Phát biểu tại buổi lễ, Nhà sử học Dương Trung Quốc - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá, hoạt động này sẽ góp phần chứng minh lịch sử là những khuôn mặt rất cụ thể. “Các bức tượng để thờ phụng ngài và truyền bá lòng ái quốc, cũng như lòng hiếu học của người xưa”, ông Dương Trung Quốc cho hay.
3 vị Tiến sĩ được đúc tượng bao gồm: Nguyễn Trọng Thường (1681-1738), người xã Trung Cần, huyện Thanh Chương - nay là thôn Trung Cần, xã Nam Trung, huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An), 32 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Vĩnh Thịnh 8 (1712) đời Vua Lê Dụ Tông. Ông làm quan đến chức Lại bộ Hữu Thị lang, được cử đi sứ nhà Thanh. Khi trở về đến Hán Khẩu thì lâm bệnh chết. Được truy tặng Lại bộ Tả Thị lang, tước Cần Quận công.
Nguyễn Trọng Đương (1724-1786), con của Nguyễn Trọng Thường, chú của Nguyễn Đường. 46 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng 30 (1769) đời Vua Lê Hiển Tông. Làm quan đến chức Hàn lâm Hiệu lý. Đi sứ nhà Thanh (1761), trở về thăng Đốc trấn Lạng Sơn, tước Lạp Sơn bá. Sau ông được điều vào trấn Thuận Quảng. Khi quân Tây Sơn vây đánh thành Phú Xuân (1786), ông tử trận (6-1786), được truy phong Hữu Thị lang, tước hầu.
Nguyễn Đường (1746- ?), 34 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng 40 (1779) đời Lê Hiển Tông. Làm quan đến chức Hàn lâm Hiệu thảo, vâng mệnh làm Phó sứ sang nhà Thanh. Trở về thăng Thị chế, Đốc trấn Lạng Sơn, tước Chi Phong bá. Đầu đời Vua Gia Long ông được vời ra giữ chức Đốc học Sơn Nam.
3 bức tượng nằm trong chương trình "Mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân”, một dự án xã hội hóa do Hội Sử học Việt Nam, Liên hiệp UNESCO Hà Nội, Hội quán Di sản và Circle Group phối hợp thực hiện.Sau khi trao tặng, ba bức tượng sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ an sau đó sẽ được đưa về nhà thờ dòng tộc.
Tác giả: Hồ Viết Thịnh
Nguồn tin: Báo Nghệ An
Nguồn tin: Báo Nghệ An