Thầy giáo Trần Mạnh Tùng Giáo viên Toán (Hà Nội) |
Thầy giáo Trần Mạnh Tùng Giáo viên Toán (Hà Nội): Giáo dục và 5 khát vọng
Khát vọng đưa trẻ đến trường
Từ 7/2/2022, có hơn 17 triệu học sinh được đến trường, chiếm 76% số học sinh của cả nước. Đây là một tin rất vui, khẳng định sự cố gắng của tất cả các lực lượng có liên quan, thỏa mãn khát khao học tập trực tiếp của thầy và trò và lòng mong mỏi của các bậc cha mẹ.
Bên cạnh đó, vẫn còn 1/4 số học sinh vẫn chưa được đến trường, chủ yếu là học sinh mầm non và tiểu học, nhiều em đã học trực tuyến suốt 8 tháng liền.
Việc đưa học sinh đi học trực tiếp cần có sự quyết liệt, thậm chí là sự dũng cảm, ngay cả với những học sinh chưa tiêm vaccine, tránh ảnh hưởng nặng nề tới tâm lí và học tập của các em. Còn chần chừ ngày nào, chúng ta có lỗi với các em ngày đó.
Khát vọng về giải pháp hỗ trợ học sinh bị ảnh hưởng do học online kéo dài
Theo tổ chức UNICEF Việt Nam, đại dịch COVID-19 dẫn đến gián đoạn học tập trên toàn cầu, tạo thành một cuộc khủng hoảng giáo dục tồi tệ nhất trong lịch sử. Đại dịch và việc đóng cửa trường học không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe và sự an toàn về tinh thần và tâm lý của trẻ em, gia tăng bạo lực gia đình và lao động trẻ em, mà còn ảnh hưởng đáng kể đến việc học tập của học sinh.
UNICEF Viet Nam cho rằng, họ có bằng chứng rõ ràng rằng việc đóng cửa trường học ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý xã hội của tất cả học sinh; gây ra ngày càng nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần,...
Tôi mong muốn, ngành giáo dục chủ trì, có đánh giá những ảnh hưởng về học tập, về tâm lý với học sinh học trực tuyến và có kế hoạch xây dựng chương trình để khắc phục những hạn chế đó, một cách đồng bộ, càng sớm càng tốt.
Khát vọng học thật, thi thật, nhân tài thật
Đây là mong muốn bấy lâu nay của xã hội, cũng là chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính và quyết tâm của tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khi nhận nhiệm vụ.
Đây là một việc rất khó, cần có thời gian và quyết tâm mạnh mẽ không chỉ riêng ngành giáo dục do tâm lý chuộng bằng cấp và nền giáo dục “ứng thí” kéo dài hàng nghìn năm.
Để làm được việc này, trước mắt chúng ta cần tập trung mấy việc sau đây: Một là, kiên quyết chống bệnh thành tích.
Cần loại bỏ các cuộc thi đua, cuộc vận động hình thức, các loại hồ sơ, sổ sách không cần thiết với giáo viên, có cơ chế thanh kiểm tra để đảm bảo các điểm số, các kì thi nghiêm túc, đúng quy định và đáng tin cậy.
Hai là, xây dựng nền giáo dục thực dụng, đảm bảo học sinh được học tập và rèn luyện một cách thực chất.
Ba là, sớm triển khai tuyển dụng theo năng lực, trả lương theo vị trí việc làm. Đây là cách làm đúng đắn, khắc phục tâm lí chuộng bằng cấp và chọn được người tài một cách thực chất. Để làm được việc này thì đơn vị chủ trì là Bộ nội vụ.
Nếu đầu ra đòi hỏi kết quả thật thì chắc chắn đầu vào và quá trình dạy và học cũng phải thật, nếu không thì cũng bị đào thải.
Khát vọng đổi mới toàn diện, không chỉ là chương trình và sách giáo khoa
Để công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29 được thành công thì ngoài đổi mới chương trình và sách giáo khoa còn cần thêm các yếu tố sau:
Một là, đổi mới triết lý giáo dục. Cần chuyển từ vị trí trung tâm của người thầy sang lấy học trò làm trung tâm. Theo quan sát của tôi, chúng ta mới chỉ dừng lại ở khẩu hiệu chứ chưa làm được một cách thực chất. Chỉ khi nào tiếng nói, tâm tư và nguyện vọng của học sinh được tôn trọng, phẩm chất, năng lực của học sinh được quan tâm thì việc dạy và học mới có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của người học và của đòi hỏi của xã hội.
Hai là, đào tạo đội ngũ giáo viên. Đây là yếu tố quan trọng nhất, quyết định thành, bại của công cuộc đổi mới lần này. Qua hai năm triển khai sách giáo khoa mới, bản thân tôi thấy việc tập huấn, đào tạo giáo viên còn sơ sài, chiếu lệ. Bộ GD&ĐT khoán trắng việc tập huấn cho các nhà xuất bản, giáo viên như cưỡi ngựa, xem hoa.
Thông thường, giáo viên được tập huấn một buổi hoặc một ngày. Giảng viên chủ yếu giới thiệu về bộ sách giáo khoa mà họ tham gia biên soạn. Chính vì thế, giáo viên gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai chương trình mới và hầu hết đều tự mày mò tìm cách đi.
Ba là, xây dựng cơ sở vật chất phù hợp. Thực tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học vẫn còn thiếu, lạc hậu. Ở một số địa phương nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất trường, lớp còn hạn hẹp, đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao.
Trước mắt, các địa phương trong quá trình rà soát cơ sở vật chất, cần đảm bảo sĩ số lớp đúng quy định của Bộ GD&ĐT với tiểu học là 35 học sinh/lớp trở xuống, THCS và THPT 45 học sinh/lớp trở xuống. Còn mỗi lớp 50 học sinh, thậm chí là 60 thì thầy cô làm sao đổi mới phương pháp được. Đặc biệt, với chương trình mới, lớp học cũng cần được bố trí theo hình thức làm việc nhóm chứ không bố trí kiểu dàn hàng ngang như hiện nay.
Bên cạnh đó, cần đáp ứng được các phòng bộ môn, phòng thí nghiệm và các đồ thực hành cần thiết hỗ trợ cho quá trình dạy và học theo chương trình mới.
Khát vọng tăng lương cho giáo viên
Để nâng tầm chất lượng giáo dục cần cải thiện chất lượng giáo viên, cần sự toàn tâm toàn ý của các thầy cô giáo cho giáo dục. Để làm được việc đó, việc đầu tiên là cần tăng lương cho đội ngũ giáo viên.
Từ năm 2006, qua 15 năm với 4 đời Bộ trưởng, lời hứa tăng lương cho giáo viên vẫn chưa có lời giải, hàng triệu giáo viên vẫn tiếp tục đợi.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khi nhậm chức tháng 4-2021 cũng đã chọn điểm nhấn là "cải thiện đời sống người thầy" trong một trả lời phỏng vấn báo chí. Chúng tôi mong Bộ trưởng theo đuổi đến cùng để nguyện vọng chính đáng này thành hiện thực, đó sẽ là một trong những dấu ấn thành công trong nhiệm kì của Bộ trưởng.
Để đội ngũ các thầy cô thực sự mạnh mẽ, cùng xắn tay lên thực hiện thành công cuộc cách mạng giáo dục lần này, chính phủ cần sớm biến ước mơ tăng lương thành hiện thực.
Thầy giáo Lê Thảo - giáo viên trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội): Cần quan tâm đến vấn đề tăng lương, thừa- thiếu giáo viên
Về vấn đề học thật thi thật hiện nay rất khó để thực hiện khi mà nhiều trường có chủ trương xét học bạ kết hợp chứng chỉ tiếng Anh, hoặc xét riêng học bạ 5 kỳ ( không tính kỳ 2 lớp 12). Nên khi các học sinh có chứng chỉ tiếng Anh thì việc tạo điều kiện cho các học sinh có “hồ sơ đẹp” để vào đại học bằng con đường xét tuyển được hầu hết các thày cô hưởng ứng và tạo điều kiện cho. Đa phần trường hợp này tập trung ở thành phố và các nơi có điều kiện học tiếng Anh.
Việc đào tạo giáo viên hiện nay được các trường đại học quan tâm về chất lượng đầu vào và đầu ra. Các trường Sư phạm còn chi trả cho sinh viên sư phạm tiền hàng tháng, cho thấy sự quan tâm và khuyến khích về mảng sư phạm rất lớn.
Hiện tại số lượng giáo viên thừa rất nhiều, đa phần là các giáo viên chưa được chuẩn hoá trình độ, hoặc được đào tạo ở các cơ sở sư phạm ít có độ tin cậy. Còn những sinh viên giỏi khi tốt nghiệp thường bám trụ lại các nơi có thu nhập và chế độ đãi ngộ tốt. Do đó, khó là ở phân bổ về các địa phương thì tình trạng thiếu giáo viên cốt cán ở địa phương thường xuyên diễn ra.
Việc tăng lương cho giáo viên cũng là một hình thức khuyến khích và động viên các thầy cô, sẽ giúp các thày cô có động lực và nhiệt huyết với nghề.
Cô Nguyễn Thị An (giáo viên cấp 3 môn Tin tại Hoài Đức, Hà Nội): Lương nhà giáo sẽ có bước tiến mới, được dạy thật
Vào ngành biên chế từ năm 2006, tính đến thời điểm hiện tại, cô Nguyễn Thị An (giáo viên cấp 3 môn Tin tại Hoài Đức, Hà Nội) đã có 17 năm gắn bó với nghề giáo.
Ngót nghét cũng gần 20 năm "gõ đầu trẻ", tuy nhiên, mức lương cơ bản mà giáo này nhận được chỉ dừng lại ở con số 7,1 triệu một tháng. Với mức thu nhập này, cô khẳng định phải tiêu ít đi, thật sự dè sẻn mới đủ sống.
Nói chung, mức lương này chỉ đủ cho tôi trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình, cùng chồng san sẻ phần nào gánh nặng học phí,...Còn nếu nghĩ tới việc mua sắm thiết bị thông minh để phù hợp với nhu cầu đổi mới giáo dục hay một thiết bị gì đó, thì thực sự phải cân đo đong đếm rất nhiều. Nếu mới giáo viên mới ra trường chỉ nhận mức lương hơn 3 triệu một tháng, không biết họ sẽ sống sao đây.
Đứng trước thực tế đáng buồn này tôi năm mới 2022 có sự đổi mới, Mong ngành giáo dục nói riêng và các bộ ngành liên quan nói chung sẽ có sự tính toán, cải cách hệ thống lương bậc cho đội ngũ nhà giáo.
Năm mới 2022, điều mà tôi mong mỏi nhất là giáo viên được dạy thật, học sinh được học thật. Thực tế, việc dạy thật của thầy cô còn phụ thuộc vào nhà trường cũng như ngành giáo dục.
Sự gian dối còn len lỏi ngay cả trong những tiết dự giờ được chuẩn bị kỹ lưỡng, thậm chí là theo kịch bản, những cuộc thi giáo viên dạy giỏi đều khiến nhiều giáo viên "đau đầu", áp lực và mất ngủ ngày đêm. Thử nghĩ xem, để có tiết dạy suôn sẻ, giáo viên phải mua quà cáp “làm quen” với học sinh thì còn gì là dạy thật, học thật nữa.
Ngày nào giáo viên chưa được dạy thật, giáo viên vẫn còn đối phó với các cuộc thi… thì học sinh làm sao có thể học thật? Tôi mong mỏi, các cuộc thi như giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường sẽ được giảm bớt .
Nguồn tin: Đỗ Hợp (ghi)
Nguồn tin: Báo Tiền phong