Kinh tế

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: 67 tỷ USD làm 1.541km qua 20 địa phương

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam dự kiến sẽ đi qua 20 địa phương, với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 1.541km. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 67,34 tỷ USD).

Tại Hội nghị lần thứ 10 khóa XIII (tháng 9/2024), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Ban cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định thông qua chủ trương và một số cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư dự án.

Định hình hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Triển khai Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và đã có dự thảo tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam gửi Quốc hội.

Ảnh minh họa.

Theo dự thảo này, việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến năm 2035.

Theo đó, dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai,TP. HCM. Trong đó, điểm đầu tại TP. Hà Nội với tổ hợp ga Ngọc Hồi - đầu mối vận chuyển hành khách và hàng hóa phía Nam của khu đầu mối đường sắt Hà Nội; điểm cuối tại TP. HCM là ga Thủ Thiêm - đầu mối vận chuyển hành khách phía Đông của khu đầu mối đường sắt TP. HCM. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 1.541km.

Về tốc độ thiết kế, dự thảo nêu rõ tốc độ 250km/h đã phát triển cách đây khoảng 50 năm và phổ biến trong giai đoạn khoảng 25 năm trở về trước, phù hợp với các tuyến ngắn và trung bình; tốc độ 350km/h và cao hơn đang là xu thế phát triển trên thế giới, phù hợp với các tuyến dài từ 800km trở lên, tập trung nhiều đô thị có mật độ dân số cao như hành lang Bắc - Nam của nước ta. Kinh nghiệm thế giới cho thấy với chiều dài tuyến lớn hơn 800km thì tốc độ 350km/h hấp dẫn hơn và có khả năng thu hút lượng hành khách cao hơn so với tốc độ 250km/h.

Theo tính toán của tư vấn, trên chặng Hà Nội – TP. HCM, tốc độ 350km/h có khả năng thu hút hành khách cao hơn khoảng 12,5% so với tốc độ 250km/h . Chi phí đầu tư tốc độ 350km/h cao hơn tốc độ 250km/h khoảng 8-9% (hạ tầng cao hơn khoảng 7%; phương tiện, thiết bị cao hơn khoảng 17%). Tuy nhiên, nếu đầu tư với tốc độ 250km/h, việc nâng cấp lên tốc độ 350km/h là khó khả thi và không hiệu quả. Vì vậy, Chính phủ kiến nghị lựa chọn tốc độ thiết kế 350km/h cho tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để đáp ứng tiêu chí hiện đại, đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa kinh tế nước ta và xu hướng trên thế giới.

Trên cơ sở các phân tích, Chính phủ kiến nghị phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; chiều dài khoảng 1.541km với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết; đường sắt Bắc - Nam hiện hữu vận chuyển hàng hóa và khách du lịch có cự ly phù hợp.

Dự án sẽ sử dụng 3 loại kết cấu chính đó là kết cấu cầu - khoảng 60% chiều dài tuyến, áp dụng trong trường hợp tuyến đi qua khu vực đô thị, dân cư đông đúc, vượt sông và các khu vực giao cắt với các công trình khác (đường sắt hiện tại, đường bộ,...); kết cấu hầm - khoảng 10% chiều dài tuyến, áp dụng khi tuyến đi qua khu vực đồi núi cao; kết cấu nền đất - khoảng 30% chiều dài tuyến, áp dụng khi tuyến đi qua khu vực dân cư thưa, không giao cắt với công trình khác và vùng ít bị ảnh hưởng của lũ lụt, động đất, có điều kiện địa chất ổn định.

Giá vé dự kiến bằng 75% giá vé máy bay

Giá vé đường sắt tốc độ cao dự kiến bằng khoảng 75% giá vé máy bay trung bình của hàng không giá rẻ và hàng không phổ thông. Để phù hợp với khả năng chi trả, thu hút hành khách, vé đường sắt tốc độ cao chia làm 3 mức giá tương ứng với các đối tượng, mức độ tiện nghi khác nhau. Giá vé đề xuất không có sự khác biệt lớn đối với các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam hoặc với tuyến đường sắt tốc độ cao có chiều dài lớn, thấp hơn hàng không, cao hơn đường bộ nhưng chất lượng dịch vụ cao hơn, tiết kiệm thời gian, an toàn, tiện nghi nên tăng tính hấp dẫn và khuyến khích người dân tiếp cận dịch vụ đường sắt tốc độ cao.

Ảnh minh họa.

Theo tính toán sơ bộ, tổng nhu cầu chiếm dụng đất của dự án khoảng 10.827ha. Trong đó, 894ha đất ở; 6.309ha đất nông nghiệp; 30ha đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; 2.567ha đất rừng; 1.027ha đất khác (giao thông, sông suối, đất chưa sử dụng...). Số hộ bị ảnh hưởng dự kiến khoảng 30.209 hộ. Diện tích rừng cần chuyển mục đích sử dụng khoảng 2.567ha; diện tích đất lúa cần chuyển đổi mục đích sử dụng khoảng 3.655ha. Kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư dự kiến hết khoảng 149.770 tỷ đồng.

Chính phủ dự kiến phân chia dự án thành 4 dự án thành phần và đồng thời triển khai. Trong đó, dự án thành phần 1 sẽ là đoạn từ ga Ngọc Hồi (TP. Hà Nội) đến ga Vinh (tỉnh Nghệ An) có tổng chiều dài khoảng 281km; dự án thành phần 2 là đoạn từ ga Vinh (tỉnh Nghệ An) đến ga Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng) có tổng chiều dài khoảng 420km; dự án thành phần 3 là đoạn từ ga Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng) đến ga Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa) có tổng chiều dài khoảng 480km; dự án thành phần 4 sẽ là đoạn từ ga Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa) đến ga Thủ Thiêm (TP. HCM) có tổng chiều dài khoảng 360km.

Trên cơ sở lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật, quy mô đầu tư, tham khảo suất đầu tư các dự án đường sắt tốc độ cao đã và đang triển khai trên thế giới, sơ bộ xác định tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.713.594 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD). Trong đó ước tính các hạng mục chi phí bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 149.770 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị là 974.495 tỷ đồng; chi phí phương tiện đầu máy toa xe là 110.376 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác là 162.731 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 260.783 tỷ đồng; chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng khoảng 55.438 tỷ đồng.

“Tổng mức đầu tư dự án được tính toán, xác định tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam dự kiến đầu tư với chiều dài kết cấu 60% là cầu, 10% là hầm và 30% là nền đất nên suất đầu tư dự án khoảng 43,7 triệu USD/km. Đây là mức trung bình so với một số tuyến đường sắt tốc độ cao trên thế giới có cùng dải tốc độ khai thác khi quy đổi về thời điểm năm 2024”, dự thảo tờ trình của Chính phủ nhấn mạnh.

Với tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án khoảng 67,34 tỷ USD, bố trí vốn trong khoảng 12 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỷ USD, tương đương khoảng 16,2% kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 nếu giữ nguyên tỷ lệ đầu tư công trung hạn chiếm 5,5-5,7% GDP như hiện nay. Quy mô nền kinh tế năm 2023 gấp gần 3 lần so với năm 2010, đạt 430 tỷ USD; nợ công ở mức thấp, khoảng 37% GDP và dự kiến thời điểm bắt đầu triển khai xây dựng dự án vào năm 2027, quy mô nền kinh tế ước đạt khoảng 564 tỷ USD.

Với tổng mức đầu tư lớn, Chính phủ kiến nghị sử dụng nguồn vốn từ ngân sách trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn góp của các địa phương, vốn huy động có chi phí thấp và ít ràng buộc... Trong quá trình xây dựng và vận hành, Chính phủ cũng đặt mục tiêu sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga; đầu tư thêm phương tiện để khai thác khi có nhu cầu.

Về tiến độ triển khai dự án, Chính phủ dự kiến đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi trong năm 2025-2026; triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công các dự án thành phần cuối năm 2027; phấn đấu xây dựng hoàn thành toàn tuyến năm 2035.

Tác giả: Tuệ Lâm

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP