Xã hội

Hiệu quả mô hình Dân Vận khéo ở Tân Kỳ

Những năm gần đây, nhiều địa phương, đơn vị của huyện Tân Kỳ đã có cách làm mới, sáng tạo, thiết thực trong việc xây dựng mô hình Dân vận khéo trên các lĩnh vực của đời sống nên đã thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Từ đó góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.


tky
Lực lượng vũ trang huyện Tân Kỳ hỗ trợ bà con xây dựng đường bê tông nông thôn


Tân Kỳ là huyện miền núi có diện tích đất trồng lúa hơn 4.300 ha/ vụ, những năm qua bà con đã quen với tập quán canh tác truyền thống nên năng suất đạt không cao. Bởi vậy để từng bước thay đổi tập quán canh tác, giúp bà con gắn bó lâu dài với đồng ruộng, Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật Tân Kỳ đã xây dựng mô hình dân vận khéo đó là thâm canh lúa cải tiến SRI tại xóm Thanh Phúc xã Tân An, lấy Hội nông dân làm nòng cốt với 30 hội viên tham gia. So với ruộng lúa đối chứng thì mô hình lúa cải tiến SRI thời gian gieo mạ muộn hơn 9 ngày, cấy khi mạ mới được 3 lá, cấy thưa chỉ có một dảnh/khóm và bón phân hợp lý, đúng giai đoạn nên mặc dù vụ xuân năm 2016, thời tiết diễn biến phức tạp, có nhiều đợt rét đậm rét hại nhưng cây lúa vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, từ 1 dảnh ban đầu phát triển thành 7 đến 12 dảnh, trổ từ 12 đến 25 bông/khóm. Vừa qua thu hoạch, năng suất đạt 3,7 tạ/sào, cao hơn 35kg/sào so với ruộng đối chứng và giảm được lượng giống, phân bón, tiền công với trị giá 375 nghìn đồng/sào, lãi ròng cao hơn diện tích lúa đối chứng là gần 7,5 triệu đồng/ha. Bà Trần Thị Nga ở xóm Thanh Phúc là 1 trong 30 hộ dân tham gia, bà phấn khởi chia sẻ “Trước đây tôi cấy là 3 đến 5 dảnh/ khóm nay cấy theo mô hình này chỉ có 1 dảnh ban đầu tôi rất là phân vân nhưng kết quả thật bất ngờ, cây lúa phát triển nhanh, đẻ nhánh khỏe mà bông nào ra bông nấy, trĩu hạt, dân chúng tôi sướng lắm. Theo mô hình này thì dân chúng tôi lợi nhiều thứ như cấy sưa giảm được công, giống, phân bón đúng liều lượng nên tránh lãng phí và năng suất cao hơn nhiều so với diện tích không thực hiện theo mô hình này và từ nay chúng tôi sẽ áp dụng theo mô hình này vào sản xuất đại trà đê tăng giá trị kinh tế cho gia đình”.

Để tiếp tục khẳng định hiệu quả phương pháp thâm canh lúa cải tiến SRI, vụ mùa 2916, Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Tân Kỳ tiếp tục triển khai tại xóm Yên Thành xã Tân An.

Ông Vũ Đức Dũng- Phó Bí thư Chi bộ Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Tân Kỳ nói.“ Đối với việc thay đổi tập quán canh tác truyền thống của bà con rất là khó, nhưng với trách nhiệm của ngành chức năng, chúng tôi đã bám sát cơ sở tuyên truyền cho nhân dân thấy được lợi ích của mô hình, hướng dẫn cụ thể từ khâu xuống giống, cấy, chăm sóc và giải thích kịp thời những vướng mắc của người dân nên bà con đã áp dụng thành công vào mô hình và hiện nay từ 1 ha thực hiện hiệu quả ban đầu nay bà con xóm Thanh Phúc nhân rộng ra 3 ha áp dụng thâm canh lúa cải tiến vụ Thu mùa này”.

Còn tại xã Tân Hương, Đảng ủy lại chọn xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện làm mô hình dân vận khéo. Đây là xã đặc biệt khó khăn của huyện Tân Kỳ, cách đây 3 năm hệ thống chính trị nơi đây hoạt động chưa thật hiệu quả, tình hình an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều phức tạp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Sau 2 năm thực hiện mô hình, công tác lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy từng bước được đổi mới, củng cố, 1 số chi bộ nông thôn hoạt động yếu kém nay đã được tăng cường đảng viên là cán bộ công chức viên chức cấp xã về sinh hoạt nên đã duy trì họp chi bộ theo định kỳ hàng tháng để đề ra nghị quyết sát đúng triển khai thực hiện và chú trọng công tác phát triển Đảng, từ đó đã tăng được sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Hệ thống chính trị vững mạnh, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương phát triển, hiện nay xã Tân Hương đang duy trì và phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả như mô hình ươm cây giống lâm nghiệp, mô hình làm mật mía, mô hình chăn nuôi dê, chăn nuôi lợn gà có quy mô vừa và lớn. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 là 15 triệu đồng, tăng 3,5 triệu đồng so với năm 2013, một số vấn đề bức xúc nổi cộm trong nhân dân được tập trung giải quyết.

Ông Lê Đình Dũng- Bí thư Đảng ủy xã Tân Hương huyện Tân Kỳ cho biết. “ Về đặc thù xã Tân Hương là đơn vị có đông giáo dân trên 25% số hộ tập trung tại 12 xóm, đây là địa phương có đồng bào giáo dân sinh sống đông nhất so với các địa phương khác trong huyện Tân Kỳ. Nhờ triển khai thực hiện mô hình xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện nên cấp ủy chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội từ xã đến xóm hoạt động hiệu quả hơn, tình hình an ninh trật tự tại địa bàn được ổn định, bà con lương giáo đoàn kết, tích cực thi đua xây dựng cuộc sống và chấp hành các chủ trương đường lối chính sách của Đảng và nhà nước”.

Đây chỉ là 2 trong tổng số 107 mô hình dân vận khéo của huyện Tân Kỳ đang phát huy hiệu quả. Tùy vào đặc thù, điều kiện thực tế nên các địa phương, đơn vị đã xây dựng mô hình dân vận khéo trên mọi lĩnh vực. Như về kinh tế có mô hình chăn nuôi bò sữa cho thu nhập cao ở xã Nghĩa Hợp, Nghĩa Đồng, mô hình chăn nuôi lợn hàng hóa ở xã Nghĩa Hành… Trên lĩnh vực văn hóa xã hội đã xuất hiện các mô hình mới có tính nhân văn cao như Mô hình giúp đỡ học sinh mỗi tuần hỗ trợ 1 bữa ăn trưa của giáo viên trường tiểu học Nghĩa Hành; Mô hình ngày thứ 7 giúp đỡ gia đình chính sách của Trạm Y tế xã Nghĩa Bình; Về xây dựng hệ thống chính trị, tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình “ Xây dựng hệ thống chính trị” tại xã Kỳ Sơn, Tân Hương và Thị trấn....

Để đạt được hiệu quả mô hình dân vận khéo, ngay từ đầu năm ngoài việc quán triệt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, Ban Dân vận Huyện ủy Tân Kỳ đã phân công từng đồng chí lãnh đạo, cán bộ phụ trách trực tiếp xuống địa phương, hướng dẫn cơ sở lựa chọn, xây dựng mô hình dân vận khéo phù hợp với đặc điểm địa bàn, nhiệm vụ chuyên môn. Đồng thời, thực hiện tốt việc kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả hoạt động của các mô hình, từ đó có cơ sở để rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình hiệu quả trên địa bàn huyện.

Bà Vũ Thị Thanh Hương- Trưởng Ban dân huyện ủy Tân Kỳ khẳng định. “ Phong trào dân vận khéo của huyện Tân Kỳ năm nay có nhiều hoạt động rất thiết thực, các mô hình đều có địa chỉ chi tiết từ các mô hình tập thể, đến các điển hình cá nhân và đã được đăng ký ngay từ đầu năm. Sau khi đã đăng ký thực hiện mô hình thì các Đảng ủy, chi ủy, chi bộ đều có sự theo dỏi giúp đỡ, có sự đánh giá cụ thể và chỉ trong 6 tháng đầu năm nay nhưng các mô hình dân vận khéo đã có sự chuyển động rất là tốt được nhân dân đồng tình ủng hộ”.

Có thể nói, trong quá trình thực hiện các mô hình điển hình "Dân vận khéo" huyện Tân Kỳ đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy tinh thần đoàn kết, sức lao động sáng tạo của quần chúng nhân dân nên đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, riêng 6 tháng đầu năm 2016, tổng giá trị sản xuất của huyện Tân Kỳ ước đạt gần 2.500 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Tân Kỳ đã xây dựng xong và triển khai thực hiện 22 chương trình, đề án để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015- 2020 đi vào cuộc sống. Đời sống, văn hóa tinh thần của nhân dân tiếp tục nâng lên; An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Với những kết quả đạt được này có ý nghĩa quan trọng tạo nền tảng cho những năm tiếp theo và là xuất phát điểm vững chắc cho cả nhiệm kỳ 2015- 2020./.

Tác giả bài viết: Cẩm Tú (Đài Tân Kỳ)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP