Giáo dục

Giáo viên Nghệ An thi thố tài năng thực hành dạy giỏi tiểu học cấp tỉnh

Phần thực hành thi giáo viên dạy giỏi tỉnh Nghệ An, thí sinh đã có nhiều đổi mới sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, phát huy năng lực người học.

Hội thi giáo viên dạy giỏi tiểu học cấp tỉnh Nghệ An năm nay có đầy đủ thí sinh tham gia 6 môn thi.

Hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh Nghệ An cấp tiểu học được thực hiện theo Thông tư số 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm nay, toàn tỉnh có 414 giáo viên tiểu học dự thi. Theo ban tổ chức, đây cũng là lần đầu tiên hội thi có số lượng thí sinh đông và đầy đủ môn học nhất từ trước đến nay.

Một điểm đặc biệt nữa của hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh cấp tiểu học năm nay, là thí sinh dự thi thực hành tiết dạy của cả 2 chương trình giáo dục hiện hành đối với lớp 4 – 5 và chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1-2-3.

Đây là năm đầu tiên Hội thi giáo viên dạy giỏi tiểu học cấp tỉnh có số lượng thí sinh đông, tham gia đầy đủ các môn trong chương trình dạy học. Theo đó, ngoài 269 giáo viên chung, thì có hơn 100 giáo viên bộ môn ( Âm nhạc 32 người, Mỹ thuật 28 người, tiếng Anh 64 người, Giáo dục thể chất 12 người và Tin học 10 người). Trong ảnh là phần thi tiết thực hành môn Mỹ thuật.

Hội thi giáo viên dạy giỏi tiểu học cấp tỉnh Nghệ An, thí sinh trải qua 2 phần thi: Trình bày biện pháp giáo dục và thực hành tiết dạy. Ở phần thi thực hành, giáo viên sẽ bốc thăm bài giảng và có 1 ngày để chuẩn bị, làm quen với học sinh.

Theo quy định, giáo viên đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi tiểu học cấp tỉnh” phải đảm bảo các điều kiện: Phần thực hành tiết dạy được ít nhất 2/3 số Giám khảo đánh giá loại giỏi và không có Giám khảo đánh giá loại trung bình trở xuống; phần trình bày biện pháp được ít nhất 2/3 số Giám khảo đánh giá mức đạt. Vì vậy, các thí sinh đã có sự chuẩn bị, đầu tư kỹ lượng cho tiết dạy của mình, thể hiện được sự sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học, tạo hứng thú cho học sinh.

Phần thi thực hành tiết dạy diễn ra từ ngày 14-17/12 tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (phường Quán Bàu) và Trường Tiểu học Nghi Phú 2 (xã Nghi Phú) thành phố Vinh, Nghệ An. Tại các trường này cơ sở vật chất, phòng học đảm bảo để thí sinh dự thi ở các môn văn hóa, nghệ thuật và giáo dục thể chất.

Dù thời gian chuẩn bị không dài nhưng các giáo viên dự thi cho biết học sinh rất tự tin, cởi mở và hợp tác tốt, hào hứng với các hoạt động mà thầy cô tổ chức.

Đội ngũ ban giám khảo của hội thi là giáo viên cốt cán, hiệu trưởng, hiệu phó các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh và giảng viên từ Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Trước mỗi tiết thi thực hành của thí sinh, ban giám khảo sẽ bốc thăm để biết được chấm thi phòng nào.

Giảng viên Hồ Thị Việt Yến - Trưởng khoa Giáo dục thể chất nghệ thuật, Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An – được ban tổ chức mời tham gia chấm thi môn Âm nhạc. Cô cho hay ban giám khảo đánh giá cao sự cố gắng, tâm huyết của giáo viên dự thi. Với môn Âm nhạc, ngoài lý thuyết, giáo viên đã đưa vào nhiều nhạc cụ và sáng tạo các hoạt động để tiết học sôi nổi, học sinh thích thú hưởng ứng.

Mỗi thí sinh sẽ có 3 giám khảo chấm thi tiết thực hành. Sau khi tiết dạy hoàn thành, giám khảo sẽ nộp lại phiếu chấm thi cho ban tổ chức, ký tên và niêm phong để đảm bảo an toàn, khách quan.

Thí sinh Lê Văn Cường (SN 1997) là một trong những giáo viên trẻ nhất của hội thi năm nay. Hiện thầy Cường đang dạy học tại Trường Tiểu học Thạch Ngàn – một trong những trường đóng tại địa bàn khó khăn nhất huyện miền núi Con Cuông, Nghệ An. Sau 4 năm công tác, thầy giáo trẻ đã 2 lần thi đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện và tham gia thi tỉnh. Ở phần thi thực hành, thầy bắt thăm bài “Luyện tập tả người” của môn Tiếng Việt lớp 5. Trước giờ thi chính thức, thầy kiểm tra lại giáo án và cho biết: “Những năm qua, ở trường tôi được phân công dạy khối 4 – 5, vì vậy khi bắt thăm nội dung bài giảng, tôi không quá bất ngờ. Tôi sẽ cố gắng để tổ chức tiết dạy sinh động, thu hút học sinh tham gia tương tác đạt hiệu quả cao nhất”.

Thí sinh Lô Thị Huyền (ở giữa) - giáo viên Trường Tiểu học Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) vừa dạy xong tiết thực hành, phấn khởi chia sẻ với đồng nghiệp đã hoàn thành kỳ thi hơn mong đợi. "Tôi dạy học ở huyện biên giới, và trường tôi công tác chiếm đại đa số là học sinh người dân tộc thiểu số Khơ Mú, Thái... Vì vậy khi về dự thi và dạy lớp học sinh ở thành phố tôi hơi lo lắng. Nhưng các em rất mạnh dạn, tự tin, yêu quý cô giáo và rất hợp tác với cô trong các hoạt động. Dù chỉ có 2 ngày cả làm quen và dạy các em, nhưng sau khi thi xong cô trò còn cảm thấy lưu luyến. Điều đó khiến tôi hài lòng với phần thi của mình dù sau này kết quả ra sao thì tôi đã có trải nghiệm tuyệt vời và học hỏi được nhiều điều từ hội thi", cô Huyền cho hay.

Hơn 400 thí sinh dự hội thi năm nay đại diện cho hơn 13 nghìn giáo viên tiểu học toàn tỉnh, từ đồng bằng đến miền núi, từ giáo viên dạy học vùng dân tộc thiểu số đến vùng thành thị, thuận lợi, từ giáo viên trẻ mới vào ngành đến các giáo viên lâu năm vẫn đăng ký tham gia. Trước đó, các thầy cô giáo đã được tuyển chọn qua nhiều vòng sàng lọc các cấp cơ sở. Hội thi chính là ngày hội chuyên môn rộng lớn để giáo viên tiểu học toàn tỉnh giao lưu, học hỏi, đổi mới dạy học và nâng cao năng lực bản thân.

Ông Đào Công Lợi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, qua đánh giá ban đầu, ở phần thi thực hành các thí sinh có rất nhiều đổi mới trong phương pháp dạy học. Đó là chuyển từ tiếp cận kiến thức bài học sang phát triển năng lực, phẩm chất lượng học. Các giáo viên dự thi cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào trong tiết dạy, tổ chức nhiều hoạt động để học sinh tham gia. Khơi gợi sự chủ động tìm kiếm, khám phá kiến thức của học sinh.

Thông thường trước đây, trong tiết dạy, những em có học lực khá thường được chú ý hơn. Nhưng ở hội thi, các giáo viên đã xây dựng giáo án, nội dung tiến trình tiết dạy tiếp cận được tối đa học sinh tham gia từ những em xuất sắc đến em còn có hạn chế. Việc tạo cơ hội để học sinh nhiều trình độ trong lớp thể hiện năng lực, ý kiến của mình sẽ được ban giám khảo đánh giá cao.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP