Xã hội

Hủ tục "bắt vợ" là hành vi phạm pháp

Tại tọa đàm về việc thực hiện công tác tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hoá, vận động bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ” ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, các đại biểu đều nhất trí quan điểm cần vận động tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh, ban hành chế tài xử phạt đủ mạnh để hạn chế sự biến tướng từ “phong tục” thành “hủ tục”.

Lợi dụng tục "bắt vợ" người H'Mông, nam thanh niên trẻ khống chế, lôi kéo một thiếu nữ giữa đường bỏ mặc sự chống cự của cô gái khiến dự luận bức xúc.

Nét đẹp văn hóa tô màu "xám"

Chiều 22/4, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Văn hóa giáo dục phối hợp với Hội đồng dân tộc tổ chức toạ đàm về việc thực hiện công tác tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa, vận động bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ” ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số.

Tọa đàm có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ VH,TT&DL; Bộ Công an, UBND một số địa phương cùng các chuyên gia văn hóa, dân tộc tham dự trực tiếp và trực tuyến tại 5 đầu cầu địa phương là Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Xuân Phương nhấn mạnh, việc đánh giá kỹ lưỡng giá trị, thực trạng và biến tướng của tục lệ này sẽ giúp cho Quốc hội và bộ, ngành, UBND các địa phương có phương hướng, giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, biện pháp quản lý nhà nước và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phù hợp, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Đầu tháng 2/2022, báo chí phản ánh vụ việc “bắt vợ” tại xã Phả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã gây bức xúc trong dư luận. Qua clip được quay lại, một bé gái đi chơi xuân đã bị một nam thanh niên còn khá trẻ khống chế, lôi kéo ở giữa đường. Điều đáng chú ý là những người chứng kiến sự việc có thái độ can thiệp vì cho rằng thanh niên này đang bắt cô gái về làm vợ theo tục của người H’Mông. May mắn một cán bộ chiến sĩ công an đã có mặt kịp thời “giải cứu” cô gái.

Sự việc chưa kịp lắng thì vài ngày sau, trên mạng lan truyền một đoạn clip chia sẻ trường hợp “bắt vợ” khác tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Theo đó, cô gái trẻ bị một nhóm thanh niên khoảng 5-7 người túm chặt tay chân “bắt vợ”. Bỏ mặc sự chống sự quyết liệt của cô gái, tiếng khóc van xin nhưng nhóm thanh niên vẫn không dừng lại. Kết quả cô gái vẫn bị nhóm thanh niên khiêng đi mà không nhận được sự can thiệp nào của người dân.

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, tháng 2/2022, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc xây dựng kế hoạch tổ chức khảo sát, đánh giá về tục “bắt vợ”.

Qua khảo sát tại địa bàn hai tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu ghi nhận hai luồng ý kiến: Một bộ phận đồng bào người Mông, Dao cho rằng, từ nhiều năm nay đã không còn duy trì tục “bắt vợ” hay “kéo vợ” để tiến tới hôn nhân trong đồng bào người Mông, Dao nên có thể chấm dứt tục này để nam, nữ tự tìm hiểu, tiến tới hôn nhân theo nguyên tắc hôn nhân tự nguyện đã được ghi nhận trong Luật hôn nhân và gia đình.

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương khác, điển hình là Lào Cai, ý kiến người già và trung niên cho rằng, tục kéo vợ là phong tục tốt đẹp, một phần trong nghi thức cưới hỏi của người Mông.

Trước đây, phong tục “kéo vợ” thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc của người Mông, đó là khát vọng tự do trong tình yêu, hôn nhân của người Mông từ xa xưa. Tục “kéo vợ” chỉ được thực hiện khi cặp nam nữ yêu nhau thật lòng và mục đích của tục này là rút gọn các thủ tục như ăn hỏi, dạm ngõ, kết hôn…

Đó cũng là “cánh cửa” cho những đôi trai gái yêu nhau mà không đủ tiền cưới để tiến tới hôn nhân. Và tục “kéo vợ” theo đúng truyền thống khi cô gái nhận lời yêu và cho phép. Thế nhưng, nét đẹp văn hóa nay bị biến tướng khi xuất hiện nhiều hành động ép buộc, khống chế người phụ nữ về làm vợ.

Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng tự do thân thể, vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình, hủ tục cần dẹp bỏ.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phát biểu tại tọa đàm.

Giải pháp “nóng”…

Phát biểu tham luận, đại diện cho UBND tỉnh Lào Cai cho biết, tục “kéo dâu” hay “kéo vợ” là một phong tục tốt đẹp và nhân văn của người Mông, hiện nay do không hiểu về nét văn hóa truyền thống xưa, cùng với lối sống đua đòi của một số ít thanh niên nam nữ mà tục lệ này đã bị biến tướng, lạm dụng, gây mất trật tự xã hội.

Theo báo cáo của 9 huyện, thị xã, thành phố, từ năm 2015 đến nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xảy ra 1 vụ “bắt vợ - kéo vợ” vi phạm pháp luật bị khởi tố hình sự; 1 vụ kéo vợ nhưng chưa gây hậu quả.

Đại biểu tỉnh Lào Cai cho biết, khó khăn trong việc ngăn ngừa tình trạng này là do công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền đại phương có lúc còn chưa chặt chẽ; việc nắm bắt thông tin để ngăn chặn các vụ tảo hôn chưa kịp thời, một số gia đình, dòng họ còn cả nể, thiếu kiên quyết,…

Trước những hệ lụy biến tướng từ tục “bắt vợ” ở một bộ phận dân tộc thiểu số, các đại biểu tham dự tọa đàm đã nêu ý kiến, đề xuất giải pháp “nóng” nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật.

Đại biểu Thùng Văn Nghiểm, Phó Cục trưởng Cục an ninh nội địa, Bộ Công an nêu ý kiến về xử lý nghiêm minh các vụ việc lợi dụng tục “bắt vợ” thực hiện hành vi vi phạm pháp luật: “Xử lý bằng hình thức dân sự, hành chính tuỳ từng trường hợp cụ thể. Người dân kém hiểu biết thì tuyên truyền, hòa giải giữa hai bên, hai dòng họ. Trường hợp xác định có yếu tố vi phạm mà chưa đến mức xử lý hình sự thì sẽ xử lý hành chính.”

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để đồng bào dân tộc thiểu số hiểu đúng và đầy đủ về các giá trị truyền thống, nét đẹp văn hóa của tập tục “kéo vợ”, nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ chính quyền cơ sở.

Ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh: “Xác định trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị để xảy ra tình trạng "kéo vợ” biến tướng. Mặc dù hiện tượng không nhiều nhưng gắn trách nhiệm thì sẽ tốt hơn. Thực hiện hiệu quả các biện pháp ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ các biến tướng của tục “bắt vợ”. Ban hành chế tài xử phạt đủ mạnh để hạn chế tình trạng vi phạm nếp sống văn minh. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh đối với cán bộ, đảng viên để gia đình, người thân vi phạm. Xác định trách nhiệm cho người đầu các đơn vị để xảy ra tình trạng “kéo vợ”.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, bên cạnh công tác tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa, vận động bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ” cần triển khai tốt các chính sách phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Tác giả: Mộc Miên

Nguồn tin: phapluatxahoi.kinhtedothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP