Thể thao

Gỡ khó cho U23 Việt Nam

Màn trình diễn của U23 Việt Nam tại Kyrgyzstan dù mang lại chiến thắng nhưng chưa khiến người hâm mộ thực sự hài lòng

Lần thứ ba liên tiếp giành quyền tham dự VCK U23 châu Á cùng lứa U23 Việt Nam, thế nhưng HLV Park Hang-seo đã cảm nhận được rất nhiều khó khăn đang chờ ông. Nhất là sau những gì U23 Việt Nam thể hiện ở 2 trận thắng U23 Đài Bắc Trung Hoa và Myanmar tại bảng I diễn ra ở Kyrgyzstan.

Cả hai trận đấu, U23 Việt Nam đều giành chiến thắng nhọc nhằn với tỉ số 1-0. Lê Văn Xuân và Hồ Thanh Minh là những cái tên để lại dấu ấn, bên cạnh 2 đường kiến tạo thành bàn của Hai Long, cầu thủ từng góp mặt ở đội tuyển Việt Nam trong hành trình sang UAE tham dự 3 trận đấu cuối vòng loại thứ 2 World Cup 2022 - khu vực châu Á. Tuy nhiên, chừng đó là chưa thuyết phục được giới chuyên môn, người hâm mộ và thậm chí là chính HLV Park Hang-seo, khi ông cũng bày tỏ quan điểm: "Tôi không có nhiều điều để chia sẻ về cảm xúc của mình ở trận đấu ngày hôm nay".

U23 Việt Nam cần thêm thời gian để gắn kết hơn lối chơi nhằm hướng đến VCK U23 châu Á và SEA Games Ảnh: VFF

Trước khi lên đường sang Kyrgyzstan, giới chuyên môn rất bất ngờ khi U23 Việt Nam chốt danh sách mà thiếu vắng 2 gương mặt trẻ đến từ lò HAGL. Đó là hậu vệ Dụng Quang Nho và tiền đạo Lê Minh Bình. Quang Nho đã có kinh nghiệm thi đấu ở V-League, trong khi Minh Bình từng có thời gian cho mượn thành công ở đội Bà Rịa - Vũng Tàu mùa giải 2020.

Không những vậy khi xuất trận, những cầu thủ có kinh nghiệm thi đấu V-League như Đào Văn Tới (đội trưởng), chỉ ngồi ngoài không thi đấu phút nào. Thực tế đã chứng minh trên sân, các cơ hội ghi bàn của U23 Việt Nam ít ỏi, trong khi lối chơi rắn và thậm chí một số tình huống phạm lỗi có thể dẫn đến thẻ đỏ của Bùi Hoàng Việt Anh (trận gặp Đài Bắc Trung Hoa) hay Văn Đạt (gặp Myanmar) khiến dư luận cảm thấy bức xúc, thất vọng.

Dù HLV Park Hang-seo đã tăng cường một loạt tuyển thủ cho U23 Việt Nam như Hai Long, Lý Công Hoàng Anh, Lê Văn Xuân, Thanh Bình hay Văn Toản nhưng lối chơi của đội vẫn thiếu đi sự gắn kết. Nhóm cầu thủ tài năng như Hữu Thắng, Bảo Toàn, Nhâm Mạnh Dũng… cũng chỉ được sử dụng ở hiệp 2, dù khi vào sân, họ giúp hàng công U23 Việt Nam thi đấu khởi sắc hơn. Cả hai bàn thắng của U23 Việt Nam ghi vào lưới Đài Bắc Trung Hoa và Myanmar đều đến ở hiệp 2, sau khi HLV Park Hang-seo nhìn thấy nhiều vấn đề, trong đó có sự non kinh nghiệm của nhiều cầu thủ ở hàng tiền đạo như Xuân Tú, Văn Đạt.

Với việc lọt vào VCK U23 châu Á, đồng nghĩa U23 Việt Nam sẽ đối diện với những rào cản mạnh nhất khu vực châu Á. Trong đó, nổi bật là đội tuyển U23 Hàn Quốc (đương kim vô địch), U23 Úc hay U23 Nhật Bản. Ngoài U23 Hàn Quốc là đội bóng có chiều sâu nhất giải, đương kim vô địch của giải đấu và sở hữu nền tảng thể lực bậc nhất châu lục, thì U23 Úc là đội bóng có lối đá tiệm cận với các nền bóng đá châu Âu. Với nền tảng thể lực và thể hình vượt trội, Úc đang có quyết tâm cao, đổi màu huy chương đồng mà đội tuyển đã đạt được năm 2020. U23 Nhật Bản dù không được đánh giá quá cao nhưng vẫn là một "ông lớn" của bóng đá châu Á.

Không riêng gì đấu trường châu lục, các cầu thủ trẻ U23 Việt Nam còn có nhiệm vụ nặng nề là bảo vệ tấm HCV bóng đá SEA Games trên sân nhà. Chính vì vậy mà không quá ngạc nhiên khi các học trò của HLV Park Hang-seo lập tức bị mang ra so sánh với thế hệ thành công năm 2018 và thậm chí là nhóm cầu thủ năm 2020.

Theo cựu cầu thủ Nguyễn Mạnh Dũng, việc so sánh là điều không nên, chỉ càng khiến các cầu thủ trẻ áp lực hơn. "Các cầu thủ U23 năm nay không được thi đấu, tập luyện thời gian dài vì dịch Covid-19, trong khi thế hệ Quang Hải, Công Phượng thi đấu với nhau nhiều năm, hiểu rõ nhau. Ban huấn luyện hiểu rõ cầu thủ nhất, họ sẽ có cách giúp các cầu thủ gắn kết hơn, tự tin hơn, thay vì chỉ trích các em sau mỗi sai sót" - Nguyễn Mạnh Dũng nhìn nhận.

Tác giả: Anh Dũng

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP