LTS: Nhân loại đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp lớn. Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp đều để lại những thành quả vô cùng to lớn là tiền đề cho những bước phát triển nhảy vọt của nhân loại.
Giờ chúng ta lại bắt đầu bước vào ngưỡng cửa của một cuộc cách mạng công nghiệp mới – cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghiệp 4.0) - cuộc cách mạng mà sẽ làm thay đổi triệt để cách chúng ta sống, làm việc và quan hệ với nhau.
Các công nghệ mới từ công nghiệp 4.0 được phát triển với tốc độ vượt bậc, có những đột phá để phục vụ con người như xe tự hành, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo…Nhiều người đang băn khoăn: Vậy khi đó con người sẽ làm công việc gì? Giáo dục và đào tạo sẽ ra sao?
Trong bài viết này, TS.Mai Văn Tỉnh sẽ giúp độc giả tìm câu trả lời. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Khi robot ra đời thì con người sẽ làm công việc gì?
Ngày 21/10/2016, Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cùng Tập đoàn công nghiệp Phoenix Contact (Đức) đã tổ chức thành công Hội thảo “Cách mạng Công nghiệp 4.0 và Giáo dục” tại Hà Nội và hai ngày sau đó (22-23/10) các đại biểu tiếp tục thảo luận tại Hạ Long (Quảng Ninh).
Trong suốt 3 ngày làm việc khẩn trương, đại diện các trường Đại học, Cao đẳng khắp ba miền cùng các chuyên gia cao cấp Đức tọa đàm sôi nổi về khả năng hợp tác phát triển giữa giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam và Công nghiệp 4.0 của Đức trong thời gian tới.
Một chuyên gia người Đức có nhận xét khá thú vị về sự khác nhau giữa Việt Nam và Đức trong lĩnh vực này:
Nếu ở Đức, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 kéo theo giới học thuật cao đẳng, đại học Đức thay đổi thì tại Việt Nam, một cộng đồng nhỏ các nhà học thuật đã nghiêm túc tìm hiểu sâu về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này để rồi sẽ buộc nền kinh tế, nền công nghiệp Việt Nam phải thay đổi theo.
Giáo dục sẽ ra sao khi robot xuất hiện cùng trí tuệ nhân tạo? (Ảnh minh họa từ Andrew spencer.co.uk)
Kể từ khi hội thảo diễn ra đến nay, các thông tin về cách mạng công nghiệp 4.0 đã được giới truyền thông, báo chí phản ánh về khả năng số hóa, tự động hóa, robot hóa sản xuất chế tạo, Internet vạn vật và dịch vụ.
Nhiều độc giả tỏ ra lo lắng khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến gần, liệu có phải trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) đang từng bước tiến kịp trí tuệ con người, và liệu rồi đây nó có đe dọa vượt xa trí tuệ con người không?
Và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến giáo dục đào tạo nghề hay còn tác động đến cả giáo dục đại học nữa và sẽ tác động ra sao?
Ngay trong lời phát biểu khai mạc hội thảo, Mr. Klaus Hengbach – Phụ trách giáo dục của tập đoàn Phoenix Contact GmbH & Co.KG, Đức đã khẳng định:
“Ý kiến công chúng cho rằng: “Máy móc kiểm soát chính bản thân chúng”… nhưng nếu thiếu cảm hứng, lòng can đảm và tầm nhìn thì chúng ta không thể nào thực sự có được các ý tưởng mới!”.
Hơn nữa, qua tham khảo thêm tư liệu các nước trên thế giới về vấn đề này, tôi thấy, từ cách nhìn toàn cầu về giáo dục đại học, chuyên gia Liz Reisberg khẳng định:
“Có một cuộc cách mạng tiếp theo đã bắt đầu ngay trong lòng giáo dục đại học; và tương lai của giáo dục bậc ba sẽ được cải tiến đáng kể khi đường biên không xuyên qua giữa giáo dục hàn lâm và giáo dục nghề hiện có mặt hầu khắp mọi nơi sẽ trở nên thẩm thấu và cho phép các cá nhân đi tới đi lui xuyên thủng hai lĩnh vực giáo dục này”.
Các nền kinh tế hiện đại đang cần lực lượng lao động mới, nhưng cái giả thuyết cho rằng tấm bằng đại học chỉ có thể đạt được theo cách truyền thống duy nhất cũng cần phải được xem xét lại.
Bởi trên thực tế, cấu trúc của giáo dục đại học là sự tạo tác của con người trong quá khứ. Giáo dục đại học hiện nay với tất cả những gì nó mà đang có đều là sản phẩm của thế kỉ XX và thực sự nó đang không theo kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế tri thức ở hai thập kỷ đầu thế kỉ XXI.
Khái niệm bằng cử nhân truyền thống vốn được coi là thước đo đầu tiên cho trình độ chuyên môn để người tốt nghiệp tìm kiếm việc làm thì nay đã thay đổi.
Trên khắp thế giới, sinh viên vào học chương trình Cao đẳng, Đại học thường phải mất từ 2-7 năm mới hoàn thành. Các chương trình đào tạo này lại thiếu độ mềm dẻo, bị hạn chế về quy mô môn học mà chỉ tập trung chuyển giao những kiến thức, kỹ năng lạc hậu mà không phục vụ gì cho tương lai.
Thậm chí, một số trường hợp, chương trình đào tạo không còn thích hợp với cách học mới nhưng các thầy cô vẫn cứ “nhồi nhét”, một số trường hợp thì nội dung dạy còn chưa ứng dụng thực tiễn…
Hơn nữa, các chương trình này thiếu trang bị “kỹ năng mềm” – điều mà thị trường lao động đang rất đòi hỏi.
Nhiều người băn khoăn: Khi robot ra đời thì con người sẽ làm công việc gì? Các chương trình trong giáo dục đại học cần thay đổi như thế nào?
Tôi xin khẳng định: trí tuệ nhân tạo và robot không phải là một.
Trí tuệ nhân tạo đã lặng lẽ bước vào nhiều khía cạnh của cuộc sống như được dùng trong trò chơi điện tử, thiết kế ra các phần mềm có thể phân tích môi trường và lựa chọn thông minh cho E-learning (học trực tuyến). Vậy cái gì sẽ thực sự là tương lai của trí tuệ nhân tạo khi học trực tuyến?
Chúng ta hãy hình dung, trong lập trình chơi cờ Vây để đánh bại kỳ phùng địch thủ thế giới thì trí tuệ nhân tạo có khả năng làm mọi thứ như phân tích số liệu và ra quyết định nhanh hơn con người.
Trí tuệ nhân tạo có tác động rất lớn đến giáo dục, các robot nhỏ xíu đã sẵn sàng cho việc sử dụng công nghệ wifi để truy cập Internet và dạy học cho trẻ em và người lớn. Đây chính là minh chứng cho việc học trực tuyến đang diễn ra.
Trí tuệ nhân tạo nhấn mạnh vào các lĩnh vực cần phải cải tiến
Một vài phần mềm dạy học mới đây có khả năng xác định phần kiến thức sinh viên còn bị hổng và chú trọng vào mặt nội dung. Các phiên bản tiên tiến có thể tạo ra các vấn đề mới từ các học liệu nguồn.
Những hệ thống trực tuyến này thực sự sản sinh ra học liệu tốt hơn và có cách trắc nghiệm tổng hợp hơn bất kỳ chương trình đào tạo mẫu nào ở trên lớp.
Trí tuệ nhân tạo có thể làm ra kinh nghiệm đam mê
Học bằng máy với trí tuệ nhân tạo có thể ăn khớp với các bài giảng một cách có ý nghĩa, nhưng không có nghĩa nó đơn thuần là để thi đạt các câu hỏi mang tính đánh đố.
Trí tuệ nhân tạo có thể xác định nhu cầu của sinh viên và đưa ra mô hình tập trung vào phương pháp và các lý do hơn là các sự kiện trần trụi. AlphaGo là phần mềm do London's Google DeepMind thiết kế để chơi cờ Vây.
Cờ Vây là trò chơi có chiến lược cổ điển rộng hơn cờ tướng. Google's AlphaGo sử dụng 2 loại công nghệ trí tuệ nhân tạo là:
- Các mạng nơron thần kinh sâu với 12 lớp kết nối thể hiện sách lược lựa chọn bước đi tốt nhất trong các giá trị để báo trước cho người thắng cuộc.
- Cách truy tìm nhánh cây Monte Carlo với bước đi ngẫu nhiên mô phỏng trò chơi để phân tích xác định lối chơi hiệu quả nhất.
Lôgic và cách phân tích dự báo như thế có thể thích nghi cho “trò chơi” có mục đích tối đa hóa việc sinh viên nắm bắt các khái niệm và cách giải quyết vấn đề.
Như vậy, lợi ích của dịch vụ trực tuyến trong giáo dục là có thể giúp thoát ra khỏi bất kỳ sách giáo khoa nào.
Báo VnExpress ngày 16/8/2016 có bài viết “Việt Nam sẵn sàng cho sự hiện diện của robot” để trả lời câu hỏi “Sự xuất hiện các dòng robot thông minh liệu có làm xáo trộn cuộc sống con người không?”. Trong đó có nêu:
“Trước đây, robot chỉ được ứng dụng nhiều trong công nghiệp, nhưng giai đoạn 2014-2019, thị trường robot cho tiêu dùng và văn phòng dự kiến tăng trưởng với tốc độ 17%.
Không chỉ Nhật Bản mà nhiều quốc gia trên thế giới đã tích cực khai thác robot trong các lĩnh vực của đời sống; như ở Mỹ có robot thu ngân, lễ tân, ở Singapore có robot giám sát chất lượng nước, Trung Đông sử dụng robot trong sản xuất nông nghiệp, còn các loại robot trợ giúp người bệnh và người già thì đang hiện diện ở nhiều nước châu Âu và Nhật Bản.
Hãng SoftBank đã nghiên cứu 5 lĩnh vực mà con người muốn robot tham gia nhất: là hướng dẫn khách hàng (32,7%), tiếp thị bán lẻ (26%), dịch vụ sự kiện (21,2%), giáo dục (19,2%), xuất nhập khẩu (19,2%).
Dự báo trong vòng 20 năm tới, robot sẽ ngày càng ảnh hưởng nhiều tới đời sống xã hội và sẽ tham gia thêm vào nhiều lĩnh vực khác nữa. Tuy nhiên, việc phát triển trí thông minh của robot đến mức nào, khả năng tương tác của robot ra sao vẫn là những bài toán đặt ra cho các nhà phát triển suy nghĩ và sáng tạo..
Trả lời câu hỏi liệu robot có "cướp" việc làm của con người không, ông Takashi Morimoto, Giám đốc SoftBank Telecom Việt Nam, cho hay:
"Hơn 9.000 robot NAO của hãng này đã được bán ra và sử dụng cho các mục đích như giáo dục, nghiên cứu, dịch vụ khách sạn, ngân hàng, hướng dẫn khách hàng tại sân bay… Chúng giải phóng sức lao động của con người chứ không thể thay thế hoàn toàn các công việc của con người".
Thị trường robot đang bùng nổ và Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu thế này. Giám đốc công nghệ của FPT Software Trần Huy Bảo Giang bày tỏ sự lạc quan với nguồn nhân lực làm robot tại Việt Nam:
"Đội tuyển Robocon Việt Nam đã giành chiến thắng chung cuộc 5 trong số 14 mùa thi Robocon thế giới là tín hiệu đáng mừng Nó cho thấy đội ngũ lập trình ứng dụng robot của Việt Nam đã sẵn sàng cho chuyển dịch công nghệ".
Ở Việt Nam robot đã được ứng dụng ở một số lĩnh vực, chủ yếu trong nhà máy công nghiệp, tự động lau dọn nhà cửa...
Ngày 26/8/2016 tại Hà Nội, công ty SoftBank Việt Nam và các đơn vị triển khai gồm FPT Software, Tổ chức giáo dục Hoa kỳ IAE đã tổ chức hội thảo "Robotic - Tương lai trong tầm tay".
Người tham gia có thể trực tiếp lập trình 6 robot NAO để trải nghiệm khả năng tương tác của robot với con người và các ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục. Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam robot được ứng dụng vào lĩnh vực giáo dục.
Trí tuệ nhân tạo trong E-Learning vẫn thuộc về tương lai
Tuy vậy, việc truy cập mọi thông tin trên Internet, phân tích số liệu lớn thực sự nhanh hơn và phức tạp hơn so với việc đơn giản chỉ lên kế hoạch giảng bài.
Giáo dục có thể tìm thấy chinh mình ở vị trí nuôi dưỡng các kết quả thành cơ sở dữ liệu và phát triển các lý thuyết và thuật toán (algorithms) cho trí tuệ nhân tạo để xác định giá trị hay làm mất giá trị.
Khi E- learning xuất hiện, người dạy thực sự sẽ phải sục sôi trở thành kỹ sư phần mềm giỏi nhất. Việc giới thiệu trí tuệ nhân tạo có thể sẽ đòi hỏi trách nhiệm của các nhà giáo dục tương lai.
Tác giả bài viết: TS.Mai Văn Tỉnh
Nguồn tin: