Giáo dục

Huyện “chữa cháy” sau khi trường trắng giáo viên dạy tiếng Anh

Phòng Nội vụ đã thừa nhận khi vội tham mưu điều chuyển giáo viên dạy tiếng Anh duy nhất của trường tiểu học khi chưa tiếp nhận giáo viên mới về thay thế.

Nhà trường chỉ biết khi giáo viên trình quyết định

Liên quan đến bài viết “Trường tiểu học trắng giáo viên tiếng Anh sau quyết định của huyện”, sáng 21/9, PV Người Đưa Tin đã liên hệ làm việc với ông Đỗ Ngọc Anh – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk).

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Buôn Đôn cho biết, sau khi Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) có báo cáo về việc thiếu 1 giáo viên tiếng Anh thì Phòng đã báo cáo UBND huyện. Tại cuộc họp vào ngày 14/9, sau khi nghe báo cáo cuả Phòng GD&ĐT, Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nội vụ chủ trì thành lập đoàn để làm việc, xử lý về việc này.

Ông Đỗ Ngọc Anh cũng khẳng định, khi Trường Tiểu học Lê Lợi báo cáo lên thì Phòng GD&ĐT mới nắm được thông tin bà P.T.H.T., giáo viên dạy tiếng Anh của Trường Tiểu học Lê Lợi được chuyển công tác.

Trường Tiểu học Lê Lợi lao đao sau khi huyện chuyển công tác giáo viên dạy tiếng Anh duy nhất của trường.

“Về việc thiếu giáo viên tiếng Anh (trong đó có Trường Tiểu học Lê Lợi), Phòng GD&ĐT đã có các báo cáo cho UBND huyện để có chỉ đạo khắc phục tình trạng này... Các văn bản này được gửi cả đến Phòng Nội vụ, các thành viên UBND huyện. Về phía Phòng GD&ĐT, chúng tôi đã làm hết trách nhiệm rồi", ông Anh nói.

Ông Phạm Văn Cường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) cho hay, căn cứ theo công văn số 106 ngày 7/6/2021 của Phòng GD&ĐT huyện Buôn Đôn về việc tiếp nhận hồ sơ thuyên chuyển công tác theo nguyện vọng thì giáo viên phải có đơn xin chuyển trường, bản kiểm điểm quá trình công tác (3 năm học gần nhất). Đồng thời, phải có công văn đồng ý chuyển đi của Hiệu trưởng nơi đang công tác và công văn đồng ý tiếp nhận của Hiệu trưởng nơi xin chuyển đến. Thế nhưng, với trường hợp của bà P.T.H.T. thì hoàn toàn không có.

Ông Cường chỉ rõ, trong năm học trước 2022-2023, bà T. có nguyện vọng chuyển đi và trao đổi với nhà trường. Thế nhưng, do không có giáo viên dạy tiếng Anh nào khác nên nhà trường không đồng ý cho bà T. chuyển đi. Sau đó, bà T. cũng không có đơn xin chuyển trường gửi đến lãnh đạo nhà trường.

“Đến ngày 18/8/2023, khi bà T. trình quyết định số 3296/QĐ-UBND ngày 14/8/2023 của UBND huyện Buôn Đôn thì nhà trường mới biết huyện điều chuyển bà T. đến đơn vị mới nhận công tác kể từ ngày 21/8”, ông Cường chia sẻ.

Ông Trần Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ama Trang Lơng (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) - nơi bà T. được chuyển đến cho hay, toàn trường có tổng cộng 799 học sinh, với 27 lớp. Năm học 2022 – 2023, trường có 3 giáo viên dạy tiếng Anh (trong đó có 1 giáo viên tiếng Anh dạy Tiểu học). Vì thiếu 1 giáo viên tiếng Anh nên từ tháng 3/2022, nhà trường đã có tờ trình xin 1 giáo viên tiếng Anh để đảm bảo nhân lực thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cho đến đầu năm học 2023-2024, UBND huyện đã điều chuyển 1 giáo tiếng Anh về cho trường.

Trưởng Phòng Nội vụ thừa nhận thiếu sót

Là đơn vị trực tiếp tham mưu cho UBND huyện Buôn Đôn ra quyết định số 3296/QĐ-UBND ngày 14/8/2023, ông Nguyễn Hữu Truyền - Trưởng Phòng Nội vụ huyện Buôn Đôn cho rằng, việc điều chuyển bà P.T.H.T., giáo viên dạy tiếng Anh của Trường Tiểu học Lê Lợi về Trường Tiểu học và THCS Ama Trang Lơng là hợp lý.

"Những năm học trước đây, môn tiếng Anh là môn tự chọn. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm học 2023-2024, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì tiếng Anh là môn học bắt buộc từ lớp 3 trở lên. Do đó, nhu cầu biên chế tăng lên. Hơn nữa, Trường Tiểu học và THCS Ama Trang Lơng hiện có 3 giáo viên tiếng Anh nhưng thực tế vẫn cần nhiều hơn 4 giáo viên. Vì vậy, huyện điều chuyển bà T. về trường từ ngày 21/8/2023, trước khi năm học mới bắt đầu với mục đích tăng cường giáo viên tiếng Anh cho buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trước. Sau đó, điều động, sắp xếp người khác về thay thế cho bà T.", ông Truyền lý giải.

Cũng theo ông Truyền, huyện dự kiến tiếp nhận 1 giáo viên có trình độ Đại học Sư phạm tiếng Anh đang dạy tiếng Anh ở huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) để về thay vị trí của bà T. tại Trường Tiểu học Lê Lợi. Giáo viên này đã được UBND huyện Ea Súp cho liên hệ để chuyển công tác từ ngày 9/12/2022 để về huyện Buôn Đôn.

Khi giáo viên trình quyết định của huyện, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi mới biết giáo viên tiếng Anh của trường được chuyển đi.

“Tuy nhiên, có một điều đáng tiếc là chúng tôi vội điều bà T. đi mà chưa được tiếp nhận giáo viên ở huyện Ea Súp về. Khi liên hệ với huyện Ea Súp thì họ bảo rằng, họ cũng đang ở trong tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh như Buôn Đôn nên tạm thời chưa giải quyết cho giáo viên chuyển công tác. Lỗi của tôi là vội quá. Nếu như để giáo viên ở huyện Ea Súp về Trường Tiểu học Lê Lợi rồi hãy chuyển bà T. đi thì mọi thứ đã không như ngày hôm nay”, ông Truyền phân trần.

Theo tài liệu mà Phòng Nội vụ huyện Buôn Đôn cung cấp, bà P.T.H.T. đã có đơn xin chuyển công tác và có hồ sơ kèm theo gửi đến Phòng Nội vụ. Ngoài Phòng Nội vụ, trong đơn xin chuyển công tác, bà T. còn ghi gửi đến các đơn vị gồm: UBND huyện, Phòng GD&ĐT và Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Lê Lợi.

“Sau khi kiểm tra lại, tôi thấy chưa có ý kiến của nhà trường. Chúng tôi có thiếu sót trong việc này. Một lý do mà chúng tôi có thiếu sót, chủ quan trong vấn đề này là toàn huyện Buôn Đôn có 7 xã thì chỉ riêng xã Ea Bar (nơi mà Trường Tiểu học và THCS Ama Trang Lơng đóng chân) là xã nông thôn mới nên không có chế độ phụ cấp vùng 3, lương rất thấp. Do đó, mặc dù thiếu giáo viên nhiều năm nay nhưng việc điều động giáo viên từ vùng khác về xã Ea Bar là cực kỳ khó khăn vì không ai muốn về. Chính vì vậy, khi bà T. có đơn tình nguyện xin về thì tôi đã chuyển cho bộ phận giúp việc, tham mưu xử lý đơn và tham mưu cho huyện ra quyết định chuyển công tác đối với giáo viên này mà không kiểm tra kỹ nên hồ sơ, thủ tục không chặt chẽ. Theo quy định, giáo viên phải làm đơn xin xác nhận của Hiệu trưởng nhà trường, sau đó gửi lên Phòng GG&ĐT, Phòng Nội vụ”, ông Truyền phân trần.

Khi được hỏi về việc huyện điều chuyển công tác đối với bà T. nhưng Phòng GD&ĐT không hay biết, ông Truyền khẳng định, thông tin này là không chính xác. “Thực ra, Phòng Nội vụ và lãnh đạo Phòng GD&ĐT có bàn, có thảo luận với nhau về vấn đề này bằng một cuộc họp nhưng chỉ có điều là không thiết lập biên bản”, ông Truyền nhấn mạnh.

Khi được hỏi về việc phối hợp giữa Phòng GD&ĐT và Phòng Nội vụ trong công tác điều chuyển cán bộ, giáo viên, ông Truyền thông tin: “Trước đây, Phòng GD&ĐT có thẩm quyền bổ nhiệm, cách chức, kỷ luật, khen thưởng đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường. Tuy nhiên, từ khi có Nghị định 127 ngày 21/9/2019 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của các Bộ ... thì thẩm quyền đó thuộc về Chủ tịch UBND. Các trường học là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện chứ không trực thuộc Phòng GD&ĐT như trước đây. Do đó, chúng tôi điều động con người là trên cơ sở tờ trình đề nghị của các trường chứ không cần qua một bước trung gian là Phòng GD&ĐT. Tất nhiên, để cho hài hòa thì vẫn có thể tranh thủ ý kiến của nhau về mặt chuyên môn. Đặc biệt, chúng tôi đã thực hiện đúng tinh thần quyết định 305 ngày 19/1/2022 của UBND huyện”, ông Truyền nhấn mạnh.

Như đã đưa tin, Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) có 312 học sinh. Trong đó, hơn 80% là học sinh dân tộc thiểu số. Toàn trường chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh. Tuy nhiên, ngày 14/8/2023, UBND huyện điều chuyển giáo viên này đến công tác tại Trường Tiểu học và THCS Ama Trang Lơng (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn), khiến nhà trường đối diện với không ít khó khăn.

Để giải quyết tạm thời, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi đã thỏa thuận với một giáo viên trên địa bàn về dạy tiếng Anh cho học sinh các khối của trường. Nhà trường cũng đang gặp khó khăn trong việc trả lương cho cô dạy tiếng Anh này nên phải huy động xã hội hóa giáo dục.

Hơn nữa, theo quy định, mỗi tuần các khối lớp 3, 4, 5 phải học 4 tiết/tuần, nhưng hiện tại nhà trường mới chỉ bố trí, sắp xếp cho các em được học 2 tiết/tuần.

Thông tin từ Phòng Nội vụ huyện Buôn Đôn cũng cho biết, vào ngày 20/9, UBND huyện Buôn Đôn đã có công văn chuyển công tác đối với giáo viên hợp đồng lao động cho Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn).

Theo đó, UBND huyện đồng ý chuyển công tác đối với bà V.T.M.T. (SN 1991, Trình độ chuyên môn: Cao đẳng tiếng Anh, trú tại xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn), giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ đến nhận công tác tại Trường Tiểu học Lê Lợi, kể từ ngày 25/9/2023.

“Bà T. có trách nhiệm bàn giao toàn bộ công việc, hồ sơ, tài liệu có liên quan cho đơn vị cũ trước khi đến nhận công tác tại đơn vị mới. Tiền lương của bà T. do đơn vị mới chi trả theo chế độ tài chính quy định hiện hành” – công văn của UBND huyện Buôn Đôn ghi rõ.

Cũng tại công văn này, UBND huyện Buôn Đôn giao Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ thanh lý hợp đồng lao động và giải quyết các chế độ chính sách khác (nếu có) cho bà V.T.M.T. trước khi chuyển công tác. Đồng thời, giao Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi ký hợp đồng lao động đối với bà T. theo quy định.

Tác giả: Khánh Ngọc

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP