Pháp luật

Hàng chục CSGT thoát án bảo kê ‘xe vua’ vì thiếu chứng cứ

Theo lời khai của các bị can có tới 62 CSGT tham gia bảo kê đường dây bán logo “xe vua”, nhưng qua nhiều lần trả hồ sơ vẫn chỉ duy nhất có một cảnh sát bị truy tố vì không đủ chứng cớ.

VKSND Tối cao vừa hoàn tất và chuyển hồ sơ qua TAND TP.HCM để đưa ra xét xử lại vụ án “Đưa hối lộ” và “Môi giới hội lộ” logo “xe vua” do Nguyễn Văn Thới (42 tuổi) và Lê Thị Cẩm Vân (36 tuổi, cùng ngụ tại TP.HCM) cầm đầu.

Trước đó, giữa tháng 4 vừa qua, TAND TP.HCM đã mở phiên xét xử. Tuy nhiên, tại phiên xét xử bị cáo Nguyễn Văn Thới bất ngờ phản cung, phủ nhận hoàn toàn lời khai tại CQĐT trước đây.

Theo bị cáo, do bị 3 điều tra viên chích điện, ép cung nên mới khai không đúng sự thật. Thới chỉ thừa nhận dán logo cho 500-600 xe chứ không phải 15.000 xe như cáo trạng truy tố. Số tiền thu được từ việc bán những logo cũng không phải 22 tỷ như trước đó Thới đã khai.

Cựu CSGT Nguyễn Cảnh Chân

Theo Thới, giữa bị cáo và Nguyễn Cảnh Chân (nguyên cán bộ Đội 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) quen biết nhau qua một đám tiệc và lúc đó bị cáo không hề biết Chân là CSGT.

Lý giải về số tiền hơn 1 tỷ đồng đưa cho Chân là do bị cáo nhờ Chân “nộp phạt” cho chính những xe có gắn lo go “xe vua” và mướn xe ôm canh đường. Thới khẳng định, không biết Chân dùng số tiền đó làm gì.

Ngược lại với lời khai của Thới, nguyên CSGT Nguyễn Cảnh Chân thừa nhận có thỏa thuận bảo kê với Thới về những xe gắn logo Thành Đô không có những loại xe hay logo khác. Cũng theo lời khai của Chân, bị cáo đã trực tiếp giới thiệu cho Thới gặp ông S. (Đội trưởng Đội 1, phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai). Tuy nhiên đó chỉ là lời giới thiệu…suông vì cả 3 không thỏa thuận gì.

Trước lời khai còn nhiều mâu thuẫn của các bị cáo, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Theo kết quả điều tra mới của CQĐT, dù Thới, Thái giữ nguyên lời khai về việc đưa hối lộ cho CSGT và TTGT khi phúc cung và đối chất nhưng ngoài lời khai của họ không có tài liệu, chứng cứ nào khác do đó chưa đủ cơ sở để kết luận những cán bộ giao thông mà họ khai đã có hành vi nhận hối lộ.

Đối với Vân và một số đối tượng trong đường dây của mình dù có nhận dạng được một số cán bộ CSGT và giữ nguyên lời khai đưa hối lộ khi phúc cung và đối chất nhưng, CQĐT cho rằng vẫn chưa đủ cơ sở kết luận hành vi nhận hối lộ của các cán bộ giao thông mà họ khai.

Các bị cáo tại phiên sơ thẩm lần 1

Cũng theo CQĐT, VKS, các nội dung yêu cầu điều tra bổ sung của tòa trước đó đã được tiến hành đầy đủ, đúng thời hạn luật định. Và kết quả điều tra bổ sung không làm thay đổi nội dung vụ án. CQĐT giữ nguyên quan điểm về số lượng logo các bị can đã bán, số tiền thu được, số tiền từng bị can dùng đưa hối lộ, số tiền hối lộ.

Về việc bị cáo Thới tại tòa trước đó cho rằng bị bức cung nhục hình, Thới không nhận diện được người bức cung cũng như không có vết thương nên không xem xét. Cơ quan điều tra cũng phúc cung cũng như cho các bị can và người liên quan đối chất. Hầu hết tất cả bị can và người liên quan giữ nguyên lời khai ban đầu.

Theo điều tra, Thới vốn làm nghề kinh doanh vận tải, xe của Thới thường bị phạt lỗi quá tải nên đã móc nối với CSGT đặt vấn đề nộp tiền, dán ký hiệu logo lên các đầu xe quá tải để một số cán bộ thanh tra giao thông, CSGT khi làm nhiệm vụ nhận biết và không xử phạt. Một mình không làm xuể, Thới rủ người thân của mình là Trần Quốc Thái cùng tham gia bán logo "xe vua".

Theo đó, Thới đã nhờ Nguyễn Cảnh Chân giúp để CSGT không xử phạt lỗi chở hàng quá tải đối với những xe có dán logo do Thới bán. Ông Chân đồng ý và nói với một Đội trưởng đội 1 Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai về việc Thới nhờ và ông này đồng ý. CQĐT xác định, từ tháng 7/2014 đến tháng 2/2015, Thới đã 7 lần chuyển tiền cho ông Chân với tổng số gần 600 triệu đồng.

Tháng 4/2015 vị Đội trưởng đội 1 Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai bị bệnh chết, Chân tiếp tục nhờ một Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai giúp và được đồng ý. Sau đó, Thới đã chuyển cho Chân 600 triệu đồng để nhờ hối lộ, Chân đưa cho Phó phòng CSGT 300 triệu đồng và giữ lại 300 triệu đồng. Theo kết quả điều tra, Chân đã làm trung gian môi giới cho Thới đưa hối lộ 12 lần, tổng số tiền Thới đưa cho Chân nhờ hối lộ là 1,2 tỉ đồng.

Sau khi móc ngoặc được với một số cảnh sát biến chất, Thới và Thái đã in, bán logo cho các chủ xe, tài xế để dán vào đầu xe làm ký hiệu.

Thái là người trực tiếp đi lấy các logo từ cơ sở in đem về cho Thới và mang số logo đi bán cho các tài xế, chủ xe với giá từ 2,5-3 triệu đồng/logo. Thái hưởng chênh lệch 300.000 - 400.000 đồng/logo bán ra.

Đường dây mua bán logo "xe vua" bảo kê xe quá tải do Thới cầm đầu hoạt động kéo dài hơn 1 năm, từ tháng 1/2014 đến tháng 8/2015 đã bán cho 15.000 lượt xe, thu lời bất chính gần 23 tỉ đồng.

Trong số tiền này, Thới khai đã dùng để "bôi trơn" từ 9 triệu đồng đến 150 triệu đồng mỗi lần, tổng cộng đã đưa 79 lần với số tiền 5 tỉ đồng.

Còn Lê Thị Cẩm Vân thông qua Mai Văn Thái Em, Trọng Nhân, Hữu Nhân, Thắng, Phúc, Thiên bán logo, thu 7,9 tỉ đồng. Vân đưa hối lộ 627 triệu đồng cho CSGT, TTGT các địa phương, thu lợi gần 1,6 tỉ đồng.

Tác giả: Đoàn Nga

Nguồn tin: Báo VietNamNet

  Từ khóa: xe vua ,lô gô ,CSGT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP