Cụ Bắc (ảnh trái) kể lại sự việc với phóng viên và cho biết người con dâu đã bị mất tích.
6 năm tìm kiếm trong vô vọng…
Trở lại với gia đình bà Lê ở thôn Phương Độ, xã Hưng Thịnh, huyện Bình Giang, chuyện bà Lê mất tích với những người còn lại trong gia đình như vừa mới xảy ra. Cụ Phạm Thị Bắc, mẹ chồng bà Lê, gương mặt vẫn thần thờ, bàng hoàng tâm sự: “Số tôi khổ quá. Con trai vừa mất 2 năm thì con dâu mất tích. Chả biết giờ con dâu tôi sống chết ra sao. Dân làng thi thoảng vẫn hỏi thăm, các cháu cũng vẫn ngóng tin, cứ nghe đâu có thông tin người chết không rõ lai lịch là chúng lại lên đường. 6 năm rồi cứ như vậy cô ạ”.
Cụ Bắc, dù đã ngoài 80 vẫn tỏ ra minh mẫn, cho rằng, đây là một vụ mất tích rất bí ẩn. Cụ kể lại, tối ngày thứ 2 sau khi phát hiện chiếc xe đạp của con dâu cụ đổ chỏng chơ giữa đường, một bánh xe cong như hình số 8, một người mua bán đồng nát đến nhà kể cho cụ nghe về việc họ có nhìn thấy một người phụ nữ trẻ trắng trẻo, xinh đẹp đạp xe ngược chiều họ lúc khoảng hơn 5h sáng ngày 16/5/2010. Vừa đi thêm được vài trăm mét họ nghe một tiếng rầm, ngoái đầu quay lại chỉ thấy chiếc xe container. Cụ Bắc bảo: “Tai nạn mà không thấy giọt máu nào vương ra đấy. Tôi nghi con dâu tôi bị bắt cóc lắm nhưng 6 năm rồi, công an cũng không đưa ra được kết luận nào cả”.
Kể về những ngày đầu tìm kiếm mẹ, anh Trần Quốc Linh, con trai bà Trần Thị Lê cho biết, ngay sau khi phát hiện ra chiếc xe đạp của bà Lê ở giữa đường, cả gia đình đã lên phương án tìm kiếm khắp các khu vực quanh nơi xảy ra tai nạn. Gia đình cắt cử, cứ 10 người một tốp tìm đến bệnh viện các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội để tìm kiếm. Tìm hết ở các phòng cấp cứu không có, gia đình tìm xuống cả các nhà xác, vẫn không thấy tung tích gì.
“Thậm chí, gia đình đã điện lên các cửa khẩu, nhờ các cô chú, bác ở đấy nói với cán bộ hải quan lưu ý giúp trường hợp của mẹ tôi nhưng cũng không nhận được bất kỳ thông tin nào” - anh Linh kể lại. Chưa hết, ngày hôm sau xảy ra tai nạn, người nhà anh Linh nhặt được một đăng ký xe ở chỗ bà Lê bị tai nạn. Cả gia đình và Công an huyện tìm đến địa chỉ trên đăng ký xe nhưng vẫn không có một thông tin sáng sủa nào xuất hiện vì tìm đến nơi, chiếc xe ấy nằm im trong sân với một lớp bụi lâu ngày.
Ngay cả tình huống xấu nhất, bà Lê bị kẻ gây ra tai nạn thủ tiêu cũng được gia đình anh Linh tính đến. Và họ quyết định tìm đến các con đường vắng vẻ, ít người qua lại, vì cho rằng, đấy sẽ là nơi để thủ tiêu nạn nhân. Các ngả đường trong vòng 100km kể từ điểm xảy ra tai nạn đều được lục tung lên, sau đó tìm về các ngõ ngách nhỏ để tìm kiếm nhưng người vẫn bặt vô âm tín. Ngay cả việc nhờ cậy đến các nhà ngoại cảm, các thầy bói, cô đồng anh Linh cũng đã làm. Tất cả họ đều phán “chết rồi” nhưng đi theo những hướng mà “các thầy” chỉ cũng chỉ khiến anh thêm thất vọng, bởi xác mẹ chẳng thấy, chỉ thấy ngày càng vô vọng, mông lung.
Nhờ các thấy bói toán, ngoại cảm không xong, gia đình anh Linh chuyển sang hướng gọi hồn ông nội và bố nhưng “Ông và bố tôi chỉ khóc rưng rức thôi. Nhưng lạ là cả 2 người đều bảo chưa nhìn thấy mẹ tôi ở dưới ấy. Chúng tôi đi gọi nhiều lần lắm, cũng đi gọi ở nhiều địa chỉ khác nhau nhưng lần nào cả 2 người đều bảo đã tìm ở dưới ấy mà không thấy mẹ tôi đâu” - anh Linh kể lại. Chính điều này đã gieo vào gia đình Linh một tia hy vọng nhỏ nhoi.
Buộc phải tuyên bố mẹ mất tích…
Tuy nhiên, sau mấy năm tìm kiếm mẹ mà không có tung tích, anh Linh thậm chí đã từng nghĩ đến chuyện “tìm thấy xác mẹ cũng được”. Anh kể, có một lần anh nhận được thông tin về một người phụ nữ chết mà không có người nhận ở Bắc Ninh. “Tôi đi về đấy trong tâm trạng rất căng thẳng. Nếu đúng là xác của mẹ tôi thì tất nhiên chẳng có ai mừng vui được nhưng nếu mẹ tôi chết thật rồi thì nhìn thấy xác vẫn hơn là như bây giờ, cứ rỗi ra lúc nào là sự việc của mẹ lại ám ảnh tôi, sống thế này làm sao mà yên ổn được” - anh Linh tâm sự.
Nhắc lại những nỗi đau phải chịu khi mẹ mất tích, anh Linh tức tưởi bảo, nhiều người dân cùng làng anh độc mồm, họ cho rằng mẹ anh đã bỏ đi theo một người đàn ông hoặc bỏ trốn đi nước ngoài. “Nhưng giấy tờ tùy thân của mẹ tôi còn nguyên, thậm chí ít vàng mà mẹ tôi gom góp được cũng vẫn ở trong tủ. Điện thoại riêng không có, mối quan hệ thì rất ít, suốt ngày cắm đầu vào làm việc thôi” - anh Linh nói mà vẫn chưa hết ấm ức.
Mẹ chồng chị Lê cũng khẳng định: “Con dâu tôi không mấy khi đi đâu, ngoài việc đi chợ hàng ngày. Hôm nào mà định mua sắm nhiều thì lại bảo đứa con trai út lai đi. Nó suốt ngày chỉ ở nhà dùng giấy ráp đánh ghế thuê, có biết đến bạn bè nào đâu. Giả sử nó đột nhiên mất tích một cách bí ẩn thì chắc chắn là bị ép buộc, không thể là nó tự nguyện bỏ đi đâu vì nó ngoan hiền, hiếu thuận lắm”.
Ngay sau khi mẹ mất tích 1 năm, người em út của anh Linh vì buồn đau và không chịu được những dư luận đồn thổi về mẹ mà chớm dính bệnh trầm cảm. Để cứu em, anh Linh đã buộc phải vay mượn, chạy vạy cho em trai đi xuất khẩu lao động. Đến nay, đứa con trai út đi lao động đã về nhưng tung tích người mẹ vẫn là một bí ẩn chưa có lời đáp.
Bây giờ, cả gia đình anh Linh bàn nhau, nhớ mẹ thì để trong lòng, còn phải làm ăn, lo lắng công việc của gia đình, họ mạc.
Anh Linh bảo: “Trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ mẹ đã mất rồi. Nhưng dù thế tôi vẫn không dám đặt ảnh mẹ lên để thờ. Tôi chỉ nhớ cái ngày mẹ mất tích, làm mâm cơm gọi là cúng giỗ. Hơn 6 năm rồi chứ ít đâu. Tôi cũng đã buộc phải làm chuyện chẳng đặng đừng là tuyên bố mẹ mất tích trên các phương tiện truyền thông đại chúng” Cụ Bắc cũng bảo “Các cháu nó muốn làm thế tôi cũng bằng lòng vì còn nhiều tài sản, nhà đất liên quan đến con dâu tôi. Chúng phải được sử dụng để thế chấp, vay mượn vì chúng nó còn trẻ, còn phải lo ăn kinh tế, nuôi dạy con cái nữa”.
Rời nhà cụ Bắc, những ám ảnh về vụ mất tích bí ẩn của bà Lê cứ theo chúng tôi suốt đoạn đường về. Bởi không có cách nào để giải mã vụ mất tích bí ẩn này sao?.
Tác giả bài viết: Nhật Thu