Ông Nguyễn Văn Tân-Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Đô Lương nói: Với tình trạng này và nếu con em địa phương không tự giác thì thị trường lao động Hàn Quốc sẽ đóng băng vô thời hạn, không biết đến lúc nào mới mở lại.
Có hai người con trai hiện đều cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nhưng bà Nga và ông Long ở khối 9, Thị trấn Đô Lương hầu như không biết về vi phạm này của các con. Việc về hay ở lại theo ông bà là do các con quyết định. Bà Nga nói: Các cháu đi nghe nói có thời hạn 5 năm phải. Sau đó thì các cháu sợ về rồi không sang được nên cố ở lại làm thêm kiếm ít vốn. Bây giờ làm cha làm mẹ con đã lập gia đình rồi thì cũng không biết khuyên nhủ răng cả. Do các cháu quyết định thôi.
Nghi Lộc là địa phương có số lượng lớn người lao động chọn kênh xuất khẩu lao động để xóa đói, giảm nghèo. Riêng ở thị trường Hàn Quốc, huyện này có số lượng lao động đông nhất và hiện đang có tới 358 người đang cư trú bất hợp pháp tại đây, nhiều nhất tỉnh. Điều này đã kéo theo không ít hệ lụy, khi hàng trăm nghìn lao động khác mất cơ hội sang Hàn Quốc tìm việc làm.
Đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc theo chương trình EPS (chương trình cấp phép việc làm) người lao động chỉ phải bỏ ra chi phí chưa đến 600USD. Nhưng để đi làm việc ở nước khác như Nhật Bản hoặc Anh quốc có mức thu nhập tương tự thì người lao động phải mất chi phí trên dưới 200 triệu đồng. Từ sự so sánh này cho thấy sự thiệt thòi mà những người đang có nhu cầu đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc ở 11 huyện, thị ở Nghệ An phải gánh chịu do có số người cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc là rất lớn. Ông Đặng Văn Lương-Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Nghi Lộc cho biết: Sắp tới, huyện sẽ thực hiện xử lý phạt hành chính đối với một số trường hợp vi phạm về Nghị Định 95 để làm gương cho những trường hợp khác hết hạn lao động nhưng không về nước.
Mặc dù các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực nhưng tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng, không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp ở Hàn Quốc vẫn còn ở mức cao. Điều này xuất phát từ việc một số địa phương cấp cơ sở chưa tích cực quan tâm; công tác quản lý, theo dõi còn nhiều bất cập. Đơn cử như vị Phó chủ tịch Thị trấn Đô Lương khi bắt đầu làm việc với phóng viên đã khẳng định: lao động quá hạn ở Hàn Quốc đều đã trở về địa phương. Vậy nhưng sau một lúc xác minh thì mới biết vẫn còn 8 lao động đang ở Hàn quốc. Theo ông Trần Văn Hải – Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Đô Lương: Địa phương khó quản lý và có thể nói là không quản lý được vì họ đi hộ khẩu không xóa, về không phải nhập lại nên họ đi khi nào cũng chẳng biết, về cũng chẳng hay. Thủ tục thì bình thường như họ xin hồ sơ đi tìm việc làm thôi.
Thực tế cho thấy, đối với những lao động cư trú bất hợp pháp, ngoài công việc không ổn định, khi chẳng may gặp sự cố rủi ro sẽ không được bất cứ một tổ chức nào hỗ trợ, giúp đỡ. Và mới đây, một lao động ở phường Nghi Hải, TX Cửa Lò đã tử vong tại Hàn Quốc. Được biết trường hợp người lao động này đã ở lại bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ hơn 2 năm nay.
Cũng từng có hơn 3 năm lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc trước khi bị bắt, trả về nước, anh Đặng Thành Luân ở xóm 8, xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc là người hiểu rất rõ những thiệt thòi mà người lao động bất hợp pháp phải chịu. Anh Luân cho hay: Người lao động bất hợp pháp phức tạp nhất là vấn đề tiền bạc. Nhận lương cũng phải nhờ người có hợp đồng lập tài khoản cho để chuyển vô. Đặc biệt khi gặp tai nạn thì mình phải chịu cả, không được đền bù chi cả.
12 tỉnh thành bị cấm đi XKLĐ Hàn Quốc 2017 :
1. Nghệ An
TP.Vinh, huyện Nghi Lộc, TX.Cửa Lò, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nam Đàn, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Tân Kỳ
2. Thanh Hóa: huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa, Triệu Sơn, Nga Sơn
3. Hà Tĩnh: huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà, Kỳ Anh, Can Lộc
4. Hà Nội : Thường Tín, Đông Anh, Ba Vì, Đan Phượng, Thạch Thất
5. Hải Dương: huyện Cẩm Giàng, Thanh Hà, TX.Chí Linh, TP.Hải Dương, Bình Giang, Thanh Miện, Tứ Kỳ,
6. Thái Bình: huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải, Thái Thụy
7. Nam Định: Xuân Trường, TP.Nam Định, Nam Trực, Giao Thủy, Hải Hậu
8. Bắc Ninh: huyện Lương Tài, Tiên Du, Quế Võ, Gia Bình, TP. Bắc Ninh
9. Quảng Bình: huyện Bố Trạch, TX. Ba Đồn, TP. Đồng Hới
10. Hưng Yên: Ân Thi, Khoái Châu, Kim Động
11.Bắc Giang: Lục Nam, Yên Dũng, Lạng Giang
12.Phú Thọ: TP.Việt Trì, Lâm Thao
Tính từ năm 2012 đến tháng 2/2017, Nghệ An đã vận động được trên 2.900 lao động về nước đúng hạn trong tổng số 5.314 người phải về nước theo quy định, đạt tỉ lệ 55,8%. Số lao động Nghệ An hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp hiện là gần 2.350 người. Riêng trong tháng 2/2017, Nghệ An có 95 lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc, hết hạn hợp đồng cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Nếu không quyết liệt trong thực hiện các giải pháp giảm số đối tượng này, cơ hội làm việc tại Hàn Quốc sẽ tiếp tục đóng cửa với nhiều địa phương trong những năm tới.
Ông Đặng Cao Thắng-Phó giám đốc Sở LĐTB&XH Nghệ An cho rằng: Ngoài tuyên truyền, trong thời gian tới sẽ tham mưu các biện pháp cứng rắn như xử phạt theo NĐ 95, thứ 2 là sẽ yêu cầu đưa nội dung vận động con em về nước đúng thời hạn vào tiêu chí thi đua hàng năm của các địa phương.
Chính phủ 2 nước Việt Nam – Hàn Quốc đã đưa ra nhiều cơ chế khuyến khích như miễn xử phạt, miễn cấm xuất nhập cảnh và mở ra cơ hội được tái nhập cảnh trở lại làm việc theo chương trình EPS đối với người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước. Tuy vậy, lao động hết hạn hợp đồng, không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp vẫn còn ở mức cao. Có lẽ, nếu chỉ riêng các địa phương thì khó giải quyết được vấn đề mà cần có những biện pháp cứng rắn hơn là có thể đề nghị các bộ, ngành Trung ương phối hợp với cơ quan chức năng Hàn Quốc rà soát, có chế tài xử lý nghiêm đối với chủ sử dụng dung túng, sử dụng lao động trái phép và người lao động hết hạn hợp đồng lao động không về nước.
Tác giả bài viết: Xuân Hướng – Trường Ca
Nguồn tin: