Nhận được lời đề nghị của BONGDAPLUS.vn, thú thật, tôi không biết nên bắt đầu câu chuyện về Thịnh từ đâu nữa, vì trong đầu tôi, những ký ức quá chật chội và chưa bao giờ tôi sắp xếp nó theo một tiêu chí nào cả. Tất cả đều tự nhiên như cách chúng tôi lớn lên, có những kỷ niệm bên nhau.
Hồi Thịnh còn nhỏ, lúc biết đến quả bóng, có khi quả bóng to hơn người, áo thi đấu dài quá đầu gối. Tôi không hiểu nhiều về bóng đá nhưng tôi biết Thịnh rất thích quả bóng. Gia đình nghĩ rằng chỉ cho Thịnh chơi thôi nhưng rồi em vào tập trong đội SLNA. Hồi đó, ông Văn Sỹ Chi, bố của 4 cầu thủ nhà họ Văn nổi tiếng trong màu áo SLNA, là người dìu dắt Thịnh từ lứa U10. Kể từ đó, Thịnh suốt ngày đi theo các thầy tập luyện, đi theo các anh, các bạn đá bóng dù nhiều trận chỉ đóng góp cho trận đấu trong vai trò của một người… nhặt bóng.
Tôi nhớ, hồi đó, nhà tôi nghèo và vất vả lắm. Sau những buổi học, chị em tôi lại ra chợ phụ giúp mẹ bán hàng, bị các cô, các bà trêu nhiều lắm nhưng Thịnh chẳng xấu hổ, hoặc là cố tỏ ra không xấu hổ, tôi cũng không biết nữa. Thịnh vẫn ngồi bán hàng, dù mọi người đùa đủ kiểu, kể cả nói rằng: “mày bé thế này thì đá bóng làm sao được?”, cu cậu cũng kệ, mặt không đổi sắc, cứ tập trung vào việc của mình.
Lúc lên U13, U14, Thịnh đá giải nhi đồng, thắng thì vui, líu la líu lo, còn thua là y như rằng, về đến nhà, gặp người thân là lại mếu máo, khóc lóc. Bố tôi nghiêm lắm, nhất là với cậu con trai của mình. Cũng phải thôi, sống trong môi trường mà xung quanh toàn người nghiện ngập, dễ bị rủ rê nên bố mẹ tôi sợ lắm. Có mỗi cậu con trai mà, nên phải giữ cho bằng được, kể cả bằng roi, bằng vọt. Bố tôi có một quy định: Tập xong là phải về nhà luôn, nếu không về nhà ngay là khỏi đi tập nữa. Vì Thịnh sợ không được đi tập bóng đá nên hết giờ tập là về nhà luôn, không ngó ngang, liếc dọc.
Rồi Thịnh lớn dần lên, va chạm với cuộc sống nhiều hơn. Thực sự, tôi rất khâm phục bản lĩnh sống của em trai mình, hoàn toàn không phải là chị gái nên khen em trai, nhất là khen cho người khác thấy. Thịnh thương mẹ lắm. Mẹ vất vả, cực khổ nhiều, mẹ sống vì các con nên càng nhìn mẹ, càng nghĩ về mẹ, Thịnh càng cố gắng để làm một điều gì đó, báo đáp, bù đắp cho mẹ.
Tôi nhớ, cái năm đi đá cho đội U19 Việt Nam, cả nhà đã khóc khi Thịnh gọi điện về bảo: "Hôm nay, con đá phản lưới nhà". Thịnh khóc, khóc mà không nói được thành lời, cứ đứt quãng trong tiếng nấc. Ai cũng gặp mà có nói được câu gì cho gọn đâu, cứ gãy quãng… Đó là kỷ niệm khó quên nhất với tôi và cả nhà.
Ngô Hoàng Thịnh cùng mẹ
Thịnh sống thiên về tình cảm, nội tâm lắm, hay lo, hay nghĩ cho người khác, sống chân chất và không biết nịnh bợ. Thịnh cũng hài hước, hóm hỉnh lắm nhưng tôi thích nhất là cu cậu ghét cay, ghét đắng sự dối trá. Con người trên sân và con người ngoài đời của Thịnh trái ngược nhau. Khi có quả bóng trong chân, Thịnh mạnh mẽ, chiến đấu hết mình. Mỗi lần thấy Thịnh ngã trên sân hoặc bị phạm lỗi, cả nhà lo lắng lắm. Để bố mẹ đỡ lo, Thịnh toàn giấu, không cho bố mẹ biết và thế là, bố mẹ muốn biết con trai mình có bị chấn thương không, mức độ chấn thương thế nào, xin mời… đọc báo.
Là chị gái, tôi cũng nhiều lần khuyên Thịnh rằng chơi hết mình nhưng nếu chấn thương thì đừng cố quá. Thịnh bao giờ cũng bảo em biết rồi nhưng khi vào sân, cậu em tôi lại quên hết lời dặn dò của mọi người bởi lúc đó, điều duy nhất trong đầu Thịnh là bóng đá và thể hiện tất cả những gì tự nhiên nhất trong con người, đá như chưa từng được đá và sự nhiệt huyết đã ngấm vào máu rồi. Nhiều lúc, Thịnh tâm sự: "Đá mệt lắm, chị ạ". Tôi nghĩ mà thương. Đá thắng thì vui, cũng đỡ được phần nào, còn chẳng may mà thua thì càng mệt. Lúc đấy, chị em chỉ biết động viên nhau suông thôi, chứ cũng chẳng giúp được gì.
Gia đình Hoàng Thịnh
Nói về Thịnh thì buồn nhiều hơn vui. Có lẽ, Thịnh là cầu thủ đen đủi vào bậc nhất, chỉ gặp điều xui mà ít khi có được may mắn, cả trong cuộc sống lẫn trong nghề. Bao nhiêu lần nằm trong danh sách đề cử nhưng chưa một lần Thịnh có được danh hiệu cá nhân cho riêng mình. Lần hụt hẫng nhất là ở giải U21, thầy bảo Thịnh chuẩn bị lên nhận giải Cầu thủ xuất sắc nhất nhưng khi BTC tuyên bố thì lại đọc tên người đàn em trong đội… Tương tự như thế là giải Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất. Gia đình ai cũng buồn nhưng tôi biết, Thịnh buồn hơn cả vạn lần. Nhưng sau những lần như vậy, tận cùng những nỗi buồn luôn là quyết tâm rất lớn, động lực mạnh mẽ để tiến lên, phấn đấu hết mình.
Chính vì được sinh ra trong một gia đình không có điều kiện như những gia đình khác, những thất bại trên sân cỏ đã tạo ra một con người Ngô Hoàng Thịnh chưa bao giờ đầu hàng, không khi nào gục ngã, luôn luôn khẳng định trên đôi chân của chính mình. Thịnh muốn làm được mọi thứ, để bố mẹ bớt vất vả, để mọi người nhìn vào mà tôn trọng gia đình mình. Tôi khâm phục cậu em trai của mình, một người đàn ông rất bản lĩnh, nhiệt huyết cả trên sân cỏ lẫn ngoài đời. Chưa cần gặp hay nói chuyện, chỉ cần nhớ đến Thịnh, nhớ đến những gì em mình vượt qua, tôi đã được tiếp thêm sức mạnh, có thêm động lực để giải quyết những khó khăn rồi.
Tác giả bài viết: Ngô Kim Oanh