Trong nước

Hà Giang: Nếu buồn, hãy buồn vì cả gia đình chỉ có 8 người làm quan!

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang – ông Triệu Tài Vinh cho rằng không cảm thấy vui khi những người trong gia đình mình được bầu, bổ nhiệm làm lãnh đạo.

Em Bí thư Hà Giang: Tức vì thông tin không đúng sự thật

Đầu tiên, xin chia buồn với Bí thư tỉnh ủy Hà Giang vì ông đã bị một “chòm sao quả tạ” mang tên “cư dân mạng” chiếu mệnh thời gian qua.

Quả thực, tôi rất thông cảm cho những gì ông và gia đình đã phải trải qua chỉ vì một cái họa “trên trời rơi xuống”. Bỗng dưng một ngày cuối tuần đẹp trời, danh tính, chức vụ của những thành viên trong gia đình ông bị “bêu” lên mạng với sự sắp đặt rất chủ ý. Vậy là cũng bỗng dưng, cả gia đình ông đắc tội với toàn bộ nhân dân Việt Nam nói chung và gần 300.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hàng năm nói riêng chỉ vì... làm quan có hệ thống.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh phát biểu tại một hội nghị. Ảnh: Ban Kinh tế Trung ương.

Sau “scandal” đó, Bí thư tỉnh ủy đã lên tiếng thừa nhận rằng thông tin trên là chính xác. Tuy nhiên, khi trao đổi với báo chí, ông có nói rằng chính ông đã lên tiếng phản đối khi người thân của mình được đề bạt vào chức vụ cao và không quên cảm thán một câu rất bất đắc chí: “Không cảm thấy vui khi những người trong gia đình mình được bầu, bổ nhiệm làm lãnh đạo”.

Sao phải buồn ông Vinh ơi, ông không biết rằng từ xưa đến nay, người dân nói chung và người nghèo nói riêng luôn có những mâu thuẫn khó thể lý giải bằng tư duy logic mà chỉ có thể giải thích bằng hai chữ rất đơn giản: Đố kị!

Tôi không biết khi nắm giữ chức vụ quan trọng như thế, ông có thời gian để đọc truyện dân gian hay không, nhưng tôi đồ rằng ông rất ít đọc vì nếu ông chịu khó nghiền ngẫm thì chắc chắn ông sẽ chẳng thấy buồn nữa.

Bởi mô hình nhân vật trong những truyện đấy chủ yếu được phân cực thành: Giàu đi đôi với xấu, ác. Ngược lại, nghèo thì cặp với thiện, đẹp. Nhưng dù câu chuyện có diễn biến như thế nào, nhân vật có ác, có lành đến bao nhiêu thì đến cuối cùng, người nghèo cũng đi vào đúng “vết xe đổ” của những kẻ ác: Trở nên giàu có và quyền lực (theo đúng ước mơ của mình).

Vậy là từ rất xa xưa, nhân dân đã luôn coi sự vượt trội về vật chất, quyền lực là một thế lực thù địch với giai cấp cần lao và chỉ có những người nghèo mới là người tốt. Nhưng lạ kì là họ không hề chung thủy với cái nghèo, cái “tốt” đó mà lại luôn mong muốn một ngày sẽ chễm chệ ngồi lên vị trí của những người giàu (bằng cách há miệng chờ sung, sung không rụng thì khóc chờ bụt). Thế mới hay!

Nếu tôi được là ông, để đối phó với một rổ dư luận tựa như một chậu cua, tôi sẽ vỗ ngực bồm bộp mà tự hào rằng gia đình mình toàn những người giỏi, giỏi có di truyền. Có giỏi mới có thể ngồi được ở những vị trí quan trọng. Mà kể cả là giỏi quan hệ, giỏi “tiền tệ” (theo như lời cư dân mạng áp đặt) cũng là cái “giỏi” thể hiện sự hơn người rồi. Vì những người “giỏi” sẽ biết cách để không phải chạy ăn từng bữa và luôn có một chỗ đứng nhất định trong xã hội.

Và nếu bỏ qua vấn đề về gen thì người giỏi sẽ tìm những người xứng tầm với mình để kết hôn (môn đăng hộ đối). Vậy ông Vinh làm Bí thư tỉnh ủy Hà Giang, bà Phạm Thị Hà, vợ ông, giữ chức Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh là chuyện cũng rất bình thường dưới góc nhìn của một người khách quan. Chẳng lẽ cứ chồng làm “sếp”, vợ phải lép vế ở góc bếp, một ngày chỉ được phép nấu ba bữa cơm, giặt chậu quần áo?

Thế nên ông Vinh ơi, nếu cả gia đình ông được bổ nhiệm đúng quy trình theo một quy trình đúng, tỉnh Hà Giang nhờ gia đình ông mà phát triển đều đều thì ông cứ việc vỗ ngực mà tự hào, chẳng tội gì phải buồn cả! Bởi từ xưa đến nay, trong tất cả các văn bản pháp luật của loài người, chẳng bao giờ có luật nào cấm cả gia đình làm quan cả.

Còn nếu nỗi buồn đó cứ bám theo ông thì ông hãy buồn vì gia đình mình giỏi mà chỉ có 8 người làm quan!

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Tác giả bài viết: Bảo Trang

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP