Thế giới

Hoàng đế giàu nhất trong lịch sử nhân loại

Hoàng đế Mali được coi là người giàu nhất trong lịch sử thế giới với số tài sản hơn 400 tỷ USD, vượt xa nhiều tỷ phú nổi tiếng ngày nay.

Hình minh họa chân dung hoàng đế Mansa Musa I của đế quốc Mali. Ảnh: wikia.com.


Người đàn ông giàu nhất trong lịch sử nhân loại là Musa Keita I, hay còn gọi là Mansa Musa, hoàng đế thứ 10 của đế quốc Mali, theo Ancient Origins. Sinh năm 1280, Mansa Musa mở rộng đáng kể lãnh thổ Mali sau khi xâm chiếm 24 thành phố và những khu vực khác. Khi qua đời vào năm 1337, ông tích lũy số của cải lớn đến mức khó có thể tính chi tiết. Nếu điều chỉnh theo lạm phát, khối tài sản của Mansa Musa có giá trị hơn 400 tỷ USD.

Để so sánh, dòng họ Rothschild giàu thứ hai trên thế giới có gia tài tổng cộng 350 tỷ USD. Tỷ phú J.D. Rockefeller sở hữu 340 tỷ USD. Andrew Carnegie có tổng tài sản 310 tỷ USD. Tài sản đứng tên Bill Gates trị giá 136 tỷ USD. Không ai trong những tỷ phú hiện đại nêu trên có thể qua mặt vị vua châu Phi về độ giàu có.

Mansa Musa I bắt đầu làm giàu từ vàng và mỏ muối ở Tây Phi. Ở thời kỳ hoàng kim dưới sự trị vì của Musa I, đế quốc Mali trải rộng hơn 3.200 km, bao gồm các khu vực ngày nay là Chad, Bờ biển Ngà, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Mali, Mauritania, Niger, Nigeria và Senegal. Không chỉ xâm chiếm nhiều thành phố như Timbuktu và Gao, Mansa Musa còn thu cống phẩm từ nhiều nơi khác. Trong khi châu Âu đang đương đầu với nạn đói, bệnh dịch hạch và chiến tranh, các quốc gia châu Phi phát triển mạnh vào thời Trung Cổ.

Theo phong tục Mali, một vị vua phải chỉ định người nhiếp chính khi hành hương đến thánh địa Mecca hoặc thực hiện trọng trách nào đó. Nếu vị vua không trở lại, người nhiếp chính được chỉ định sẽ lên ngôi. Abubakari Keita II (hoàng đế trước thời Musa) khởi hành đi tìm điểm tận cùng của Đại Tây Dương và không truyền tin về. Trước khi lên ngôi năm 1312, Musa I cử 2.000 chiếc thuyền tìm kiếm tung tích của Abubakari Keita II nhưng đoàn thuyền cũng không quay về, Musa I được công nhận là hoàng đế hợp pháp của Mali.

Sự giàu có của Mansa Musa I chỉ là một phần giai thoại về ông. Thông qua kiểm soát các tuyến đường thông thương quan trọng giữa Địa Trung Hải và Tây Phi, Mansa Musa biến thành phố Timbuktu thành trung tâm văn hóa Hồi giáo. Ông trả cho một kiến trúc sư 200 kg vàng để xây dựng đền thờ Djinguereber còn lưu lại đến ngày nay. Ông cũng xây dựng Đại học Timbuktu để thu hút các học giả và nghệ sĩ người Hồi giáo. Mansa Musa I khuyến khích phát triển đô thị hóa trong vương quốc của mình bằng cách cấp quỹ xây dựng trường học và đền thờ.

Chân dung hoàng đế Mansa Musa I trên bản đồ Catalan Atlas năm 1375. Ảnh: Wikimedia.

Mansa Musa I lần đầu thu hút sự quan tâm của toàn thế giới vào năm 1324 khi ông thực hiện chuyến hành hương đến thánh địa Mecca theo truyền thống trong đạo Hồi.

Chuyến hành hương kéo dài qua hơn 6.400 km thể hiện sự giàu có của hoàng đế Musa đồng thời khiến những người châu Âu chú ý. Mansa Musa I mang theo đoàn tùy tùng dài ngút mắt, gồm hàng chục nghìn quân lính, thường dân và nô lệ, 500 sứ giả mặc trang phục bằng lụa và đeo trang sức vàng, nhiều lạc đà và ngựa chở theo vàng thỏi. Mansa Musa I cũng đưa vợ ông là Inari Konte và 500 hầu gái đi cùng. Ông xây nhiều đền thờ dọc đường đi ở Dukurey, Gundam, Direy, Wanko, và Bako, một số vẫn tồn tại đến ngày nay.

Khi tới thành phố Alexandria ở Ai Cập, Mansa Musa phân phát vàng cám cho người nghèo, mua thức ăn cho đoàn tùy tùng và mua đồ lưu niệm mang về quê hương, dẫn đến một cuộc lạm phát kéo dài nhiều năm ở thành phố này. Mansa Musa mất một năm để hoàn thành chuyến đi và trở về Mali.

Sự giàu có của Mansa Musa I giúp tên ông được ghi vào bản đồ khi hình minh họa chân dung ông xuất hiện trong cuốn Catalan Atlas ra đời năm 1375, một trong những bản đồ thế giới quan trọng nhất ở châu Âu thời Trung cổ.

Tác giả bài viết: Phương Hoa

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP