Cộng đồng mạng

Hy hữu: Cô gái Pháp tìm được gia đình ở Việt Nam nhờ cộng đồng mạng

Sau một tuần từ Pháp về Việt Nam tìm người thân, Emma Kiener, 26 tuổi đã tìm được chị gái cùng mẹ khác cha của mình nhờ sự hỗ trợ, chia sẻ thông tin của cộng đồng mạng.

Tìm được chị gái nhờ mạng xã hội

"Hôm nay, ngày 19/7, tâm hồn tôi cuối cùng cũng được xoa dịu. Sự thật không phải là điều hạnh phúc nhất nhưng tôi đã có câu trả lời. Đó là một kho báu!", Emma đến từ tỉnh Dordogne, vùng Nouvelle - Aquitaine của Pháp chia sẻ trên Facebook cá nhân của mình.

Vốn là người không thường bày tỏ cảm xúc của mình trên mạng xã hội nhưng Emma vẫn rất muốn chia sẻ cảm giác hạnh phúc, vui sướng của mình ngay lúc này. Cô gái cảm ơn cộng đồng mạng vì từng lượt thích, bình luận hữu ích và chia sẻ bài viết của mình. Nhờ thế mà bài viết được lan tỏa nhiều và tiếp cận được với chị gái của Emma chỉ sau một ngày đăng tải.

Trước đó, ngày 10/7, Emma và bố mẹ nuôi của mình ở Pháp đã về Sài Gòn để tìm lại người thân. Trong suốt 26 năm qua, bố mẹ nuôi của cô không hề giấu việc Emma là con nuôi, họ giữ lại toàn bộ giấy tờ tùy thân của cô và kể nhiều về Việt Nam.

Hình Emma hiện tại và lúc nhỏ được cô dùng để đăng lên mạng xã hội nhờ tìm kiếm người thân (Ảnh: Emma Kiener).

Theo thông tin trên giấy tờ nhận nuôi Emma ở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, cô có tên là Trương Thị Thanh Hạnh, sinh ngày 5/10/1996. Emma bị mẹ bỏ rơi tại bệnh viện Từ Dũ, sau khi chuyển sang Trung tâm, bố mẹ nuôi nhận cô và đưa về Pháp ngày 22/10 cùng năm.

Hành trang tìm người thân của Emma còn có thông tin của mẹ, tên là Trương Thị Thanh, khoảng 65 tuổi, từng ở tại địa chỉ 103 thị trấn Thủ Đức (cũ). Ngoài ra, Emma còn có thêm một người chị gái lớn hơn cô chừng 10 tuổi.

"Tôi muốn trả lời cho câu hỏi quan trọng nhất đời mình là: Câu chuyện của cuộc đời mình là gì? Quá khứ của bản thân mình ra sao, tại sao mình lại bị bỏ rơi, bị cho đi… Năm tháng trôi qua, những câu hỏi như vậy dần trở thành nỗi ám ảnh trong tâm trí của tôi. Dù chỉ còn chút ít thông tin trên giấy tờ ngày xưa, rất mong manh nhưng tôi quyết định đi Việt Nam lần này để tìm cho bằng được", cô gái làm nghề tư vấn viên chia sẻ.

Sau khi Emma đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, cô và gia đình được anh Đỗ Hồng Phúc, 27 tuổi ở quận Gò Vấp đón. Chàng trai đã từng hỗ trợ nhiều gia đình ở nước ngoài tìm người thân ở Việt Nam suốt 3 năm nay.

Biết đến anh, Emma chủ động nhắn tin để nhờ hỗ trợ từ hồi tháng 3 năm nay. Sau đó, anh Phúc cũng đã lần theo địa chỉ 103, thị trấn Thủ Đức (cũ) để tìm thử nhưng chưa có kết quả vì hiện tại khu vực này được chia thành 3 phường. Đến tháng 5, anh bắt đầu nhờ các trang mạng xã hội đăng tin giúp song vẫn chưa hiệu quả.

Hai chị em Emma và Thanh Loan chụp hình tại buổi gặp mặt đầu tiên trước khi thử ADN (Ảnh: Loan Tiger).

"Emma cũng đã có thể nghỉ ngơi!"

Tối 12/7, Emma đăng tải bài viết tìm người thân với những thông tin và hình ảnh của mình thuở nhỏ. Sau hơn một ngày cùng nhau rải thông tin vào hàng chục trang, hội nhóm trên mạng xã hội, thông tin được chia sẻ rộng khắp.

Sau 4 tiếng đăng tải bài viết, trong khi lướt Facebook một tài khoản tên Loan Tiger đã nhắn tin cho Emma, khẳng định cô chính là em gái mình.

Chủ nhân tài khoản Loan Tiger là chị Trần Thị Thanh Loan, 35 tuổi ở Thủ Đức. "Những thông tin Emma cung cấp trùng khớp hết với gia đình của tôi. Emma tìm người có tên Trương Thị Thanh, đó là tên mẹ tôi, địa chỉ cũng là căn nhà cũ của tôi. Đặc biệt tôi cũng có một người em gái bị mẹ bỏ rơi tại bệnh viện Từ Dũ", chị Loan nói.

Anh Phúc cùng Emma đối chiếu thông tin thì đã ngầm đoán hai người là chị em.

"Tôi không ngờ sự chia sẻ của cộng đồng mạng lại có hiệu quả đến thế", anh Phúc nói.

Chị Loan kể, đầu năm 1996 ba chị qua đời. Mẹ chị Loan gửi con cho nhà nội rồi đi thêm bước nữa và sinh một cô con gái vào tháng 10 cùng năm. Vì hoàn cảnh khó khăn, bà bỏ con tại bệnh viện Từ Dũ rồi về lại Thủ Đức sống lang thang bán vé số mưu sinh.

Mẹ chị Loan cũng thất lạc gia đình từ nhỏ nên không thể tìm về tá túc bên nhà ngoại. Bà chỉ còn chị Loan là người thân duy nhất trên đời. Thi thoảng, bà vẫn đến thăm và mua bánh kẹo cho chị và kể chị còn một người em cùng mẹ khác cha.

"Tôi có hỏi mẹ em mình là gái hay trai, mặt mũi thế nào? Mẹ tôi bảo là bé gái, mặt giống tôi y chang hồi nhỏ. Mẹ nói đã cho em ở bệnh viện, bà không có chút thông tin hay hy vọng nào nữa để tìm em", chị Loan xúc động nói.

Tháng 11/2015, trước lúc qua đời, mẹ chị Loan cầm tay chị nhưng không nhắm được mắt. Bà tiếc vì đã cho con để rồi trước khi qua đời không gặp lại.

Tuy mọi thông tin đối chứng đều trùng khớp, nhưng cả hai vẫn muốn phân tích AND để khẳng định lại một lần nữa. Sau buổi gặp, họ làm xét nghiệm, đến hôm 19/7, hai chị em vỡ òa khi cùng đọc dòng chữ: "Có quan hệ huyết thống theo dòng mẹ" trên mảnh giấy kết quả.

"Chị mong em hãy hiểu cho hoàn cảnh của mẹ lúc đó, mẹ đã sinh ra chúng ta. Dù thế nào mẹ vẫn là người tuyệt vời nhất trong mắt chị. Chúng ta hãy mừng vì điều này em nhé, chị thật sự an lòng khi em được nhận nuôi bởi một gia đình người Pháp, họ thật tuyệt khi tạo điều kiện để em quay về Việt Nam tìm nguồn cội", chị Loan chia sẻ với em gái.

Chị Loan ăn tối cùng Emma và bố mẹ nuôi của cô (Ảnh: Loan Tiger).

Cả nhà cùng đến chùa thắp nhang cho mẹ của hai chị em (Ảnh: Loan Tiger).

Còn Emma, cô chia sẻ rằng mình thấy thương hơn là giận mẹ. "Tôi tiếc là không thể tìm gặp được bà sớm hơn", Emma nói.

Bố mẹ nuôi của Emma cũng đã có buổi gặp mặt thân mật với gia đình chị Loan, ngày 22/7 họ sẽ về nước.

Hôm qua, hai chị em sẽ cùng nhau đi thắp nhang cho mẹ ở chùa. Lần đầu tiên, cô con gái được sờ tay vào hũ cốt của mẹ.

Emma ngồi cà phê ở Sài Gòn sau khi tìm được nguồn cội của mình (Ảnh: Emma Kiener).

Emma đeo đôi bông tai, kỷ vật của bà Thanh để lại (Ảnh: Loan Tiger).

Chị Loan chia sẻ, trước khi mất bà Thanh có để lại cho hai chị em một đôi bông tai và một chiếc nhẫn vàng, chị đã cho Emma chọn trước nhưng cô ấy lại nhường chị gái.

"Tôi phải giải thích rằng Emma là em, tôi để cho em ấy chọn trước. Sau đó, em gái đã chọn đôi bông tai kỷ vật của mẹ", chị Loan xúc động kể.

Emma sẽ ở lại Việt Nam thêm một thời gian nữa, cô gái đang có kế hoạch đi du lịch cùng với chị Loan.

Emma đứng cạnh bài vị của mẹ đang đặt ở chùa (Ảnh: Loan Tiger).

"Emma đã tìm lại được quá khứ của bản thân, tìm lại được sự thật phía sau việc mình bị cho đi, đặc biệt hơn cả, là hiểu được câu trả lời cho sự tồn tại của Emma trên cõi đời này.

Trước đây, tất cả đều như nằm sau một bức màn bí ẩn đối với Emma nhưng giờ đây, Emma đã tìm lại được mảnh vỡ cuối cùng để khẳng định mình là ai giữa cuộc đời mênh mông này. Hôm nay, cuối cùng thì Emma cũng đã có thể nghỉ ngơi", Emma viết trên trang cá nhân.

Tác giả: Diệp Phan

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP