Thế giới

Gần 800.000 người nước ngoài quá hạn thị thực ở Mỹ

Số người nhập cư trái phép bị bắt tại Mỹ đã tăng gần 40% sau khi Tổng thống Donald Trump ký ban hành các sắc lệnh về hạn chế người nhập cư. Báo cáo của Bộ An ninh nội địa Mỹ ngày 22/5 cho biết có 739.478 người nước ngoài thuộc diện phải rời khỏi nước Mỹ do thị thực quá hạn.

Người nước ngoài quá hạn thị thực sẽ buộc phải rời khỏi Mỹ

Quyền Cục trưởng Cục Hải quan và Nhập cảnh Mỹ (ICE) Thomas Homan cho biết, trong thời gian từ ngày 22/1 đến cuối tháng 4 vừa qua, cơ quan này đã bắt giữ 41.318 người nhập cư, tăng nhiều so với con số 30.028 người trong cùng kỳ năm ngoái.

Nhằm vào người có “vết đen”

Trong đó, 2/3 số người bị bắt với cáo buộc phạm tội hình sự, còn số người bị bắt vì nhập cư trái phép đã tăng vọt hơn 150%, từ 4.200 người cùng kỳ năm ngoái lên thành 10.800 người kể từ đầu năm tới nay. Ông Homan cho biết ngoài những người bị ra lệnh trục xuất dù không phạm tội nào khác, ICE thường nhằm vào những người di cư có nguy cơ gây mất an ninh quốc gia hoặc có tiền án, tiền sự.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump cam kết sẽ trục xuất nhiều nhất có thể trong số 11 triệu người được cho là nhập cư trái phép, kể cả những người đã sinh sống và làm việc tại Mỹ nhiều thập kỷ qua. Chính quyền mới tại Mỹ chủ trương tập trung vào những đối tượng nhập cư trái phép có hành vi phạm pháp, đặc biệt là các trường hợp tham gia vào các băng đảng tội phạm hay các nhóm buôn bán ma túy.

Tổng thống Trump cũng đã ký Sắc lệnh cấm người dân từ 7 quốc gia (Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen) vào Mỹ trong 90 ngày, song vấp phải sự phản đối của các tòa án liên bang. Đến ngày 16/3, chính quyền của Tổng thống Mỹ đã sửa đổi Lệnh cấm này, rút Iraq khỏi danh sách, song cũng nhanh chóng bị các tòa án ở Maryland và Hawaii chặn lại. Tuy nhiên, ông Trump khẳng định sắc lệnh trên nhằm bảo đảm an toàn cho người Mỹ trước các cuộc tấn công khủng bố.

Gia tăng số quá hạn thị thực

Về phần mình, Bộ An ninh nội địa Mỹ ngày 22/5 cho biết có 739.478 người nước ngoài thuộc diện phải rời khỏi nước Mỹ do thị thực quá hạn. Những người này đến Mỹ bằng đường hàng không và đường biển, chưa kể số người đến và sống ở Mỹ bất hợp pháp bằng các đường khác.

Các trường hợp quá hạn thị thực nêu trên được tính từ tháng 10/2015 đến tháng 9/2016, nhiều hơn dân số của bang Alaska. Theo Bộ An ninh nội địa Mỹ, số người có thị thực quá hạn chiếm 1,5% trong tổng số 50,4 triệu lượt khách du lịch đến Mỹ bằng đường hàng không và đường biển trong giai đoạn trên. Canada là một trong những nước dẫn đầu về số người quá hạn thị thực ở Mỹ, thường là doanh nhân và khách du lịch, tiếp đến là Mexico, Brazil, Venezuela và Anh, trong khi Đức, Colombia, Trung Quốc, Ấn Độ và Italy cũng nằm trong tốp 10.

Ước tính hiện ở Mỹ có khoảng 40% trong tổng số khoảng 11 triệu người nước ngoài sống bất hợp pháp do thị thực quá hạn. Tỷ lệ quá hạn thị thực gia tăng trong số du học sinh và số cá nhân tham gia các chương trình trao đổi, với 79,818 trường hợp trong tổng số 1,5 triệu người, chiếm khoảng 5,5%. Trung Quốc dẫn đầu số du học sinh ở lại Mỹ quá hạn, tiếp theo là Saudi Arabia, Hàn Quốc, Ấn Độ và Brazil.

Lần đầu tiên trong ít nhất 2 thập kỷ qua, Bộ An ninh nội địa Mỹ hồi năm ngoái đã công bố số người đến Mỹ bằng đường hàng không hoặc đường biển và ở lại nước này quá hạn thị thực trong giai đoạn từ tháng 10/2014 đến tháng 9/2015.

Tuy nhiên, khác với báo cáo lần đầu tiên chỉ tính riêng doanh nhân và khách du lịch, báo cáo vừa được công bố của Bộ An ninh nội địa Mỹ tính thêm số sinh viên; cá nhân tham gia các chương trình trao đổi, giao lưu hoặc đào tạo (thị thực J); và lực lượng được cấp thị thực lao động tạm thời. Bộ này cho biết trong tương lai sẽ bổ sung cả dữ liệu về người nhập cảnh Mỹ bằng đường bộ.

Xem xét sắc lệnh cấm nhập cảnh

Trong khi đó, cuộc chiến pháp lý liên quan tới sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn nóng lên khi tòa phúc thẩm số 9 tiến hành phiên điều trần về văn kiện vốn đã 2 lần bị các tòa án chặn kể từ tháng 1 vừa qua.

Tại tòa án phúc thẩm thành phố Seattle, bang Washington, một hội đồng gồm 3 thẩm phán đã chất vấn ông Jeffrey Wall, quyền Tổng biện lý sự vụ Mỹ - đại diện cho chính phủ trong các vụ án tại Tòa án Tối cao để xem xét luận cứ về tính hợp pháp của sắc lệnh cấm nhập cảnh. Trong phần trình bày lý lẽ kéo dài 30 phút, ông Wall khẳng định mục đích của sắc lệnh cấm nhập cảnh sửa đổi, được Tổng thống Trump ký ngày 6/3 vừa qua, không nhằm chống lại người Hồi giáo.

Ông nêu rõ sắc lệnh này không liên quan tới những phát ngôn của ông Trump về người Hồi giáo trong chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái, và các thẩm phán không nên coi những phát ngôn này là một luận cứ để xem xét tính hợp pháp của sắc lệnh. Trước đó, Nhà Trắng nhiều lần khẳng định mục đích của lệnh cấm là nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, một lĩnh vực mà các Tổng thống Mỹ có quyền hạn rộng lớn.

Tác giả bài viết: N.Uyên (tổng hợp)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP