Sau khi Kiến Thức thông tin về Báo cáo công bố trên Tạp chí Gan lâm sàng và Thực nghiệm, nghiên cứu trường hợp cô gái 24 tuổi tử vong do suy gan cấp tính, nghi vấn liên quan đến việc uống sản phẩm Herbalife, nhiều người tiêu dùng Việt đã bức xúc "tố tội" nhãn hàng này, cho rằng sử dụng TPCN Herbalife dẫn đến bị tăng huyết áp, men gan, mỡ máu, run tay chân, chóng mặt...
02 trong 03 sản phẩm Herblife được cô gái Ấn Độ xấu số sử dụng liên tục trong hai tháng dẫn đên suy gan cấp |
Đây không phải lần đầu tiên nhãn hàng gặp vấn đề với sản phẩm của mình. Theo tìm hiểu của Kiến Thức, tại thị trường Việt Nam, nhãn hàng Herbalife cũng vướng nhiều lùm xùm và bị cơ quan chức năng tuýt còi.
Cụ thể, năm 2018, Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam bị xử phạt 140 triệu đồng vì có hành vi vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp, quảng cáo sai công dụng sản phẩm.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra và xử phạt Công ty đối với các vi phạm: Quảng cáo đưa thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về công dụng của sản phẩm; Không thường xuyên giám sát hoạt động của người tham gia bán hàng đa cấp để bảo đảm người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện đúng quy tắc hoạt động.
Trước đó, hồi năm 2016, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cũng từng ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam vì đã có hành vi vi phạm trong việc quảng cáo sản phẩm có nội dung không phù hợp với nội dung được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Theo đó, Herbalife Việt Nam bị xử phạt với số tiền 25 triệu đồng vì hành vi quảng cáo sản phẩm thức uống dạng bột Beauty Powder Drink –Hương Cam (Supplement Food: Beauty Powder Drink – Orange Flavor) trên các trang thông tin điện tử và trên hộp đèn có nội dung không phù hợp với nội dung được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Cũng trong năm 2016, Herbalife Việt Nam từng bị Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) xử phạt 50 triệu đồng vì bán hàng đa cấp tại các tỉnh, thành phố khi chưa được địa phương thông báo tiếp nhận.
Theo Tạp chí Gan lâm sàng và Thực nghiệm, dù nhân viên y tế không thể lấy mẫu sản phẩm Herbalife mà cô gái xấu số 24 tuổi người Ấn Độ tử vong đã dùng từ gia đình, nhưng đã lấy sản phẩm tương tự từ câu lạc bộ dinh dưỡng, nơi bán các sản phẩm Herbalife, thậm chí các chuyên gia còn lấy 08 mẫu sản phẩm Herbalife được bán trực tuyến trên internet và kết quả phân tích cho thấy, sản phẩm Herbalife chứa kim loại nặng, các hóa chất độc hại và chất hướng thần, cũng như bị nhiễm khuẩn. Các trường hợp suy gan tương tự liên quan đến sử dụng sản phẩm Herbalife cũng được báo cáo ở Israel, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Iceland, Argentina và Mỹ. Tỷ lệ nhiễm độc gan ước tính là 25-30 người/100.000 người tiêu dùng sản phẩm Herbalife. Một loạt các trường hợp xảy ra gần nhất được biết đến là từ năm 2015. |
Tác giả: An Lê
Nguồn tin: Báo Kiến thức