đồng.

Trước đó, khi đưa tin về vụ án, các phương tiện truyền thông đã đưa nhầm biệt danh của kẻ giết người là “Onibra” thay vì “Sakakibara”, có nghĩa là Hoa hồng của quỷ.

Vì lẽ đó, hắn ta tiếp tục gửi bức thư thứ 3 cho truyền thông với cảnh cáo: “Từ giờ trở đi, nếu đọc sai tên tôi hoặc phá hỏng tâm trạng của tôi, tôi sẽ giết ba cây ‘rau’ mỗi tuần. Nếu nghĩ rằng tôi chỉ giết trẻ em thì nhầm to đấy”. Các chuyên gia tin rằng hắn dùng từ “rau” thay thế cho con người vì hắn chỉ coi tính mạng con người như rau củ.

Nạn nhân Jun Hase.

Kẻ sát nhân hàng loạt

Trở lại với vụ án của Jun, em mất tích vào chiều 24/5 sau khi nói với gia đình sẽ đến nhà ông nội. Cảnh sát đã mở cuộc tìm kiếm, tra hỏi nhiều người liên quan vào ngày 26/5 nhưng không có kết quả.

Trong quá trình điều tra vụ án, cảnh sát địa phương liên tưởng đến một số vụ tấn công nhằm vào nữ sinh ở thành phố Kobe chỉ vài tháng trước đó. Vụ án đầu tiên xảy ra vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 10/2/1997. Hai nữ sinh tiểu học bị một thiếu niên tấn công từ phía sau khi đang đi bộ trên phố. Hung thủ dùng búa đập mạnh vào gáy của hai cô bé khiến một trong hai người bị thương nặng.

Sau khi bình phục, nạn nhân kể hung thủ mặc áo vest đồng phục của một trường cấp hai, xách cặp học sinh. Từ thông tin này, bố nạn nhân đã yêu cầu nhà trường cung cấp chân dung học sinh cấp 2 trên địa bàn thành phố để con gái nhận diện nhưng yêu cầu này bị từ chối. Sau đó, ông đã nộp đơn lên cảnh sát để yêu cầu cho phép con gái nhận dạng qua ảnh nhưng vẫn không được chấp thuận.

Khoảng một tháng sau, lúc 12 giờ 25 phút ngày 16/3/1997, cô bé Ayaka Yamashita, 10 tuổi, bị một nam sinh dùng búa tấn công ở gần nhà vệ sinh của trường. Khi bỏ chạy cách hiện trường 200m, hắn bị một nữ sinh khác nhìn thấy nên dùng dao đâm vào bụng cô bé khiến nạn nhân mất hai tuần điều trị vết thương. Ayaka được đưa đến bệnh viện và qua đời vào ngày 27/3 do chấn thương sọ não.

Cảnh sát tìm thấy dấu vân tay trên mảnh giấy bên cạnh thi thể của Jun trùng khớp với dấu vân tay trên chiếc búa khiến Ayaka qua đời và nhân chứng bị thương nặng. Họ nghi ngờ đây cũng chính là hung khí trong vụ án hồi tháng 2. Nếu giả thuyết này là đúng, cảnh sát đang phải đối mặt với một kẻ giết người hàng loạt rình rập trong bóng tối.

Lá thư của kẻ sát nhân.

Lộ diện ngoài ánh sáng

Một cuộc điều tra trên quy mô toàn quốc được tổ chức. Cảnh sát làm việc cả ngày lẫn đêm còn trẻ em được cảnh báo không đi bộ trên đường phố một mình, ngay cả vào ban ngày. Sau hàng loạt cuộc thẩm vấn, cơ quan điều tra phát hiện một nam sinh 14 tuổi, có quen biết với Jun, có những biểu hiện bất thường khi bị tra hỏi.

Họ liền bí mật thu thập chữ viết tay của nam sinh này từ trường học để đối chiếu và cho phép nạn nhân hồi tháng 2 nhận diện qua ảnh. Kết quả, cô bé xác nhận nam sinh này chính là người đã tấn công mình còn chữ viết tay thì hoàn toàn trùng khớp. Ngày 28/6, nam sinh này bị bắt giữ vì cảnh sát nghi ngờ đây là nghi phạm của vụ án giết người và tấn công.

Do luật pháp Nhật Bản nghiêm cấm phương tiện truyền thông nêu tên nghi phạm là trẻ vị thành niên nên các bài báo gọi nam sinh này là “thiếu niên A”. Dù vậy, một tờ báo lá cải đã cố tình đăng cả ảnh và tên thật của “thiếu niên A” sau khi người này được thả.

Ngay sau khi bị bắt, cậu bé thú nhận đã tấn công ba nữ sinh vào tháng 2/1997, những người may mắn thoát chết rồi tiếp tục tấn công Ayaka vào ngày 16/3/1997 khiến cô bé tử vong và mới đây nhất là Jun.

Sau khi giết người, “thiếu niên A” viết trong nhật ký rằng: “Hôm nay tôi đã thực hiện thí nghiệm thiêng liêng để xác nhận con người mong manh thế nào... Tôi hạ búa xuống khi cô gái quay lại đối mặt với tôi...”.

Còn hắn chọn Jun vì nghĩ cậu bé nhỏ tuổi hơn nên dễ ra tay hơn. “Thiếu niên A” rủ Jun đi xem rùa màu xanh trên sườn núi gần đó rồi dùng dây trói bóp cổ cậu bé đến chết rồi giấu xác tại chỗ. Hôm sau, hắn ta quay lại hiện trường, phân xác nạn nhân cho vào túi nilon mang đi cất giấu.

Tối 26/5, hắn bị cảnh sát thẩm vấn vì Jun mất tích nhưng lúc này hắn đã mang vứt bỏ hung khí. Khoảng 1 – 2 giờ ngày 27/5, “thiếu niên A” mang bộ phận thi thể của nạn nhân đến cổng trường, nhằm để người khác phát hiện.

Từ tiểu học, “thiếu niên A” đã thích chơi với những đồ vật nguy hiểm. Hắn viết trong nhật ký: “Tôi có thể bớt cáu kỉnh khi cầm một con dao sắc hoặc một khẩu súng lục”. Dù bác sĩ tâm lý cảnh báo A có dấu hiệu bất ổn định về mặt tinh thần nhưng mẹ của hắn liên tục ép buộc con trai phải tham gia các kỳ thi để vào trường danh tiếng. Áp lực này được cho làm gia tăng khuynh hướng bạo lực của A.

Thay đổi luật pháp

Vì là trẻ vị thành niên, A không bị truy tố hình sự. Tháng 10/1997, tòa án phán quyết A đến trại cải huấn dành cho trẻ vị thành niên để điều trị tâm thần, sau đó chuyển đến trại giáo dưỡng.

Nhiều chính trị gia Nhật Bản như ông Shizuka Kamei đã kêu gọi hạn chế phát tán nội dung nhạy cảm, bạo lực và tăng cường tuyên truyền ngăn chặn trẻ vị thành niên phạm pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tháng 3/2004, Bộ Tư pháp Nhật Bản thông báo A, 21 tuổi, được thả tự do. Tên thật và nơi ở mới của hắn được giữ bí mật để đảm bảo an toàn. Sau khi được thả, A đã viết lá thư xin lỗi gửi đến gia đình của hai nạn nhân trong vụ giết người.

Năm 2015, hắn ta xuất bản một cuốn hồi ký về những vụ giết người và cuộc sống ở trong tù. Cuốn hồi ký kể lại một cách chi tiết vụ sát hại Jun Hase cùng những thông tin chưa từng được công bố trên các phương tiện truyền thông.

Cuốn tự truyện của kẻ sát nhân.

Gia đình các nạn nhân đã nhiều lần đâm đơn phản đối việc phát hành cuốn hồi ký tuy nhiên, cuốn sách vẫn được phát hành. Ngay sau đó, nó lọt vào danh sách những cuốn sách bán chạy nhất của Nhật Bản sau khi ra mắt với lượng tiêu thụ vượt 250 nghìn bản. Tiền bản quyền từ việc bán sách được trả cho A khiến gia đình các nạn nhân và không ít công chúng phẫn nộ.

Vài tháng sau, A thành lập một trang web khiêu dâm, đăng những bức ảnh kỳ lạ đã qua chỉnh sửa của một người đàn ông khỏa thân được cho là hắn ta. Đáp lại hành động này, tờ báo Shukan Post đã công khai tên thật của A là Shinichiro Azuma cùng nơi ở và nghề nghiệp của hắn.

Mức độ độc ác trong hai vụ giết người của A, cộng với việc hắn ta nổi tiếng là một trong những sát nhân trẻ em khét tiếng nhất, đã gây sức ép buộc Quốc hội Nhật Bản phải hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Năm 2000, cơ quan luật pháp Nhật Bản thông báo hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự từ 16 xuống 14 tuổi.

Trong quá trình khám xét phòng ngủ của A, cảnh sát tìm thấy vô số truyện tranh và video khiêu dâm. Các chuyên gia nhận định A có thể là một biến chứng điển hình của hội thanh niên Hikikomori, những người tự giam mình trong phòng và từ chối tham gia đời sống xã hội.

Tác giả: Nguyễn Minh (TH)

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP