Ông Mai Văn Trinh trả lời tại cuộc họp báo - Ảnh Quý Hiên |
Sáng nay, 26.3, trong cuộc họp báo định kỳ quý 1/2019 của Bộ GD-ĐT, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), tiếp tục chia sẻ một số thông tin liên quan tới việc xử lý kết quả thi do gian lận mà có được của một số thí sinh ở Hòa Bình, Sơn La trong các kỳ thi THTP quốc gia 2017 và 2018.
[VIDEO] Điểm thi ở Hà Giang đã bị "phù phép" như thế nào? - Video tư liệu
Ông Trinh cho biết, căn cứ vào quy chế thi THPT quốc gia, kết quả chấm thẩm định là kết quả chính thức của kỳ thi. Nó được thay thế cho kết quả kỳ thi THPT quốc gia đã công bố trước đó. Vì thế, đương nhiên kết quả chấm thi sau thẩm định được sử dụng để xét tốt nghiệp THPT; xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Đó là cơ sở để Bộ GD-ĐT có công văn hướng dẫn các sở GD-ĐT Hòa Bình và Sơn La, các cơ sở đào tạo, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an) để có sự liên thông về thông tin xử lý việc này
Ông Trinh đánh giá các đơn vị liên quan đã có sự phối hợp, hỗ trợ, cung cấp thông tin rất tốt, khuôn gọn việc xử lý với những thí sinh liên quan, không làm ảnh hưởng tới những thí sinh khác. Với Hòa Bình, công văn chỉ đạo của Bộ GD-ĐT yêu cầu thời điểm cuối cùng xử lý xong là ngày 25.3, nên sáng 26.3, Bộ vẫn chưa nhận được báo cáo chính thức.
“Nhưng qua quá trình quan sát việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, chúng tôi nhận thấy Sở GD-ĐT Hòa Bình thực hiện các yêu cầu của Bộ một cách nghiêm túc. Khi nhận được báo cáo chính thức, căn cứ vào tình hình cụ thể, chúng tôi sẽ thông tin tới xã hội”, ông Trinh chia sẻ.
Trước nhiều ý kiến đặt vấn đề về việc công bố danh tính của các thí sinh và phụ huynh liên quan tới các bài thi bị chỉnh sửa điểm, ông Trinh cho biết, việc này phải tuân thủ Hiến pháp 2013, luật Dân sự 2016, và đặc biệt là căn cứ vào tình hình thực tiễn của cơ quan chức năng, mà cụ thể ở đây là Bộ Công an, trong quá trình tiếp tục điều ra, xử lý vụ việc. Cho nên, việc công bố danh tính ở thời điểm nào, công bố đến đâu, là thẩm quyền của cơ quan điều tra, cơ quan chức năng.
“Tôi rất chia sẻ mong muốn của dư luận, nhưng chúng ta phải tính đến nhiều yếu tố tác động của việc này. Thứ nhất là phụ thuộc vào quá trình điều tra của cơ quan chức năng, thứ hai là phải thực hiện trong phạm vi khuôn khổ pháp luật cho phép, thứ ba là không thể không tính đến những tác động có thể rất cực đoan của các thí sinh liên quan”, ông Trinh nói.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an chủ trì, Bộ GD-ĐT phối hợp mở rộng điều tra xác minh để xử lý các tiêu cực và gian lận có tổ chức tại hội đồng thi một số địa phương. Kết quả điều tra cho thấy, đã phát hiện 44 thí sinh tại cụm thi Sơn La với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây. Tại cụm thi Hòa Bình phát hiện 64 thí sinh, trong đó có 63 người năm 2018 và 1 người năm 2017, có sự thay đổi, điểm chấm thẩm định giảm so với điểm công bố. Căn cứ kết quả thông báo của Bộ Công an, Bộ GD-ĐT đã thông tin tới các sở GD-ĐT Hòa Bình và Sơn La yêu cầu cập nhật kết quả thi sau khi chấm thẩm định, xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2017 và 2018 cho các thí sinh liên quan; thông báo kết quả cho các thí sinh và các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên có liên quan. Bộ GD-ĐT đồng thời yêu cầu các đại học, học viện, trường đại học và các trường cao đẳng, trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên, Cục Nhà trường (Bộ quốc phòng) và Cục Đào tạo (Bộ Công an) liên hệ chặt chẽ với các Sở GD-ĐT Hòa Bình, Sơn La để có thông tin về kết quả công nhận tốt nghiệp THPT sau rà soát, kết quả điểm thi tại công văn thông báo của Bộ Công an, của Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Sơn La để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017, 2018, và thông báo kết quả cho các thí sinh liên quan. |
Tác giả: Tuệ Nguyễn - Quý Hiên
Nguồn tin: Báo Thanh Niên