Hơn 20 năm nay, bà Quế và bà Long chung sống dưới một mái nhà. Ảnh: Hải Bình.
35 năm trước, chồng bà Quế đột ngột qua đời, một mình bà nuôi 4 người con gái khôn lớn. Trong 4 người con, cô thứ ba Nguyễn Thị Hòa được bà ra “tối hậu thư” kén chồng về ở rể.
Năm 1990, chàng trai dân vạn chài Nguyễn Văn Sơn (23 tuổi, là con trai của bà Trần Thị Long) trong một lần chèo thuyền thả lưới trên sông Giăng, đã làm quen rồi nên duyên vợ chồng với chị Hoà.
“Lúc đó tôi kén rể cũng dễ lắm, có vài người dèm pha bảo dân vạn chài không hợp với gái làm nông, nhưng tôi thấy Sơn tốt tính nên gật đầu thôi”, bà Quế cười khi kể lại chuyện chọn rể.
Anh Sơn lấy vợ chưa được một năm thì bố qua đời, để lại mẹ anh sống một mình trên con thuyền nhỏ lênh đênh giữa dòng sông. Bà Long có 5 người con nhưng nhà nghèo nên mỗi người phiêu bạt làm ăn một nơi, chỉ có anh Sơn đi ở rể gần đó, ngày ngày chạy đi chạy lại thăm nom, chăm sóc mẹ già.
Cũng trong cảnh ngộ chồng mất sớm, bà Quế nhiều lần tới bờ sông nơi bà thông gia neo thuyền để tâm sự chuyện đời cho vơi nỗi buồn. Rồi một hôm bà quyết định mời thông gia về sống cùng mái nhà với mình. Bà Quế kể, thấy bà Long lênh đênh trên chiếc thuyền nhỏ giữa sông, đặc biệt những hôm trời mưa bão, khiến bà luôn canh cánh trong lòng.
“Tôi tâm sự với các con, được sự đồng ý, ngay hôm sau đến mời bà Long lên ở cùng, có cơm ăn cơm, có khoai ăn khoai, hai bà thông gia nương tựa vào nhau”, bà Quế nhớ lại.
Đôi tay rung rung do biến chứng của căn bệnh cao huyết áp gần hai năm nay, bà Trần Thị Long tiếp lời kể, sau vài lần được bà thông gia thuyết phục thì bà đã nhận lời. Hàng chục năm qua, giữa hai người chưa một lần xảy ra to tiếng, nhà chật nên ban đêm hai bà thông gia ngủ cùng một giường.
“Chúng tôi xem nhau như hai chị em, bà Quế thương tôi lắm. Tôi mang bệnh hai năm nay đi lại khó khăn, nhiều lúc không cầm được thìa xúc cơm thì bà ấy chăm bắm đút từng miếng cơm, đi lại khó khăn thì dìu dắt…”, bà Long kể đến đây khoé mắt đỏ hoe, nghẹn giọng.
"Có những đêm chúng tôi nằm nói chuyện tới sáng, động viên nhau sống làm sao cho có ích để các con, các cháu lấy đó làm gương. Đó chính là điều hạnh phúc nhất", hai cụ bà cùng tâm sự và chia nhau miếng trầu vừa giã.
Gia đình 3 thế hệ chung sống dưới một mái nhà đã hàng chục năm nay. Ảnh: Hải Bình.
Anh Nguyễn Văn Sơn cho biết, từ ngày ở rể rồi đón mẹ đẻ tới chung sống ở nhà mẹ vợ, trong gia đình luôn êm ấm, hoà thuận. "Mình không có giàu về kinh tế nhưng giàu về tình cảm", anh Sơn nói.
Ông Nguyễn Hữu Quỳnh, Phó chủ tịch UBND xã Hạnh Lâm (huyện Thanh Chương) cho hay mối tình thông gia của gia đình bà Nguyễn Thị Quế và Trần Thị Long là trường hợp duy nhất tại địa phương, "đây là một câu chuyện nhân văn được dân làng khen ngợi".
Tác giả bài viết: Hải Bình
Nguồn tin: