Không có kinh phí thuê người dọn dẹp, bảo trì nên nhiều cơ sở không được chăm sóc, lá phủ đầy sân chơi - Ảnh: CHU HÀ LINH |
Nếu tính cả các nhóm, lớp mầm non tư thục nhỏ, lẻ bị tan rã trong dịch thì con số lên tới hàng ngàn.
Trừ các cơ sở mầm non do những tập đoàn lớn đầu tư, những cơ sở có vốn đầu tư vừa và nhỏ trên dưới 10 tỉ đồng và dưới 100 nhân sự thì khó có thể duy trì qua đại dịch. Những nơi hiện vẫn cố bám trụ cũng không biết thời điểm nào thì sụp đổ. Cô Hoàng Thúy Hằng - quản lý hệ thống mầm non Happy Time (Hà Nội) |
Phụ huynh ngỡ ngàng
"Chị ơi, Hà Nội sắp cho học sinh mầm non đi học trở lại nhưng con em không còn chỗ học nữa. Trường đã giải thể rồi" - Nhàn, một phụ huynh, nói khi có thông tin Hà Nội sắp cho trẻ mầm non đi học. Những phụ huynh ngỡ ngàng khi sau một đợt nghỉ dài, trường của con "biến mất" như thế rất nhiều.
Hà Nội là một trong những địa phương cho trẻ mầm non nghỉ dài nhất cả nước. Nhưng khi rập rình cho mở cửa thì dịch lại dâng cao nhất với hàng chục ngàn ca/ngày. Hy vọng của nhiều chủ trường lần nữa lại bị thiêu rụi. Đầu tháng 3-2022, một làn sóng "bán trường" loang ra do các chủ trường rơi vào tình trạng khánh kiệt và tuyệt vọng.
Phụ huynh gửi con ở cơ sở mầm non Tomokid Hàm Nghi (Nam Từ Liêm, Hà Nội) hoang mang khi chủ trường thông báo chính thức đóng cửa. Theo một số phụ huynh, đây là cơ sở mầm non được nhiều người tin cậy vì phương pháp giáo dục hiện đại, các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của một bộ phận dân cư có thu nhập bậc trung trở lên ở khu đô thị Vinhomes Gardenia. Nhưng khi phải đóng cửa kéo dài vì dịch, cơ sở này đã không còn đủ năng lực tài chính.
"Trước tết chúng tôi được thông báo trường đang cố gắng tìm thêm cổ đông để tăng nguồn vốn duy trì. Nhưng bất ngờ người cho thuê mặt bằng đã sang nhượng quyền sở hữu cho người khác. Chủ mới không đồng ý giảm 50% tiền thuê mặt bằng như chủ cũ. Cổ đông mà trường mới mời tham gia thấy rắc rối quá cũng thoái lui. Không còn cách nào khác là phải đóng cửa" - một phụ huynh cho biết. Trước đó họ đã nhận được thư của trường thông báo.
Cầu tuột của trường sau nhiều tháng đóng cửa - Ảnh: CHU HÀ LINH |
Gánh nặng mặt bằng
Cô Thái Hồng - hiệu trưởng một cơ sở mầm non ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) - cho biết có hai cơ sở mầm non, mỗi cơ sở đầu tư ban đầu trên dưới 1 tỉ đồng. Nhưng sau mười tháng liên tục phải đóng cửa, cô Hồng và gia đình đã phải quyết định giải thể một cơ sở.
"Tiền thuê mặt bằng là 30 triệu/tháng. Trong sáu tháng đầu năm 2021, chủ cho thuê giảm cho 50% để duy trì. Đầu năm 2022, mức giảm này rút đi, chúng tôi phải chi trả 70% chi phí. Hy vọng sau Tết Nhâm Dần có thể mở lại được nhưng đây lại là thời điểm dịch ở Hà Nội dâng cao nhất cả nước nên hy vọng lần nữa lại tiêu tan. Tôi đã thế chấp nhà vay vốn ngân hàng để trả tiền mặt bằng của một cơ sở, còn một cái khác phải chấp nhận giải thể".
Một trường hợp khác, chị Nguyễn Thanh Huyền, chủ hệ thống mầm non Ong Việt (Hà Nội), cũng cho biết vừa phải quyết định giải thể một trong hai cơ sở vì sắp khánh kiệt. Theo chị Huyền, tiền thuê mặt bằng mỗi cơ sở là 22 triệu đồng/tháng.
"Đã được giảm 50% trong thời gian trường mầm non đóng cửa nhưng một năm, tiền thuê mặt bằng cũng tốn trên 100 triệu đồng. Ngoài hỗ trợ tháng đầu, cơ sở cũng không có tiền trả lương cho giáo viên nên hiện tại chỉ còn hai giáo viên bám trụ, số còn lại đã đi kiếm việc khác. Đồ dùng, bàn ghế hư hỏng hết. Tình trạng này nếu có mở lại cũng không có kinh phí để mua sắm, sửa sang và trả lương cho giáo viên, nhân viên khi cố giữ cả hai cơ sở" - cô Huyền cho hay.
Cô Hoàng Thúy Hằng - quản lý hệ thống mầm non Happy Time (Hà Nội) - cho biết những ngày này điện thoại cô liên tục nhận được tin nhắn của các chủ trường mầm non hỏi có mua lại thiết bị dạy học, đồ chơi, nhận chuyển nhượng địa điểm đã thuê không.
Họ đã khánh kiệt và giữa đại dịch đang lên đỉnh ở Hà Nội, nhiều chủ trường tuyệt vọng, buông tay. Những hệ thống mầm non có vốn hơn đang trở thành nơi mà nhiều chủ trường nhỏ, lẻ hy vọng có thể bán lại, chuyển nhượng cơ sở của mình để "bù lỗ được đến đâu, hay đến đó".
Đáng lo là hầu hết những cơ sở đang bán tống bán tháo để giải thể lại là những cơ sở có quy mô vừa, nhỏ, đáp ứng nhu cầu gửi con của nhóm phụ huynh bình dân, người lao động ở nông thôn, hay công nhân trong các khu công nghiệp.
Theo cô Hằng, so với nhiều địa phương, cơ sở mầm non tư thục ở Hà Nội chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì trong ba năm xảy ra dịch bệnh, trường chỉ mở cửa được vài tháng, trong đó liên tục một năm ròng rã phải đóng cửa.
Theo phân tích của cô Hằng, nhiều cơ sở mầm non vừa và nhỏ do các giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đã nghỉ hưu nhưng còn tâm huyết mở trường. Họ không có nhiều vốn để dự phòng rủi ro, trong khi 60 - 70% nguồn thu dùng để chi lương nên khi có sự cố, những cơ sở như vậy phải đóng cửa đầu tiên...
Nhiều trẻ nguy cơ thiếu chỗ học Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, thành phố hiện có 1.145 cơ sở giáo dục mầm non với hơn 525.000 trẻ theo học. Trong đó, trẻ em theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục là hơn 158.000 trẻ, chiếm 30%. Khi các cơ sở mầm non tư thục chao đảo vì dịch thì sẽ có nhiều trẻ nguy cơ thiếu chỗ học. TP.HCM: "Không gắng gượng được nên đóng cửa trường"
Tại TP.HCM, theo số liệu thống kê từ Sở GD-ĐT, đại dịch COVID-19 đã lấy mất của thành phố khoảng 22 trường mầm non và hơn 90 nhóm lớp mầm non. Anh Nguyễn Đình Sang - chủ Trường mầm non Hoa Hồng Nhỏ tại Bình Chánh - cho biết: "10 tháng nghỉ dịch khiến chúng tôi không thể gắng gượng được nên đành đi đến quyết định chấm dứt hoạt động của trường". Anh Sang nhẩm tính chi phí thuê nhà, trả tiền giáo viên, nhân viên và những phát sinh khác đã ngốn hơn 100 triệu đồng mỗi tháng nhưng không có nguồn thu. Vì thế trường chính thức nộp đơn xin giải thể vào tháng 9-2021. Cùng với đó hơn 200 trẻ được gửi ở trường này không còn chỗ học. Theo Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh, huyện này có hai trường và 16 nhóm lớp đã không trụ nổi trong đại dịch, dẫn đến giải thể. Tương tự, nhiều quận, huyện khác ở TP.HCM cũng có những trường, nhóm lớp "biến mất". Tại TP.HCM các trường mầm non được mở lại từ đầu tháng 2-2022. Nhưng ngay tại thời điểm này vẫn có những cơ sở mầm non tư thục công bố giải thể. Chị Nguyễn Phương Linh - chủ nhóm lớp mầm non Ngôi Nhà Trẻ Thơ, quận Bình Tân, một trong những nhóm lớp mầm non ở quận vừa giải thể vào đầu tháng 3-2022 - rưng rưng kể rằng nhóm lớp với khoảng 100 trẻ mầm non từng là "ngôi trường ước mơ" với đầy tâm huyết của bản thân chị. "Chúng tôi ráng cầm cự về chi phí mặt bằng, tiền nhân công... để bước qua mùa dịch. Nhưng trải qua các đợt dịch, số học sinh hao hụt nhiều. Một phần trẻ theo gia đình đi lánh nạn ở các địa phương khác. Một phần do nhiều gia đình gặp khó khăn không có điều kiện về tài chính để gửi con. Việc chiêu sinh èo uột", chị Linh nói thêm. Theo khảo sát của Tuổi Trẻ, nhiều trường hiện nay chỉ tuyển sinh được 50 - 60% số lượng học sinh so với trước đây. Cũng có những trường nằm ở vị trí dân cư bị ảnh hưởng nhiều vì đại dịch rất khó khăn trong tuyển sinh nên chọn giải pháp giải thể vì thiếu người học. Có một nghịch lý diễn ra ở TP.HCM là khi đại dịch đang phức tạp, trường học đóng cửa thì nhiều nhóm lớp mầm non nhỏ không trụ được phải bỏ ngang rất nhiều vì gánh nặng tiền thuê mặt bằng và đội ngũ giáo viên tan rã. Nhưng khi trường học được mở lại, những địa chỉ mầm non có ít học sinh, học phí rẻ lại là nơi nhiều phụ huynh tìm đến vì nhiều người có thu nhập bấp bênh hoặc cũng đang thất nghiệp. Theo chị Linh, vào thời điểm này, đến lượt những trường đầu tư lớn cho cơ sở vật chất, cung ứng dịch vụ cao lại lao đao vì mở cửa mà thiếu người học, nguồn thu không đủ trang trải cho chi phí hoạt động. Bà Nguyễn Thị Minh Uyên - chủ hệ thống trường mầm non Việt Đức hiện có khoảng 10 cơ sở giáo dục mầm non ở nhiều quận, huyện tại TP.HCM - cũng khẳng định trường hiện chỉ đạt khoảng 50 - 60% học sinh đi học so với trước dịch nên rất khó khăn. MỸ DUNG |
Tác giả: Vĩnh Hà
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ