Đông Lăng
Đông Lăng tọa lạc ở thị trấn Mã Lan, Tuân Hóa, tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh 125 km về phía đông. Đông Lăng được xây dựng vào năm Khang Hy thứ 2 (1663), là nơi yên nghỉ của 5 vị hoàng đế: Thuận Trị (Hiếu Lăng), Khang Hy (Cảnh Lăng), Càn Long (Dụ Lăng), Hàm Phong (Định Lăng), Đồng Trị (Huệ Lăng); 4 lăng mộ của các vị hoàng hậu bao gồm cả Từ An Thái hậu và Từ Hi Thái hậu; cùng mộ 136 phi tần, 3 hoàng tử, 2 công chúa.
Đông Lăng là khu phức hợp rộng lớn (31 km2) và hoàn chỉnh nhất trong số những lăng mộ hoàng gia của Trung Quốc còn tồn tại đến ngày nay. Trong số này, lăng mộ của vua Càn Long và Từ Hi Thái hậu nguy nga, hoành tráng nhất. Nhưng năm 1928, hai lăng mộ này đã bị Tôn Điện Anh - một tướng lĩnh quân phiệt - đào trộm, phá hủy và lấy đi nhiều đồ tùy táng quý giá.
Mỗi lăng mộ đều có một trục đường chính đi vào, và được coi là con đường thiêng liêng. Đường này được xây dựng để phục vụ lễ tang của các vị hoàng đế. Các hoàng đế kế vị khi đến thực hiện nghi lễ tế tổ hàng năm cũng đều đi qua đây.
Con đường dài nhất và ấn tượng nhất là của Hiếu Lăng với chiều dài 5 km. Hai bên đường có 18 cặp tượng bằng đá cẩm thạch lớn của các loài động vật có thực và trong truyền thuyết Trung Hoa.
Các bức tượng mang những ý nghĩa khác nhau: sư tử tượng trưng cho sự dũng cảm, kỳ lân tượng trưng cho hạnh phúc, lạc đà và voi tượng trưng cho sự trung thành... Những bức tượng sống động này được cho là để phục vụ cho hoàng đế ở thế giới bên kia.
Tây Lăng
Tây Lăng nằm cách Bắc Kinh khoảng 120 km về phía tây nam, thuộc thị trấn Dịch Huyện, tỉnh Hà Bắc. Toàn bộ khu Tây Lăng có diện tích khoảng 50.000 m2, là nơi đặt lăng mộ của 4 vị hoàng đế Ung Chính, Gia Khánh, Đạo Quang, Quang Tự; 3 vị hoàng hậu, 7 cung phi, hoàng tử và công chúa; tổng cộng 76 người. Với hơn 1.000 công trình kiến trúc, hiện nay nay này còn lại hơn 100 công trình bằng đá và chạm khắc đá nguyên vẹn.
Theo truyền thống, các vị hoàng đế sau khi băng hà sẽ được an táng gần vua chah. Nhưng triều đại nhà Thanh lại khác, ngoài trường hợp của hoàng đế Thuận Trị và Khang Hy, 8 vị vua còn lại không theo truyền thống đó.
Tại sao họ lại hành động ngược lại với truyền thống để xây dựng ra 2 khu lăng mộ Đông Lăng và Tây Lăng riêng biệt? Người khởi xướng việc này là hoàng đế Ung Chính. Ung Chính là con trai thứ tư của hoàng đế Khang Hy, được cho là đã chiếm đoạt ngai vàng bằng cách giả mạo di chúc của vua cha. Vì luôn có cảm giác tội lỗi, ngài không muốn được an táng với ông.
Lăng mộ của hoàng đế Ung Chính được hoàn thành vào năm 1737, nằm ở vị trí trung tâm Tây Lăng, còn tất cả các ngôi mộ khác được xây dựng xung quanh.
Ngày nay, khu lăng mộ của các vị vua triều đại nhà Thanh trở thành điểm du lịch nổi tiếng, hấp dẫn không chỉ du khách mà còn cả các nhà nghiên cứu đến tìm hiểu về một triều đại phong kiến lẫy lừng trong lịch sử Trung Hoa.
Tác giả bài viết: Minh Hải
Nguồn tin: