Pháp luật

Hàng nghìn nạn nhân bị 'Mr Pips' lừa đảo có cơ hội lấy lại tiền?

Theo các luật sư, các bị hại trong vụ án lừa đảo của 'Mr Pips' có cơ hội lấy lại số tiền đã bị lừa đảo chiếm đoạt nếu đến cơ quan chức năng trình báo cùng các tài liệu, chứng cứ…

Trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Phó Đức Nam (Mr Pips, 30 tuổi), Lê Khắc Ngọ (Mr Hunter) cầm đầu, cơ quan chức năng xác định có gần 3000 bị hại với tổng số tiền lừa đảo khoảng 50 triệu USD.

Khi khởi tố vụ án, tiến hành khám xét tại nơi ở, chỗ làm việc của các đối tượng, lực lượng chức năng thu giữ, phong tỏa nhiều tài sản có giá trị như vàng, tiền, siêu xe… Các tài sản này có giá trị ước tính khoảng 5.200 tỷ đồng.

Để lấy lại tiền, những cá nhân đã chuyển tiền cần phải thực hiện các thủ tục theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự - luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Trước hết, bị hại cần làm đơn trình báo gửi cơ quan điều tra kèm theo chứng cứ chứng minh số tiền thiệt hại. Trong đơn nêu rõ số tiền, hành vi, thời điểm, các thông tin liên quan, tham gia sàn nào. Các chứng cứ có thể là tin nhắn, phiếu chuyển tiền , sao kê ngân hàng để gửi cho phía cơ quan tố tụng.

Tiếp theo đó, các bị hại sẽ được xác định tư cách bị hại, được tham gia tố tụng (lấy lời khai, tham gia phiên tòa).

Sau khi có bản án phúc thẩm có hiệu lực, bị hại làm đơn yêu cầu thi hành án kèm theo bản án gửi đến Cục thi hành án TP. Hà Nội để được hoàn trả lại tiền.

Đối tượng Phó Đức Nam (Mr Pips, 30 tuổi)

Cũng theo Luật sư Lê Hồng Vân, khi khởi tố vụ án, lực lượng chức năng thu giữ, phong tỏa nhiều tài sản có giá trị ước tính khoảng 5.200 tỷ đồng. Theo quy định tại Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự, những tài sản thu giữ nêu trên được xác định là vật chứng trong vụ án. Căn cứ quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự, những tài sản này phải được niêm phong, để đảm bảo quá trình giải quyết vụ án.

Trong quá trình giải quyết vụ án, theo Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu những tài sản này không liên quan đến vụ án, không phải là tài sản do phạm tội mà có thì có thể được người có thẩm quyền xem xét để trả cho chủ sở hữu.

Trường hợp các tài sản này có liên quan đến hành vi phạm tội, do thực hiện hành vi phạm tội mà có thì sẽ bị người có thẩm quyền có thể xử lý theo hướng tịch thu, nộp ngân sách nhà nước, đảm bảo quá trình thi hành án ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Mặt khác, trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án nếu xác định rõ được nguồn tiền chiếm đoạt của bị hại nào thì số tài sản này sẽ được người có thẩm quyền quyết định để trả lại cho bị hại.

Từ những phân tích trên có thể thấy, những nạn nhân trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Phó Đức Nam (Mr Pips, 30 tuổi), Lê Khắc Ngọ (Mr Hunter) cầm đầu có cơ hội được lấy lại số tiền mình đã bị lừa đảo chiếm đoạt. Tuy vậy họ phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định hiện hành, trước mắt là tới cơ quan công an trình báo – luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.

Tác giả: H.L

Nguồn tin: anninhthudo.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP