Số hóa

Facebook chèn bản đồ sai lệch chủ quyền Trường Sa - Hoàng Sa

Trên bản đồ dùng để hỗ trợ các nhà quảng cáo, Facebook đang mặc nhiên cho rằng 2 quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa, vốn đang tranh chấp, thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Các group chuyên về marketing ở Việt Nam đang xôn xao về việc Facebook gộp chung hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa vào lãnh thổ của Trung Quốc trên bản đồ tích hợp vào mạng xã hội này.

Cụ thể, ở mục chọn vị trí đối tượng chạy quảng cáo, khi người dùng nhập tên "Trung Quốc", Facebook sẽ khoanh vùng, hiển thị vị trí lãnh thổ của quốc gia này theo màu sắc.

Lúc này, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được Facebook hiển thị cùng màu (xanh) với lãnh thổ Trung Quốc.

Zing.vn đã liên lạc với bà Lê Diệp Kiều Trang, Giám đốc Facebook Việt Nam nhưng vị đại diện này chưa có câu trả lời về vụ việc. Một nguồn tin khác cho biết đã báo cáo vấn đề này đến đội ngũ chính sách của Facebook.

Khi chọn vị trí đối tượng trong cài đặt quảng cáo, Facebook đã cố tình gom người dùng ở Hoàng Sa và Trường Sa vào lãnh thổ Trung Quốc.

Việc Facebook sử dụng bản đồ lệch lạc về chủ quyền đang gây xôn xao trên các nhóm chuyên về quảng cáo và marketing.

"Không hiểu sao Facebook làm vậy. Khi chọn quảng cáo ở Việt Nam, hai quần đảo đó không hiện ra. Nhưng đến khi click chọn quảng cáo target (nhắm đến) người dùng Trung Quốc, Facebook liệt kê luôn cả những người Trường Sa - Hoàng Sa", Nguyễn Thế Khanh, nhân viên của một agency chuyên chạy các chiến dịch quảng cáo ở TP.HCM, cho biết.

"Xét về hiệu quả cũng không đúng. Người ở Hoàng Sa, Trường Sa cũng không phải đối tượng khách hàng để có thể quảng cáo hay bán hàng", Trần Minh, quản trị viên một nhóm chuyên sâu về marketing hơn 10.000 thành viên, nhận định.

Hiện mạng xã hội Facebook với hơn 2 tỷ người dùng đang sử dụng hai nguồn bản đồ công nhận trái phép Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc trên nền tảng của mình. Đó là Openstreetmap và Here Maps (đang do Nokia phát triển).

Cụ thể, trong phần bản đồ hiển thị mật độ người dùng livestream, Facebook sử dụng nguồn từ Openstreetmap. Bản đồ này hiển thị dòng chữ "Sansha" có nghĩa là Tam Sa, cách Trung Quốc gọi tên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Bản đồ mật độ livestream của Facebook ngang nhiên gọi khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam với tên gọi Sansha (Tam Sa).

Khi được tích hợp vào Facebook, dòng chữ Sansha (Tam Sa - cách mà Trung Quốc gọi tên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam) vẫn xuất hiện.

Trên trang chủ Openstreetmap, bản đồ này khoanh vùng lãnh thổ Trung Quốc gồm cả hai quần đảo của Việt Nam.

Trong khi đó, Here Maps của Nokia không thể hiện như Openstreetmap, nhưng khi được tích hợp vào Facebook, phần bản đồ biển Đông vẫn xuất hiện những đường vẽ sai lệch về chủ quyền.

"Tôi nghĩ đây có thể là sai sót vì Facebook hiện không được sử dụng phổ biến ở Trung Quốc. Việc cho phép nhà quảng cáo nhắm mục tiêu đến các khu vực này không có ý nghĩa gì về kinh tế", ông Nguyễn Khoa Hồng Thành, Operations Director của Isobar Việt Nam, một công ty truyền thông ở TP.HCM, cho biết.

"Tuy vậy, Facebook nên có động thái về sự cố này để từ đó chúng ta mới biết được lập trường của họ đối với vấn đề chủ quyền của Việt Nam", ông Thành nói thêm.

Nói với Zing.vn, Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP.HCM cho rằng theo công ước quốc tế, dù Trung Quốc đang chiếm đảo Hoàng Sa nhưng đây vẫn là lãnh thổ đang tranh chấp, vì vậy Facebook không thể dùng tên Tam Sa để gọi vị trí này.

"Còn về Trường Sa, quần đảo này vừa được tòa án thế giới nhận định là những bãi nổi/chìm. Vì vậy việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại đây không được công nhận", ông Việt nói.

Bản đồ Openstreetmap mà Facebook đang sử dụng cũng mặc nhiên công nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền...của Trung Quốc bằng cách hiển thị trong phần đường viền màu cam.

Năm 2015, Google cũng từng gây tranh cãi khi sử dụng tên gọi Tam Sa đặt cho đảo Phú Lâm của Việt Nam trên bản đồ Google Maps.

Sau đó, Google đã thực hiện sửa đổi, đánh dấu toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bằng tên quốc tế là Paracel. Việc tìm kiếm "Tam Sa" (Sansha) theo cách gọi của Trung Quốc trước đây với đảo Phú Lâm đã không còn hiệu lực.

Cái gọi là "thành phố Tam Sa" được Trung Quốc dựng lên từ tháng 7/2012 nhắm thực hiện kế hoạch chiếm và kiểm soát Biển Đông trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines.

Trước đó, một chiến dịch vận động trên trang web Change.org với hơn 2.000 người ký tên yêu cầu Google Maps bỏ tên tên tiếng Hoa khỏi bãi cạn tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines. Hiện bãi cạn cũng được đánh dấu bằng tên quốc tế là Scarborough, thay vì được xem là một phần của quần đảo Trung Sa (Zhongsha), thuộc "Tam Sa" như trước đây.

Tác giả: Xuân Tiến

Nguồn tin: zing.vn

  Từ khóa: hình ảnh ,Facebook ,bản đồ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP