Góc nhìn pháp lý vụ “Yêu cầu bảo hành xe Mazda BT50” tại Nghệ An
Sau khi kết thúc phần tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử tiến hành nghị án và sẽ tuyên án vào ngày 28/3/2017. Trong khi chờ đợi phán quyết của Tòa án, những trao đổi tại bài viết này được nhìn nhận dưới góc nhìn pháp lý của một vụ án yêu cầu bảo hành xe ô tô theo pháp luật Việt Nam.
Nghĩa vụ bảo hành phát sinh theo thỏa thuận bảo hành giữa bên bán và bên mua xe
Theo Điều 446 Bộ luật dân sự, bên bán có nghĩa vụ bảo hành trong thời hạn bảo hành, nếu việc bảo hành do các bên thỏa thuận. Trong Vụ án này, việc bảo hành xe Mazda BT 50 đã được bên bán (Công ty Trường Hải) và bên mua (ông Thông) thỏa thuận tại hợp đồng mua bán xe ô tô trước đó.
Tại Hợp đồng mua bán quy định: “Bên A, đại lý ủy quyền và/hoặc các trạm bảo hành của Bên A sẽ thực hiện bảo hành xe theo quy định cụ thể trong Sổ bảo hành và Hướng dẫn sử dụng mà Bên A đã cung cấp cho Bên B. Sổ bảo hành và Sách hướng dẫn sử dụng là một phần không thể tách rời của hợp đồng này”.
Như thế, khi xe gặp sự cố, việc bảo hành sẽ được xem xét căn cứ vào Sổ bảo hành mà bên bán đã cung cấp cho bên mua; trong vụ án này, có thể thấy:
- Khi xảy ra sự cố, theo yêu cầu của ông Thông, xe Mazda của ông Thông đã được Đại lý Mazda Quảng Trị tiến hành kiểm tra hiện trạng xe, xác định “..nước xâm nhập vào động cơ qua đường hút gió (bắt đầu từ hộp lọc gió đi vào động cơ) dẫn đến cong tay biên máy số 2 và xe vận hành trong một khoảng thời gian dẫn đến tay biên mỏi và gãy trong lúc vận hành, đồng thời đâm thủng lốc máy và gây hư hỏng cho các chi tiết liên quan…”.
- Theo Sổ bảo hành mà chúng tôi có được quy định, đơn vị bảo hành “đảm bảo sẽ sửa chữa, điều chỉnh hoặc thay thế miễn phí bất kỳ phụ tùng nào của xe Mazda bị hỏng hóc trong điều kiện hoạt động bình thường do nguyên vậy liệu không tốt hay do lỗi lắp ráp” (trang 14)”. Điều khoản này cho thấy, việc bảo hành chỉ được thực hiện khi sự hư hỏng là “do nguyên vậy liệu không tốt hay do lỗi lắp ráp”.
Bên bán hàng đã kiểm tra hiện trạng xe và xác định nguyên nhân hư hỏng xe của ông Thông không phải“do nguyên vậy liệu không tốt hay do lỗi lắp ráp”; mà là do “…nước từ môi trường bên ngoài lọt vào đường lấy gió (Trong khoang động cơ), sau đó đi qua lọc giá và đi vào buồng đốt của động cơ, làm cho thanh truyền máy số 2 bị cong và khi động cơ vận hành trong một thời gian với tình trạng này dẫn đến thanh truyền bị gãy, đâm thủng lốc máy..”. Từ đó bên bán kết luận, hư hỏng xe của ông Thông không thuộc trường hợp được bảo hành theo quy định tại trang 14 của Sổ bảo hành.
- Bên cạnh đó, tại mục “Các chi tiết không được bảo hành”, mục số 5 - “Những yếu tố ngoài kiểm soát của nhà sản xuất” quy định các trường hợp không được bảo hành nếu hư hỏng đó là do xe ngập nước. Dựa trên các hình ảnh thực tế chụp lại từ khoang động cơ cho thấy, các dấu vết của tình trạng nước xâm nhập vào, đó là: “dấu muội than máy số 01 là 9mm tính từ đỉnh xi lanh”, “dấu muội than máy số 02 là 10mm. Vết muội than lớn hơn so với 3 máy còn lại khoảng 1mm, có màu sắc sáng hơn", "dấu vết nước bên trong hộp chứa lọc gió động cơ", "dấu vết nước trên thân động cơ", "dấu vết nước còn sót lại trên các đường ống", "dấu ngấn nước giải nhiệt phía trước xe, chiều cao khoảng 2/3 két nước", "vết rỉ sét trên lốc máy", "dấu vết nước trên hệ thống phanh ABS". Với chi tiết dấu vết để lại trên khoang động cơ qua thực tế kiểm tra, được ghi nhận bằng hình ảnh, là cơ sở để xác định xe bị ngập nước và không thuộc trường hợp được bảo hành theo chính sách.
Việc từ chối bảo hành đối với ông Thông là đúng chính sách, quy định, điều kiện bảo hành đã được ông Thông thống nhất tại Hợp đồng mua bán cùng Sổ bảo hành và dựa trên kết quả kiểm tra xe với sự đồng ý, chứng kiến của Nguyên đơn. Việc đồng ý xác lập quan hệ và điều kiện bảo hành của các bên đảm bảo nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận của Bộ luật dân sự. Quyết định từ chối bảo hành của đơn vị bảo hành trong trường hợp này là trên cơ sở thỏa thuận bảo hành đã được chính các đương sự xác lập và phù hợp quy định pháp luật về nghĩa vụ bảo hành.
Trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ trong vụ án
Bộ luật tố tụng dân sự, tại Điều 4 quy định, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; và khi thực hiện quyền yêu cầu này tại Điều 6 quy định đương sự có nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ, hợp pháp. Nghĩa vụ chứng minh này cũng được quy định tại Khoản 1 Điều 42 Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng “Người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự…”.
Trong vụ án này, ông Thông vì muốn được bảo vệ quyền được bảo hành xe đã có đơn khởi kiện, đề nghị Tòa án nhân dân Tp.Vinh buộc Công ty Trường Hải Nghệ An phải thực hiện trách nhiệm bảo hành và bồi thường thiệt hại; tuy nhiên, xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án, chúng tôi nhận thấy hiện Nguyên đơn không cung cấp được bất kỳ chứng cứ, tài liệu nào chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình.
Về phía Công ty Trường Hải Nghệ An, khi quyết định từ chối bảo hành đối với hư hỏng xe của ông Thông, đơn vị bảo hành đã tiến hành kiểm tra thực tế hư hỏng xe và đưa ra các cơ sở để chứng minh cho kết luận từ chối bảo hành của mình là đúng chính sách, quy định thỏa thuận bảo hành tại hợp đồng mua bán.
Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa cho thấy, Công ty Trường Hải Nghệ An chủ động đưa ra quan điểm, lập luận và chứng cứ để chứng minh việc gãy tay biên, thủng lốc máy của xe ông Thông không phải là “do nguyên vậy liệu không tốt hay do lỗi lắp ráp” mà là do “…nước từ môi trường bên ngoài lọt vào đường lấy gió (Trong khoang động cơ), sau đó đi qua lọc giá và đi vào buồng đốt của động cơ, làm cho thanh truyền máy số 2 bị cong và khi động cơ vận hành trong một thời gian với tình trạng này dẫn đến thanh truyền bị gãy, đâm thủng lốc máy..”. Điều này được thể hiện qua các dấu vết lưu lại trên khoang động cơ khi tiến hành thực tế kiểm tra bảo hành và qua các hình ảnh được chụp lại với sự đồng ý, chứng kiển của ông Thông.
Việc cung cấp tài liệu, hình ảnh chứng minh cho kết luận không bảo hành nêu trên cho thấy, Công ty Trường Hải Nghệ An đã thực hiện đúng nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại (hư hỏng đối với xe của ông Thông) theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự và Khoản 2 Điều 42 Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng.
Theo Khoản 2 Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “Đương sự phản đổi yêu cầu của người khác đối với mình phải thể hiện bằng văn bản và phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự phản đổi đó”. Tuy nhiên, trong vụ án này, mặc dù ông Thông không đồng ý với lập luận, chứng cứ của Công ty Trường Hải về nguyên nhân gây nên hư hỏng xe, nhưng lại không cung cấp, giao nộp được cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối của mình.
Về việc trưng cầu giám định, ngày 16/01/2017 ông Thông đã có Đơn xin rút yêu cầu giám định trước đó; trong khi phía Công ty Trường Hải không có yêu cầu giám định. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 102 Bộ luật dân sự quy định: “Đương sự có quyền yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định hoặc tự mình yêu cầu giám định…”. Với nghĩa vụ cung cấp chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện hay phản đối yêu cầu, việc giám định hay không giám định là quyền quyết định của đương sự.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong bảo hành
Theo Đơn khởi kiện và tại phiên tòa, ông Thông yêu cầu Công ty Trường Hải phải bồi thường số tiền hơn 400 triệu đồng gồm các khoản: tiền lương do phải nghỉ việc để đi kiện, lợi nhuận hàng tháng thu được từ chiếc xe, chi phí khởi kiện trong vụ án… Theo Điều 449 Bộ luật dân sự, bên bán có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong thời hạn bảo hành nếu có lỗi gây nên thiệt hại xe. Như vậy, khoản tiền yêu cầu bồi thường của ông Thông sẽ không được Tòa chấp nhận nếu Công ty Trường Hải được xác định không có lỗi gây nên hư hỏng xe của ông Thông.
Theo thông tin ghi nhận được tại phiên tòa, được biết: trong quá trình hòa giải, phía Công ty Trường Hải tuy không đồng ý bảo hành đối với trường hợp xe của ông Thông (do hư hỏng này không do lỗi kỹ thuật) nhưng vẫn đồng ý hỗ trợ chi phí sửa chữa, bảo trì xe; tuy nhiên ông Thông không đồng ý với sự hỗ trợ này. Do đó, Tòa án nhân dân thành phố Vinh đã phải đưa vụ án ra xét xử theo quy định.
Tác giả bài viết: PV
Nguồn tin: