Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An. |
Hiện nay rất nhiều phụ huynh, học sinh, đặc biệt là đối với bậc Tiểu học rất quan tâm đến hình thức học online. Để hiểu hơn về kế hoạch cũng như cách triển khai chương trình học này, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An.
Phóng viên: Lễ khai giảng năm học mới 2021 -2022 có điều gì đặc biệt và khác với các năm trước thưa ông?
Ông Thái Văn Thành: Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Sở GD&ĐT Nghệ An đã yêu cầu các trường học không tổ chức ngày tựu trường vào ngày 1/9 như kế hoạch ban đầu và không tổ chức lễ khai giảng riêng từng trường vào sáng ngày 5/9. Theo đó, chỉ tổ chức lễ khai giảng năm học 2021 - 2022 tại 1 điểm duy nhất tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình Nghệ An (NTV).
Sau lễ khai giảng, từ ngày 6/9/2021, các trường triển khai dạy học trực tuyến và các hình thức dạy học từ xa phù hợp với tình hình thực tế. Riêng đối với giáo dục mầm non, sẽ có lịch học và tổ chức "Ngày hội đến trường" cho bé sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
Nhiều trường học đang được dùng để làm khu cách ly. |
Hiện tại tỉnh Nghệ An có 7 huyện thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 và 14 huyện, thị xã, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Vậy, ngành đã có phương án gì khi năm học mới đã bắt đầu?
Sau lễ khai giảng, tất cả các cấp học sẽ học online, Sở GD&ĐT sẽ hướng dẫn với các nhà trường để các giáo viên chia ca ra để giảm áp lực về công tác chuẩn bị phương tiện, thiết bị của các phụ huynh, đường truyền…
Ví như đối với bậc THCS khi học online sẽ bằng hình thức chia khối (2 khối học buổi sáng, 2 khối học buổi chiều). Để thực hiện tốt thì các giáo viên phải linh hoạt để trong quá trình học đường truyền và phương tiện thiết bị của phụ huynh được chuẩn bị đầy đủ.
Nghệ An là tỉnh có nhiều huyện miền núi, không chỉ khó khăn về địa lý mà đời sống của phụ huynh còn nhiều khó khăn, ngành đã có những giải pháp gì trước thực tế này?
Đối với các trường miền núi thì giao cho các giáo viên bám bản. Cách làm này đối với tỉnh Nghệ An đã thực hiện vào năm học 2020 - 2021 rồi nên bây giờ giáo viên đã quen và nắm bắt tốt. Sau khi giáo viên nhận bài rồi sẽ ra trung tâm của xã, huyện để nhận bài về giao cho các em học sinh.
Đối với các huyện miền núi không phải học sinh, phụ huynh nào cũng đầy đủ phương tiện thiết bị nên yêu cầu phải giao việc trực tiếp cho các giáo viên bám bản đến để hộ trợ các em và phụ huynh. Nếu ở vùng miền núi giáo viên không trực tiếp đến tận từng nhà học sinh thì phải tìm các giải pháp cụ thể và hiệu quả.
Giáo viên các trường miền núi ở Nghệ An gặp rất nhiều khó khăn trong công việc dạy học. |
Trong một năm qua, toàn ngành giáo dục đã nỗ lực kêu gọi xã hội hóa, xin các điện thoại smartphone cũ phục vụ cho việc học của học sinh miền núi, nhưng đến nay số lượng mới chỉ đáp ứng được 60%. Trong trường hợp thiếu phương tiện học tập trực tuyến, giáo viên vẫn phải đến từng nhà để giao bài và chữa bài cho học sinh.
Đối với 5 huyện miền núi cao: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu thì phải làm theo phương án như đã nêu trên. Bên cạnh đó, ở vùng xa xôi thì tình hình dịch cơ bản hơn nên trong quá trình thực hiện sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Đối với việc học online, các em vùng sâu, vùng xã sẽ gặp nhiều khó khăn. |
Điều kiện nào để tỉnh Nghệ An triển khai một cách bài bản về hình thức học online, việc tổ chức học online cho học sinh có thuận lợi gì không? .
Sở GD&ĐT Nghệ An đã làm việc với nhà các nhà mạng VNPT, Viettel để chủ động trong việc truyền tải. Tất cả các giáo viên đều có một tài khoản và đã được Viettel, VNPT tập huấn đến cho từng giáo viên trên hệ thống cho nên giáo viên đã có kỹ năng để triển khai.
Học sinh ở Nghệ An cũng đã được làm quen từ trong năm học trước nên các em đã có kỹ năng học trực tuyến. Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An cũng đã thực hiện chương trình, thời lượng tinh giản theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Trong bối cảnh tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid- 19, việc chuyển sang học trực tuyến sẽ tạo thuận lợi cho học sinh không phải đến trường, giảm bớt thời gian cho việc phụ huynh đưa đón.
Dự kiến học sinh lớp 1 trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ học online vào buổi tối. |
Thực tế, có địa phương đã triển khai hình thức học online, có một vấn đề mà phụ huynh quan tâm là thời lượng mỗi tiết học nên khác với học trực tiếp trên lớp, liệu vấn đề này có phù hợp hay không, ông cho biết cụ thể về vấn đề này?.
Bây giờ học online cũng theo hình thức theo các tiết như trên lớp, có điều học online không phải như dạy trực tiếp hoàn toàn. Vì có phần giáo viên hướng dẫn cho học sinh tự học, có phần giáo viên giảng nhưng giảng những cái kiến thức cốt lõi, trọng tâm… .
Theo tôi, trong việc học online, sự đôn đốc, giám sát của phụ huynh đóng vai trò rất quan trọng.
Đối với học sinh lớp 1, thời gian đầu là bước làm quen, cần giáo viên "cầm tay chỉ việc", vậy, việc học online đối với các cháu lớp 1 sẽ như thế nào, thưa ông?
Đối với học sinh lớp 1, tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức dạy học vào buổi tối. Các giáo viên dạy cho các em chưa biết đọc, biết viết bằng các video, clip... sau đó chuyển cho phụ huynh, kết hợp với các thầy cô để hỗ trợ các cháu.
Tinh thần tự giác học tập, sự đôn đốc của phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong việc học online. |
Năm học trước tỉnh Nghệ An đã triển khai học online, từ đây ngành rút ra được kinh nghiệm và cần khắc phục gì?.
Đúng như vậy, năm học 2020-2021, Nghệ An đã triển khai học online nên giáo viên, học sinh đã cơ bản nắm bắt được phương pháp dạy và học. Đây là điều cần thiết nhất trong quá trình thực hiện, bên cạnh đó cần khắc phục những tồn tại như: Học sinh cần nêu cao tinh thần tự giác học tập, giữ vững động lực; Giáo viên phải có kế hoạch, phương pháp dạy rõ ràng…
Theo ông để học online có hiệu quả, vai trò của phụ huynh như thế nào?, ông có ý kiến gì với các địa phương và Bộ GD&ĐT trong việc triển khai học online để tốt hơn?.
Phụ huynh đóng vai trò rất quan trọng trong việc học online. Sự đồng hành của phụ huynh sẽ giúp các giáo viên trong việc trực tiếp quán xuyến học sinh nên chất lượng sẽ tốt hơn nhiều.
Các địa phương đứng đầu là Phòng GD&ĐT cần làm nhiều video bài học trực tuyến, kết hợp với tư vấn… để gửi đến phụ huynh, giúp các cha mẹ nắm được phương pháp và cách thức để thực hiện tốt.
Tôi mong muốn Bộ GD&ĐT tăng cường kho học liệu số để thuận lợi hơn cho việc dạy học. Việc để một tỉnh tự xây dựng kho học liệu sẽ rất vất vả. Do đó, Bộ GD&ĐT có thể giao nhiệm vụ cho các tỉnh, thành đóng góp số lượng bài giảng nhất định cho mỗi môn học ở các cấp.
Ngân hàng bài giảng này sẽ trở thành một kho học liệu dùng chung cho cả nước. Việc các tỉnh san sẻ cho nhau sẽ rất nhanh, thậm chí nhờ đó, học sinh có thể được học đa dạng từ những giáo viên giỏi trên cả nước.
Phóng viên: Trân trọng cám ơn ông!
Tác giả: Nguyễn Tú
Nguồn tin: Báo Dân trí