Để đạt được thành tích trên, ngoài sự đam mê, Lâm đã có một quá trình mày mò, không ngừng học hỏi cho việc sáng chế của mình. Ngoài ra, sự động viên, giúp đỡ của gia đình, nhà trường và bạn bè đã tạo động lực cho những thành công của em.
Nói về những đam mê của mình với KHKT, Lâm chia sẻ: “Từ hồi nhỏ, em đã rất đam mê các máy móc, thiết bị điện tử, trong ý tưởng mình phải tự tạo ra cho mình một sản phẩm. Đầu năm em lên học lớp 6, học ở trường mới, quãng đường đi học xa nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện sắm xe đạp điện cho em như bao bạn bè khác. Từ đó em đã suy nghĩ phải làm sao biến chiếc xe đạp thường của mình thành xe đạp điện để đi lại đỡ vất vả hơn”.
Nghĩ là làm, Lâm bắt tay vào việc tháo các thiết bị điện, mô tơ… gắn vào chiếc xe đạp. Sau những cố gắng, chiếc xe đạp điện tự chế của Lâm hoàn thành. Thấy vậy, gia đình, bạn bè, thầy cô động viên Lâm rất nhiều từ đó đã kích thích Lâm trong niềm đam mê sáng tạo KHKT của em.
Đối với chiếc máy khắc Laser, Lâm cho biết, lúc đầu em chỉ làm một chiếc máy viết chữ giống máy in bằng bút thông thường, nhưng sau thời gian nghiên cứu thì em đã làm 2 ổ DVD cũ ghép lại thành, rồi nâng cấp lên thành máy khắc Laser này.
Về ý tưởng sáng tạo ra chiếc máy trên, Lâm cho biết, hiện nay việc sử dụng các tranh ảnh nghệ thuật, thư pháp rộng rãi, mà những người làm lại tốn thời gian, công sức, hiệu quả thấp nên em muốn chế tạo ra chiếc máy tạo ra những hình ảnh, bức tranh đẹp, tốn ít thời gian mà lại ít chi phí, nhanh và đẹp hơn nhiều so với những người khắc bằng tay. Từ đó Lâm đã nghĩ ra phải sáng chế ra được một chiếc máy khắc bằng Laser có thể đáp ứng các công việc trên trong một thời gian rất ngắn, mà mẫu mã lại có tính thẩm mỹ cao.
Đầu tháng 5/2016, Lâm bắt tay vào việc chế tạo chiếc máy “kỳ diệu” này. Thế nhưng khi lắp ráp chiếc máy Lâm gặp rất nhiều khó khăn, như chưa đồng bộ, lại phải lắp bằng tay, rất khó lắp đặt và có tính thẩm mỹ chưa cao.
“Trong quá trình thử nghiệm, em cùng thầy Trần Lý Huỳnh, giáo viên dạy Vật lý hướng dẫn, nhưng đã bị cháy rất nhiều cuộn giấy, bo mạch, cháy động cơ, bị trượt bước, độ chính xác chưa cao, đôi lúc muốn bỏ cuộc” - Lâm chia sẻ về những khó khăn trong việc chế tạo chiếc máy.
Thế nhưng bằng lòng say mê sáng tạo và lòng quyết tâm rất lớn, cùng được sự động viên của mẹ và thầy cô, Lâm đã đứng dậy sau những thất bại, tiếp tục hoàn thiện chiếc máy của mình.
Bà Nguyễn Thị Đuyến, mẹ em Lâm xúc động cho biết: “Nhiều đêm thấy con thức trắng đêm để làm sản phẩm, tôi động viên con ngủ nhưng con nói Đêm yên tĩnh con mới làm được mẹ ạ. Nên cứ thế tôi cũng không tài nào ngủ được vì thấy người nó ốm yếu, rất thương con, nhưng chẳng biết làm sao chỉ biết động viên, kề vai sát cánh cùng con”.
Sau một thời gian ngắn, chiếc máy mà Lâm sáng chế đã cho ra sản phẩm đầu tiên, Lâm đã mừng rơi nước mắt.
“Mặc dù lúc sản phẩm cho ra chưa được như ý. Nhưng đối với em đó là một thành công lớn, em đã khóc. Có được thành công, em tiếp tục hoàn thiện chiếc máy và đến nay chiếc máy có thể cho ra sản phẩm khó sản xuất, với độ chính xác gần như tuyệt đối” - Lâm xúc động về những kỷ niệm với chiếc máy.
Chiếc máy khắc Laser của Lâm có thể khắc được chữ, logo lên gỗ và nhiều vật liệu khác. Máy khắc có thể được ứng dụng vào thực tế với việc khắc móc khóa quà lưu niệm, ảnh chân dung. Ngoài ra máy còn sử dụng trục Z đóng vai trò là một cơ cấu xoay để máy có thể khắc trên những vật hình trụ.
Nhìn vào nguyên lý hoạt động và công thức để lắp ráp ra được chiếc máy khắc Laser này, nó giống như một chiếc máy chuyên nghiệp. Chiếc máy có rất nhiều bộ phận được lắp ghép rất cầu kỳ nhưng hoạt động ổn định. Công dụng chiếc máy khắc Laser mà cậu học trò này vừa sáng chế có ứng dụng rất lớn trong đời sống, đặc biệt là việc khắc các tranh ảnh, chữ trên các vật liệu từ gỗ thật đơn giản, nhanh mà thẩm mỹ.
“Trong quá trình vận hành, máy tính sẽ xử lý hình ảnh, chữ cần khắc sang file gcode. Sau đó gửi các lệnh gcode đến bộ xử lí trung tâm thông qua thẻ SD. Bộ xử lí trung tâm nhận lệnh và truyền đến cho động cơ bước hoạt động để tạo ra hình cần khắc. Gcode gồm hai nhóm lệnh chính là lệnh G và nhóm lệnh M (G00 là lệnh di chuyển nhanh giữa các vùng cần khắc; G01 là lệnh di chuyển với tham số tốc độ trong quá trình gia công; G02, G03 là lệnh di chuyển theo cung tròn cùng chiều và ngược chiều kim đồng hồ. M00 dừng chương trình; M106, M107 bật tắt đầu Laser). Khi các trục chuyển động đạt đến giới hạn, endstop sẽ gửi tín hiệu về bộ xử lí trung tâm để giúp động cơ tránh bị hỏng” - Lâm say sưa giới thiệu với chúng tôi về chức năng hoạt động của máy.
Sau khi chiếc máy đạt giải, có rất nhiều người hỏi tìm để mua lại, đặc biệt là có hai thầy giáo dạy tại một trường đại học lớn ởHà Nội đã đặt vấn đề nghiêm túc mua lại sản phẩm của Lâm với số tiền hơn 30 triệu đồng nhưng em đã từ chối.
“Mặc dù gia đình em chỉ có mẹ và em, hoàn cảnh nghèo khó nhưng em không muốn bán sản phẩm đó đi vì sản phẩm đó là do mồ hôi, công sức do em làm ra, em muốn nghiên cứu thêm và cho nó hoàn thiện hơn nữa” - Lâm chia sẻ.
Không những tự mình nghiên cứu chế tạo ra chiếc máy khắc Laser, cậu học trò này còn có sự đam mê và am hiểu về các thiết bị điện tử. Do vậy từ những chiếc máy tính đến những chiếc điện thoại bị hỏng em đều tự tay mày mò sửa chữa thành công, chính vì thế mà mọi người trong thôn xóm, hễ ai có chiếc máy tính, chiếc điện thoại hay xe đạp điện hỏng đều tìm đến Lâm, và em đã sửa thành công được rất nhiều.
Thầy Nguyễn Văn Nguyên - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ cho biết, ngay sau khi sản phẩm của Lâm đạt giải cao, nhà trường đã đến nhà động viên em, đồng thời tuyên dương em trước toàn thể học sinh trong trường, coi đó là một tấm gương tự học và sáng tạo không ngừng của em, và cũng thật rất vinh dự cho nhà trường.
Khi được hỏi tại sao không được đào tạo mà em sửa được những thiết bị điện tử thành thạo giống như một thợ sửa chữa chuyên nghiệp như vậy, thì Lâm nói là tự tìm hiểu các nguyên lí, ứng dụng trên mạng và niềm đam mê giúp em thành công. Chính vì vậy ngay bên góc học tập của Lâm, là một chiếc bàn với đầy đủ các dụng cụ sửa chữa điện tử, các thiết bị, linh kiện… giống như một thợ chuyên nghiệp.
Nói về cậu học trò cưng đạt giải Nhì tại cuộc thi sáng tạo KHKT toàn miền Bắc, thầy giáo Trần Lý Huỳnh (GV dạy vật lí và là người hướng dẫn) cho biết, bản thân thầy rất vui mừng, bởi Lâm là một học sinh ngoan học giỏi, gia đình hoàn cảnh khó khăn, nhưng với niềm say mê, em đã mang niềm vinh dự này cho nhà trường và gia đình.
“Có thể trong thời gian tới Lâm sẽ hoàn thiện chiếc máy hơn nữa về mặt thẩm mỹ và sẽ liên kết với một công ty nào đó để sản xuất chiếc máy này đồng loạt, để sự sáng tạo của mình được áp dụng rộng rãi hơn trong đời sống” - thầy Huỳnh nói.
Tác giả bài viết: Minh Đức
Nguồn tin: