Tàu HNLMS Kortenaer của Hà Lan trong hải chiến Java 1942 (Ảnh: SCMP)
Bộ Quốc phòng Hà Lan thông báo 2 xác tàu của nước này từ thời Thế chiến II đã biến mất khỏi đáy biển Java mà không để lại dấu vết gì. Đây được coi là những “ngôi mộ chiến tranh” và được luật pháp quốc tế bảo vệ. Bất kì sự xâm phạm nào đối với những di tích này đều là bất hợp pháp. Trong khi đó, Anh xác nhận 3 xác tàu của nước này dưới đáy biển Java cũng đã biến mất bí ẩn. Tàu ngầm Perch của Mỹ cũng không còn ở vị trí cũ.
Theo Bộ Quốc phòng Hà Lan, 2 xác tàu biến mất là tàu HNLMS De Ruyter và HNLMS Java trong khi một phần của tàu HNLMS Kortenaer cũng biến mất. Cả ba tàu này đều bị quân đội Nhật Bản đánh chìm trong trận hải chiến ở biển Java tháng 2/1942. Đây là một trong những thất bại nặng nề và tốn kém nhất của liên quân Hà Lan, Anh, Mỹ và Australia trước quân Nhật. Hơn 900 lính Hà Lan và 250 người gốc Indonesia đã thiệt mạng trong trận chiến này, chìm xuống đáy biển Java cùng với 3 tàu chiến.
60 năm sau, vào năm 2002, một nhóm thợ lặn nghiệp dư đã tìm thấy ba xác tàu chiến còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, cuộc thám hiểm mới kỷ niệm 75 năm Hải chiến Java cho thấy những xác tàu này đã biến mất.
Khi sử dụng thiết bị dựng hình 3D đáy biển, các báo cáo chỉ ra rằng có một “lỗ hổng lớn” ở nơi từng là xác tàu.
Phía Anh cho biết họ cảm thấy rất “đau lòng” vì sự mất tích bí ẩn của những xác tàu, đồng thời yêu cầu chính phủ Indonesia có những “hành động phù hợp” để bảo vệ khu vực này khỏi sự xâm phạm.
Biển Java, nơi các xác tàu được tìm thấy (Ảnh: Google)
Tuy nhiên, Indonesia cho rằng họ không có trách nhiệm trong vụ việc này.
“Chính phủ Hà Lan không thể đổ lỗi cho Indonesia bởi họ chưa từng yêu cầu chúng tôi bảo vệ những xác tàu đó. Không hề có một tuyên bố hay thỏa thuận nào về vấn đề này. Vì vậy khi những chiếc tàu đó biến mất, đó không phải là trách nhiệm của chúng tôi”, ông Bambang Budi Utomo, người đứng đầu Trung tâm Khảo cổ quốc gia Indonesia, nói.
Các nhà chức trách nghi ngờ rằng những xác tàu chiến trên đã bị khai thác trái phép để lấy sắt, nhôm và đồng. Ông Utomo cũng cho rằng những “kẻ trộm” phải mất hàng nhiều năm mới có thể lấy được hết những xác tàu đắm ra khỏi đáy biển Java.
Hải quân Indonesia khẳng định những xác tàu này là “ngôi mộ chiến tranh” và không thể bị xâm phạm, song cho rằng hải quân nước này không thể kiểm soát được tất cả các khu vực trong mọi thời điểm.
“Nếu họ (Hà Lan) hỏi vì sao những chiếc tàu biến mất thì tại sao họ không cử người đến canh chừng chúng?”, người phát ngôn Hải quân Indonesia Gig Jonias Mozes Sipasulta cho biết.
Vùng biển quanh Indonesia, Singapore và Malaysia là nơi hơn 100 tàu chiến và tàu ngầm đã bị chìm xuống trong suốt thế chiến II.
Hồi năm ngoái, một trường dạy lặn ở Malaysia từng chia sẻ trên tờ New Straits Times rằng những người được cho là ngư dân đã cho nổ tung những xác tàu đắm rồi vớt dắt vụn đem bán.
Năm 2014, quân đội Mỹ cũng thông báo về tình trạng xâm phạm trái phép xác tàu chiến USS Houston bị chìm trong trận hải chiến eo Sunda ở biển Java. Gần 650 thủy thủ đã thiệt mạng và nằm lại cùng với con tàu này.
Quỹ Chứng tích chiến tranh Hà Lan cho rằng: “Những người đã mất ở đó cần được yên nghỉ”.
Tác giả bài viết: Nhật Minh
Nguồn tin: