Vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia 2018 đang nóng trở lại bởi những thông tin liên tiếp về kết quả xử lý của cơ quan chức năng.
Tại Hòa Bình, đã xác định được 64 thí sinh có điểm chấm thẩm định giảm so với điểm trước đây. Thí sinh có điểm chênh lệch cao nhất ở 1 môn là 9,25 điểm/môn; thí sinh có điểm chênh lệch cao nhất ở 3 môn là 26,45 điểm.
Tại Sơn La, có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và hai bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây. Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9,00 điểm.
Như vậy, ngoài các cán bộ vi phạm đã được chỉ mặt, đặt tên, nay còn xác định thêm 64 thí sinh ở Hòa Bình và 44 thí sinh ở Sơn La có bài thi được nâng điểm. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chừng đó phụ huynh dính dáng đến đường dây chạy điểm bị lộ diện.
Việc công bố danh tính học sinh và phụ huynh liên quan đang gây phản ứng trái chiều trong dư luận hiện nay.
Ông Mai Văn Trinh trả lời báo chí tại cuộc gặp chia sẻ thông tin trưa ngày 23/7/2018. Ảnh: Đoàn Bổng |
Quan điểm của các nhà quản lý
Khi cơ quan điều tra cho hay đã xác định được 64 thí sinh có điểm lệch bất thường, bà Đinh Thị Hường, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình phát biểu trước công luận rằng, không công bố danh sách gian lận điểm thi ở Hòa Bình vì sợ tổn thương thí sinh.
Kiên định với quan điểm đó, cho đến nay, Sở GD&ĐT Hòa Bình vẫn quyết giữ kín chuyện này như một… bí mật quốc gia!
Tiếp theo Hòa Bình, đến lượt Sơn La cũng “noi gương” hưởng ứng.
Một vị lãnh đạo Sở GD&ĐT Sơn La khẳng định với báo chí, “Sở sẽ không công khai danh sách 44 em thí sinh bị sửa điểm, đây là danh sách được giữ kín” và lý giải, đó là do “tính nhân văn”.
Còn vị Giám đốc sở GD&ĐT, ông Hoàng Tiến Đức thì tỏ rõ thái độ khi trả lời phóng viên: “Đó là việc của chúng tôi, không phải việc các anh”.
Tại buổi họp báo quý I của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 26/3, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng các cơ quan muốn công khai danh tính thí sinh và phụ huynh phải tính đến những tác động, có thể là rất cực đoan, liên quan đến các em.
Quan điểm của người dân và các nhà chuyên môn
Chia sẻ với báo VietNamNet, chị Hoa, một phụ huynh tại tỉnh Sơn La cho biết: “Tôi mong cơ quan chức năng sớm công bố danh sách thí sinh được nâng điểm; đồng thời có hình thức xử lý nghiêm những phụ huynh đã chạy điểm cho con và cả những người liên quan bao che cho hành vi này. Dù đó là con, cháu lãnh đạo nào cũng phải thật nghiêm trị để răn đe cho những năm sau”.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhận định: "Theo tôi, cần làm một cách triệt để, công khai, minh bạch danh tính các thí sinh gian lận thi THPT… công khai phụ huynh, những người có liên quan đến vụ việc để có thể răn đe, hoàn toàn không thể ém nhẹm vụ việc đi được".
"Cha mẹ làm sai là hại con, cha mẹ chịu trách nhiệm mà thí sinh cũng cần phải chịu trách nhiệm”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ khẳng định.
TS. Lê Viết Khuyến, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng: "Những thí sinh có bằng chứng rõ ràng liên quan đến vụ việc gian lận thì phải công khai danh tính và xử lý kỷ luật theo quy chế”.
Cũng đồng tình với quan điểm trên, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Hệ thống Giáo dục HOCMAI khẳng định: "Quan điểm của tôi là nên công khai minh bạch. Bởi vì đây là một việc rất nghiêm trọng cả về tính chất, phạm vi, mức độ”.
Một góc nhìn khác về vụ việc
Những kẻ nhúng chàm trong vụ gian lận thi chấn động dư luận này không chỉ là một số cán bộ, nhân viên có quyền tham gia tổ chức kì thi mà còn là các phụ huynh học sinh liên quan.
Cần nhớ rằng, những gì liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia hằng năm như đề thi, bài thi, điểm thi (khi chưa được phép công bố) đều thuộc bí mật nhà nước.
Bài thi đã được mã hóa nhưng những người tham gia các công đoạn thi vẫn tìm ra được để nâng điểm, điều đó chứng tỏ bí mật bài thi – bí mật nhà nước - đã bị lộ.
Đó là chứng cứ quan trọng để thấy, phụ huynh và học sinh có bài thi được chỉnh sửa không thể vô can.
Với học sinh, đó là việc cung cấp tên tuổi, số báo danh, thậm chí là thực hiện cách đánh dấu bài thi (đối với bài tự luận).
Với phụ huynh, đó là việc đưa các dữ liệu liên quan đến bài thi của con em mình cho những người có quyền, có khả năng thực hiện thay đổi kết quả thi.
Do đó, không riêng gì những người liên quan trong hội đồng thi mà cả phụ huynh và học sinh đều thực hiện hành vi này một cách có chủ đích, có sắp đặt từ trước.
Nhìn một cách sâu xa hơn, vụ này không đơn giản là chuyện gian lận thi cử mà thực chất là một hình thức tham nhũng. Hầu hết những thí sinh được nâng điểm đều lọt vào các trường top cao, đắt giá thuộc các ngành quân đội, công an.
Thí sinh vào học các trường đó, ngoài chuyện được bao cấp kinh phí đào tạo, còn mặc nhiên được đảm bảo chắc chắn một suất biên chế làm việc trong tương lai, ngay sau khi ra trường.
Sẽ là phiến diện nếu chỉ nhìn nhận vụ này như một vụ gian lận thi cử bình thường và không công bằng nếu việc xử phạt chỉ dành cho những kẻ trong hội đồng thi đã vi phạm.
Đó là điều mà dư luận mong muốn và chờ đợi gần một năm nay kể từ khi vụ việc bị phát giác.
Nhưng xem ra, việc công khai danh tính những người đồng phạm, chuyện không “nhỏ như con thỏ”.
Dường như có một “thành lũy vô hình” đang được những người có trách nhiệm giăng ra nhằm che giấu tội phạm. Bất chấp đòi hỏi của dư luận, họ quyết không công bố danh tính thí sinh và phụ huynh bởi không loại trừ, trong số hàng trăm bài thi được nâng điểm để đậu vào các trường top cao, có con em của các vị là cán bộ đương hoặc nguyên của ngành giáo dục và các ban ngành khác ở địa phương.
Cho nên, việc công khai danh tính phụ huynh và thí sinh, đối với họ chẳng khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”. Nhưng như thế, càng đòi hỏi phải công khai, minh bạch.
Tác giả: Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tin: Báo VietNamNet