Vấn nạn khai thác vàng trái phép để lại nhiều nỗi đau cho huyện Tương Dương. Ảnh: Tư liệu. |
Một thuở oai hùng
Mươi, mười lăm năm trước vấn nạn khai thác vàng diễn ra rầm rộ trên địa bàn huyện Tương Dương (Nghệ An), nhức nhối hơn cả là khu vực trên đỉnh đồi Pu Phen, nơi tài nguyên bị xâu xé không thương tiếc. Đến mức, những hệ lụy của nó vẫn còn âm ỉ đến tận hôm nay.
Đất Yên Tĩnh nói chung, đồi Pu Phen nói riêng từng gắn liền với tên tuổi của Vi Văn Quỳnh (SN 1972, trú bản Huồi Pai, xã Yên Tĩnh), người vẫn được biết đến với cái tên Quỳnh “Ẻn”, là đại ca có số má, khét tiếng một thời nơi dải đất vùng cao này.
Có quá nhiều câu chuyện xoay quanh nhân vật này. Để thỏa trí tò mò, PV mạnh dạn mở lời với ông Lữ Khăm Phon, Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh: “Tôi muốn gặp Vi Văn Quỳnh, nhân chứng sống của công cuộc khai thác vàng năm xưa có được không”?
Tưởng như đề đạt trên khó thành, nào ngờ Lữ Khăm Phon đã kết nối thành công tức thì. Sau cuộc gặp mặt khá bất chợt, những góc khuất, những lát cắt chân thực nhất dần được tái hiện.
Vi Văn Quỳnh (trái), đại ca khét tiếng một thời đã quay về với cuộc sống thường nhật. Ảnh: Khôi An. |
Khác xa trong suy nghĩ của mình, Vi Văn Quỳnh, người đàn ông một thời thét ra lửa nay trông nhã nhặn, điềm đạm quá đỗi. Đon đả mời khách vào nhà, pha ấm trà nóng để tỏ lòng hiếu khách. Trầm ngâm nhớ về kí ức xưa cũ, ông chậm rãi chia sẻ:
“Ngày đó đất Yên Tĩnh không yên tĩnh chút nào, nhận thấy tài nguyên tiềm tàng nên hàng loạt công ty đã tìm đến thăm dò, khai thác, quy mô ngày càng lớn, thu hút nhiều người, nhiều nhà làm theo. Nghề làm vàng ẩn chứa nhiều rủi ro, khai thác trong hầm mỏ đòi hỏi nhiều công đoạn, bù lại có thể triển khai quanh năm suốt tháng, còn vàng sa khoáng làm trực tiếp ngay tại lòng khe. Ngày xưa mình làm cả 2 hình thức, vừa trên đồi Pu Phen lẫn dưới khe Cha Hạ”, ông Quỳnh nhớ lại.
Ông Quỳnh chính thức xắn tay làm vàng từ những năm 90 của thế kỷ trước, bước đầu dưới dạng cỏn con, mãi đến giai đoạn 2007 – 2010 mới bành trướng quy mô. Trên đồi Pu Phen ngày ấy 2 “ông lớn” là Thủ Đô và Bảo Lâm thi nhau cát cứ, chưa kể một số khác triển khai dưới dạng vàng “tặc”, đủ loại thành phần đâm ra lộn xộn, bất an, cơ quan chức năng không tài nào quán xuyến hết được.
“Ngày đó công tác quản lý khá lỏng lẻo chứ không quy củ như bây giờ, thực chất mình không làm người khác cũng làm, ai mạnh thì người nấy ăn. Nghề này kiếm đồng tiền không khó nhưng môi trường phức tạp nên dễ đánh mất mình, tệ nạn xã hội nối dài là vì thế, hút chích, nghiện ngập, mại dâm, loại hình nào cũng nhan nhản, chết chóc cũng nhiều”, ông Quỳnh chia sẻ.
Người đàn ông này từng có dưới trướng cả 200 đàn em, thời hoàng kim "xưng hùng xưng bá" khắp các bãi vàng. Ảnh: Việt Khánh. |
Là dân bản địa, có tiếng nói, có tiềm lực nên ban đầu Vi Văn Quỳnh xác định làm độc lập, được chừng nào ăn chừng ấy, chẳng phụ thuộc vào ai. Khổ nỗi chiếc bánh màu mỡ ai cũng chầu chực nhìn vào, cạnh tranh gắt gao một thời gian cũng đuối, thấy bất ổn nên đành chấp nhận xuống nước, tiến tới bắt tay với Công ty H. V. theo hình thức phân chia lợi nhuận.
Ông Quỳnh kể tiếp: “Ngày đấy trong đội của tôi phải có đến 40 – 50 người, lúc đỉnh điểm con số này tăng gấp 3 – 4 lần. Dân bản địa không có mấy đâu, đa phần là người Hà Tĩnh, Thái Nguyên đến làm, trong tỉnh nhiều nhất là huyện Quỳ Hợp. Nghề làm vàng hên xui lắm, ngày được ngày không, hôm nào “son” thì khấm khá đấy, làm vàng sa khoáng dư sức thu cỡ vài cây (lượng vàng – PV), thậm chí có ngày bán được cả tỷ đồng. Doanh nghiệp khai thác trong hầm lợi nhuận cao hơn nhiều, khó ước lượng lắm.
Nuôi quân nhiều, chi phí cũng nhiều, chưa kể đội bảo kê “cắt phế” cao quá, được 5 cây thì lại quả mất 2,5 cây rồi, thành thử nếu diễn tiến không thuận là của nả trôi nhanh, bán nhà như chơi”.
Để khai thác trên đỉnh đồi Pu Phen không phải là chuyện giản đơn, cánh làm vàng phải chuẩn bị rất nhiều công đoạn, riêng trang thiết bị (máy nổ, dầu, dây điện…), đồ ăn, thức uống (mắm, muối, gạo…) là những thứ bất di bất dịch.
Máy móc lỉnh kỉnh, để vận chuyển lên cao buộc phải tháo nhỏ, tách rời từng chi tiết nhằm giảm tải trọng, xong xuôi đâu đấy mới lắp lại. Việc gùi hàng thường do đàn bà, phụ nữ thay nhau gánh gồng. Trong khi cánh đàn ông sức dài vai rộng phải trực tiếp xuống hầm dò tìm, khai thác. Người nào việc đó, tính chất càng nguy hiểm tiền bạc thu về càng cao.
“Đất có thổ công, sông có hà bá”, đồi Pu Phen định sẵn là sân chơi của cánh doanh nghiệp lắm của nhiều tiền, còn dưới lòng khe Cha Hạ, nối liền các xã Yên Tĩnh, Yên Na, Yên Hòa là chiếc bánh màu mỡ của đủ thể loại, thành phần. Sức mạnh đồng tiền tức thì làm người ta lóa mắt, nếu ngày đầu chỉ là những vị khách xa xứ và một vài thành phần cộm cán thì dần dà về sau đã lan nhanh sang đồng bào bản địa.
Chỉ trong thời gian ngắn, vấn nạn khai thác vàng trái phép lên đến đỉnh điểm. Người người làm vàng, nhà nhà làm vàng, nhà nào nhà nấy không tiếc tay sắm sanh trang thiết bị để khai thác, đục khoét tài nguyên. Thực trạng buồn kéo dài hết năm này sang năm khác khiến lòng khe Cha Hạ chẳng có nổi giây phút thảnh thơi, bất ổn triền miên như chính lòng người nơi đây vậy.
Lòng khe Cha Hạ nay đã trong xanh, khác xa thời vấn nạn làm vàng sa khoáng tunh hoành. Ảnh: Việt Khánh. |
Vàng sa khoáng có thể làm thủ công, đãi thấy thì lấy không thì thôi, nhưng khai thác trong hầm mỏ đòi hỏi phải có trình độ. Khắp đồi Pu Phen rộng mênh mông, dân không chuyên chắc chắn không dò dẫm ra, ấy thế mà cánh thợ lành nghề Thái Nguyên nhìn cái biết ngay, về mặt này không ai bằng họ. Diện tích hầm đào vừa phải để hạn chế sạt lở, tiết diện không lớn nhưng dài thăm thẳm, có điểm dài đến nửa cây số, phải dùng đến 5 – 6 cuộn điện mới trải hết.
Trong hầm ẩm ướt, lại tối như hũ nút, muốn khai thác phải chong đèn, chạy điện thắp sáng, đồng thời dùng quạt hơi, đẩy khí tạo oxi xuyên suốt 24/24h. Đánh cược số phận trong điều kiện ngặt nghèo nên chẳng ai nói trước được ngày mai, không lạ khi có những phận người xấu số, đoản mệnh đã vĩnh viễn nằm lại nơi chốn rừng thiêng nước độc.
Để quá khứ ngủ yên
Vẫn nhớ như in những ngày hoàng kim, đại ca Quỳnh “Ẻn" trút bầu tâm sự: “Được nhất là khi làm tại bãi vàng bản Na Cáng, thời điểm đó trong tay có trên 200 người, quân số đông đến mức phải chia thành tổ nhóm để dễ bề quán xuyến, mỗi tổ khoảng 30 người. Lúc ăn nên làm ra trong nhà ông tích trữ hàng yến vàng, chưa kể còn dư dả tiền bạc sắm 2 chiếc xe tải, 1 xe con, 2 máy múc cùng nhiều vật dụng có giá trị khác”.
Vi Văn Quỳnh và máy móc làm vàng thời xưa, đây là những vật dụng hiếm hoi còn lại. Ảnh: Việt Khánh. |
Thời hoàng kim của Vi Văn Quỳnh hệt như ông hoàng không ngai, đi đâu cũng tiền hô hậu ủng, kẻ dạ người vâng, đến như cánh doanh nghiệp tiềm tàng cũng phải kiềng nể vài phần. Nghề làm vàng mang lại cho Quỳnh “Ẻn” rất nhiều, từ danh tiếng, vị thế đến tiền tài, chẳng thiếu thứ gì.
Đỉnh cao là thế nhưng con tạo xoay vần, nhanh đến mức chính người trong cuộc cũng không ngờ đến. Trong men say người đàn ông này đã “đốt” hết những gì tích cóp được, tài sản trong nhà như thể không cánh mà bay, mấy chốc đã về con số âm.
Mãi về sau Quỳnh mới thấm nhuần triết lý “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Từ hậu quả nhãn tiền con hùm xám khét tiếng một thời trên đỉnh Phu Phen quyết tâm rũ bỏ quá khứ yêng hùng hòng hòa nhập vào cuộc sống thực tại, chẳng màng đến danh lợi phù phiếm, xa hoa.
Những phút giây cởi mở giữa Vi Văn Quỳnh và Lữ Khăm Phon, Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh. Ảnh: Việt Khánh. |
Theo anh, trên đồi Pu Phen còn nhiều vàng không? Chủ tịch Lữ Khăm Phon hỏi. Còn nhiều chứ, ai lấy được hết. Khắp huyện Tương Dương chẳng vùng nào nhiều vàng như đất Yên Tĩnh. Khắp đất Yên Tĩnh chẳng đâu nhiều vàng như đỉnh Pu Phen. Đại ca Quỳnh “Ẻn” khẳng định như vậy.
“Năm 2014 tôi bán sạch máy móc, thiết bị, chính thức bỏ nghề. Muốn thì nhiều nhưng bao nhiêu cho đủ. Giờ vẫn có nhà, có ruộng, có đất trồng keo, thế là được rồi, không lấn cấn, nuối tiếc nữa. Làm vàng tại đất Yên Tĩnh không có hậu, được kinh tế trước mắt nhưng nảy sinh hệ lụy về sau, chung quy chưa có ai lấy được vàng mà sống đời an yên. Gánh chịu quá nhiều thương đau nên dân bản biết hết rồi, tốt nhất nên làm người lương thiện thôi”, Vi Văn Quỳnh đúc kết lại. |
Tác giả: Việt Khánh
Nguồn tin: nongnghiep.vn