Sau khi bị một nhóm antifan với hơn 110.000 thành viên theo dõi công kích, tối 30/10, Hương Giang đã phản ứng trên trang cá nhân. Cô cho biết không để yên và sẽ làm việc đến cùng. Cùng ngày, cô đăng ảnh cùng công an ở một căn phòng.
Trả lời Zing, đại diện của Hương Giang cho biết nữ ca sĩ đã báo cơ quan công an về vụ việc. Người được cho là xúc phạm, miệt thị Hương Giang ở cùng chung cư với Giang.
Hình ảnh Hương Giang và công an đến nhà một người dân làm việc gây tranh cãi. Ảnh: FBNV. |
Hương Giang có quyền báo chính quyền
Trao đổi với Zing về vấn đề này, luật sư Nguyễn Quốc Cường (công ty luật Tín An) cho biết: "Theo Thông tư 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 của Bộ Công an, Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017, bất cứ công dân nào đều có quyền tố cáo đến cơ quan chức năng khi bị cá nhân, tổ chức làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự. Theo quy định của pháp luật, khi có đơn tố cáo, tố giác một cá nhân, tổ chức, cơ quan công an sẽ mời chủ thể bị tố cáo đến trụ sở làm việc. Và thường cơ quan chức năng phải cho họ sắp xếp thời gian, chuẩn bị tài liệu, chứng cứ".
"Nếu người bị tố cáo không đến làm việc, công an có thể đến trực tiếp xác minh thông tin. Khi đến nhà công dân, công an đưa ra giấy giới thiệu của cơ quan. Trong đó, có nội dung cần gặp ai, làm việc gì", luật sư nói.
Luật sư Cường cho biết thêm, nếu công an quận, thành phố đến nhà dân làm việc cần phải thông qua công an khu vực. "Chỉ trừ trường hợp bắt giữ khẩn cấp, công an quận, thành phố hoặc bộ mới trực tiếp tới làm việc thôi", luật sư nói.
Hương Giang đã làm việc với công an khi bị antifan nói xấu. |
Đồng quan điểm với luật sư Cường, luật sư Nguyễn Hữu Toại (công ty luật Hừng Đông) nói về quy trình làm việc của công an khi nhận được đơn tố cáo của công dân: "Cơ quan chức năng khi nhận được đơn tố cáo của cá nhân sẽ mời đối tượng bị tố cáo đến trụ sở công an làm việc để xác minh vụ việc. Khi người bị tố cáo không tới làm việc, công an có thể tới nơi ở để xác minh".
Antifan phạm luật khi nói xấu Hương Giang?
Theo luật sư Toại, Hương Giang là nghệ sĩ nên thường phải đón nhận những lời khen chê từ khán giả. Anh cho rằng khán giả có quyền bình luận về việc hay dở của nghệ sĩ, miễn là không bôi nhọ, nói sai sự thật.
"Nếu thực sự hành vi của khán giả ở mức độ nhận xét chuyên môn, thể hiện sự yêu ghét với nghệ sĩ thì khó để xử lý về mặt pháp luật. Khán giả có quyền bày tỏ chính kiến về sản phẩm, dịch vụ mà họ mua. Nếu họ vu khống, đặt điều mà không có cơ sở thì vi phạm luật. Ở trường hợp này, Hương Giang phải đưa ra chứng cứ mình bị vu khống, thiệt hại và nhờ cơ quan pháp luật can thiệp", luật sư nói.
Theo luật sư Nguyễn Quốc Cường, khán giả có quyền tự do ngôn luận, bày tỏ chính kiến của mình về sản phẩm của nghệ sĩ. "Nếu Hương Giang có tài liệu chứng cứ chứng minh bị bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, có thể kiện ra tòa, áp dụng luật dân sự đồi bồi thường danh dự, nhân phẩm. Cô cũng có thể làm việc với cơ quan chức năng để áp dụng luật An ninh mạng", luật sư nhấn mạnh.
Thời gian gần đây, mạng xã hội xuất hiện một nhóm chuyên đăng bài viết về Hoa hậu Chuyển giới Hương Giang với tên "Anti nữ hoàng đạo lý". Chỉ trong thời gian ngắn, nhóm thu hút hơn 110.000 người tham gia. Nhóm có nhiều bài đăng chê bai Hương Giang về giọng hát, tính cách và cả cô thường xuyên "nói đạo lý" với quan điểm không thống nhất trên truyền hình.
Hôm 30/10, Hương Giang đăng bài viết lên tiếng về vụ việc và tuyên bố "sẽ không tham gia chương trình nào cần thể hiện quan điểm cá nhân không cần thiết".
Tác giả: Bích Hằng
Nguồn tin: zingnews.vn