Tham dự hội nghị có các đồng chí: Đại diện các Ban Trung ương Đảng; Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX.
Quang cảnh hội nghị |
Thống nhất toàn diện, trên dưới đồng lòng, chủ động tập trung trong thực hiện các nhiệm vụ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách 6 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2022 |
Góp ý vào Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách 6 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2022 và Báo cáo công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2022, các đại biểu đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong thời gian qua. Nổi bật nhất là dịch COVID-19 được kiểm soát hiệu quả, đây là tiền đề để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, cả hệ thống chính trị thống nhất cao, quyết liệt và linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các lĩnh vực; đặc biệt là tỉnh sớm ban hành kịch bản tăng trưởng, chọn chủ đề năm 2022 là năm chuyển đổi số đã khích lệ các địa phương, các ngành có nhiều đổi mới trong chỉ đạo, điều hành. Tỉnh cũng đã thành lập nhiều tổ công tác thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19. Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, tại các huyện, thành, thị cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực…
Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ trăn trở với nhiều tồn tại, vướng mắc cần phải khắc phục, giải quyết trong thời gian tới. Đó là, việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 kết quả đạt thấp, đơn cử như chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, cần đánh giá nguyên nhân và có giải pháp hỗ trợ cho người lao động. Cần quan tâm tình hình giá cả vật tư tăng ảnh hưởng đến đời sống của người dân và doanh nghiệp. Đầu tư công còn gặp nhiều khó khăn, cần có giải pháp tích cực trong điều hành.
Bí thư Huyện ủy Nam Đàn Nguyễn Thị Hồng Hoa chỉ ra một số khó khăn vướng mắc về thủ tục trong thu hút đầu tư; vướng mắc trong chuyển đổi đất để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp |
Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc Phạm Hồng Quang đề nghị cần có giải pháp xử lý nước thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên dài hơi và căn cơ hơn; đồng thời, tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân |
Về lĩnh vực cải cách hành chính, các đại biểu cho rằng toàn tỉnh rất nỗ lực cố gắng, đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, theo báo cáo thì nhiều lĩnh vực nhạy cảm phức tạp mặc dù có tỷ lệ hồ sơ giải quyết cao nhưng trong thực tế hiện nay người dân và doanh nghiệp phàn nàn về cán bộ còn nhiều, vì vậy, kết quả trong báo cáo đã thực chất hay chưa. Vẫn còn nhiều hồ sơ tồn đọng, quá hạn kéo dài nhiều tháng chậm xử lý. Tỷ lệ người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến còn thấp, cần tập trung tuyên truyền công khai quy trình xử lý để dân hiểu, dân làm và dân tin. Cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao vai trò người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để chấn chỉnh thái độ phục vụ, trách nhiệm của cán bộ, công chức đối với người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị đẩy nhanh việc tuyển công chức ở các huyện, đơn cử như phòng Tài nguyên và môi trường ở TX Hoàng Mai chỉ có 5 cán bộ, khối lượng công việc nhiều, vẫn đang còn chỉ tiêu tuyển và đã đăng ký với tỉnh nhưng chưa có kết quả.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ sự vui mừng trong thu hút đầu tư của tỉnh có sự chuyển biến tích cực, lần đầu tiên Nghệ An xếp thứ 9 trong số 10 địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cao nhất cả nước. Theo đó, Nghệ An đã thu hút được 580 triệu USD vốn FDI, chủ yếu đầu tư vào Khu Kinh tế Đông Nam.
Chia sẻ vấn đề thủ tục khó, cộng với giá nguyên vật liệu tăng đối với các dự án, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành cần chủ động trong việc phát hiện vướng mắc; quan tâm cho giải ngân vốn đầu tư công. Liên quan đến cải cách hành chính, thực tế trong thời gian qua có chuyển biến nhưng chưa mạnh, con số qua báo cáo rất tích cực nhưng trên thực tế nhìn nhận, đánh giá của người dân và doanh nghiệp vẫn chưa đạt yêu cầu; đề nghị người đứng đầu cơ quan, địa phương quan tâm đến trách nhiệm, thái độ của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, cần quan tâm sâu sắc những vấn đề vướng mắc của người dân cấp cơ sở; cần nắm bắt kịp thời, giải quyết nhanh chóng, không áp đặt, tạo sự đồng thuận cho người dân.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý phát biểu |
Kết luận nội dung này, đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao kết quả kinh tế - xã hội đã đạt được trong 6 tháng đầu năm. Đặc biệt là tinh thần thống nhất tập trung trong quan điểm phát triển từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được phát huy; Nghệ An thuộc tốp 10 địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cao nhất cả nước thể hiện sự nỗ lực, kêu gọi đầu tư của tỉnh; phục hồi kinh tế đúng hướng.
Trong 6 tháng cuối năm, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị tập trung quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ theo đúng tinh thần thống nhất toàn diện, trên dưới đồng lòng, chủ động tập trung. Trong đó, tập trung xây dựng hoàn thiện báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh gắn với đó là tập trung đẩy mạnh tiến độ đầu tư công; nghiêm túc thực hiện chủ trương tài trợ quy hoạch, tài trợ quy mô lớn để có thể đồng bộ hạ tầng, cảnh quan, đô thị; tập trung chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ và phòng thủ dân sự tỉnh năm 2022, đặc biệt là đối với 5 huyện Thanh Chương, Tương Dương, Hưng Nguyên, TP Vinh, TX Cửa Lò.
Đồng thời, tập trung chỉ đạo tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và mũi nhắc lại, không chủ quan, lơ là đối với tình hình dịch COVID-19 hiện nay; tiếp tục tạo sự chuyển biến trong cải cách hành chính; tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề nhạy cảm, sát sườn của nhân dân...
Cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Giám đốc Sở TT&TT Lê Bá Hùng trình bày dự thảo Nghị quyết về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 |
Cho ý kiến về Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các đại biểu đồng tình với quan điểm chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và toàn diện, mang tính đột phá, yêu cầu sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu và sự chung tay của toàn dân; cần triển khai liên tục, kiên trì, thực chất và hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí nguồn lực; đảm bảo tính kế thừa và đổi mới sáng tạo với những bước đi vững chắc, phù hợp thực tiễn trong từng thời kỳ, từng ngành, lĩnh vực. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trong các cơ quan đảng, chính quyền các cấp, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và người dân...
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi phát biểu |
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông thống nhất với kết cấu, nội dung của dự thảo Nghị quyết |
Theo các đại biểu, để thực hiện tốt công tác chuyển đổi số cần đi từ cải cách hành chính. Yếu tố đầu tiên vẫn là công chức, viên chức có chịu thích ứng để chuyển đổi số; thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp, hệ thống đã đáp ứng được tính công vụ, tính phục vụ hay chưa… Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ như hiện nay cần bố trí nguồn lực tương xứng, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyển đối số, rà soát, nâng cấp, bổ sung cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông cho các cơ quan trong hệ thống chính trị các cấp của tỉnh và trong cộng đồng dân cư. Cùng với đó, có đánh giá sau 1 năm triển khai thực hiện để có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn; cần thu hẹp khoảng cách số giữa đô thị với nông thôn, quan tâm phát triển hạ tầng số, kỹ năng số và điều kiện tiếp cận dịch vụ số cho người dân vùng nông thôn...
Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nhấn mạnh chuyển đổi số cần sự thay đổi toàn diện của các cá nhân và tổ chức; muốn thật sự thành công thì người đứng đầu phải vào cuộc quyết liệt. Cần xây dựng được một hệ thống tổ chức, cán bộ đáp ứng được điều hành chuyển đổi số.
Thống nhất với các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đề ra tại dự thảo Nghị quyết, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu rà soát lại các tổ chức doanh nghiệp, các điều kiện để đảm bảo cho việc tích hợp đồng bộ, hiệu quả; cần giao rõ trách nhiệm cho các đơn vị liên quan; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá về thực hiện chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị; tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người dân dễ dàng truy cập dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất chính sách sử dụng dịch công trực tuyến, giảm thời gian, lệ phí, dừng tiếp cận hồ sơ giấy; tập trung nâng cao nhận thức, kỹ năng cho các cán bộ, người dân và doanh nghiệp; triển khai thí điểm Tổ công nghệ số cộng đồng.
Tác giả: Kim Oanh
Nguồn tin: nghean.gov.vn