Vừa qua, như Dân trí đã đưa tin, vụ việc nhiều phụ huynh tại trường tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bất ngờ nhận thông báo con mình sẽ phải chuyển sang trường tiểu học Chu Văn An (Hoàng Mai) trong năm học 2022-2023 để trường "đạt chuẩn quốc gia" đang gây xôn xao dư luận.
Trong thông báo gửi tới phụ huynh, nhà trường cho biết: "Để giảm số học sinh vào trường tiểu học, số lớp học, xây dựng trường chuẩn quốc gia, được sự chỉ đạo của UBND phường Hoàng Liệt, UBND quận Hoàng Mai về việc phân tuyến học sinh năm 2022-2023, nhà trường xin thông báo toàn bộ học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 khu vực HH3 (HH3A - tổ 28, HH3B - tổ 29, HH3C - tổ 30) sẽ được gửi sang trường tiểu học Chu Văn An, phường Hoàng Liệt".
Theo Hiệu trưởng trường tiểu học Hoàng Liệt, việc phân tuyến đã được giao cho giáo viên chủ nhiệm thông báo trong cuộc họp phụ huynh trước đây, đồng thời có thông báo về việc phân tuyến học sinh được dán tại cổng trường.
Tuy nhiên, các phụ huynh đều khẳng định, gia đình không hề nắm được thông tin con em mình bị chuyển trường; nhà trường chưa có bàn bạc hay thông báo với phụ huynh.
Trao đổi với Dân trí, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng thực tế việc phấn đấu, đặt mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là điều cần thiết. Để đạt được mục tiêu này, phải có những điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Tuy nhiên, muốn lấy danh hiệu trường chuẩn quốc gia mà thực hiện theo cách chưa minh bạch, rõ ràng như trên là do bệnh thành tích, sẽ ảnh hưởng đến học sinh, phụ huynh.
"Tôi đồng ý là xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia thì phải có quy định cụ thể: số lớp, số học sinh bao nhiêu. Nhưng việc nhà trường làm ở đây không minh bạch ở chỗ là ai đi ai ở, dựa trên tiêu chí nào; lý do vì sao mà họ để cháu này đi, cháu kia ở. Tóm lại cách làm không được rõ ràng, cho nên phụ huynh phản ứng là tất yếu", PGS Nhĩ nói.
Ông nhấn mạnh, học sinh đang theo học tại trường, tức các cháu có quyền lợi ở đó. Nếu muốn phấn đấu "đạt chuẩn quốc gia", muốn đưa các cháu sang nơi khác, phải tổ chức họp phụ huynh, giải thích minh bạch, rõ ràng với họ thay vì đưa học sinh từ trường này sang trường khác một cách "lặng lẽ" như vậy.
Cũng theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, với số học sinh đang theo học lớn mà muốn xây dựng trường chuẩn quốc gia, có thể đầu tư thêm cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đất đai,… để đúng với tiêu chuẩn số học sinh trong một lớp học. Nếu đất đai của trường hạn chế, không mở rộng được, có thể xây dựng thêm ở một nơi khác để đủ cơ sở học cho học sinh học, không nên đẩy các cháu sang trường khác một cách tùy tiện.
Trường hợp nhà trường không còn giải pháp nào khác, muốn tính đến phương án chuyển các cháu sang trường mới, phải có sự trao đổi, xin ý kiến các phụ huynh; phải nói rõ lý do và các tiêu chí cho rõ ràng, thuyết phục; nhấn mạnh tới việc đảm bảo quyền lợi học sinh.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, một chuyên gia giáo dục khác cho rằng đây là câu chuyện chạy theo bệnh thành tích.
"Tôi nghĩ các cấp quản lý, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai, cao hơn là Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phải rất dứt khoát, kiên quyết chấn chỉnh, không để cho nhà trường thực hiện việc sai này", vị chuyên gia này nói.
Trước đó, thông tin với Dân trí ngày 27/6, ông Trần Quý Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, ngay sau khi có thông tin phụ huynh phản ánh, trong sáng 27/6, UBND quận đã chỉ đạo trường tiểu học Hoàng Liệt tạm dừng ngay lập tức việc phân tuyến.
Theo ông Thái, việc trường lên chuẩn quốc gia là mục tiêu rất tốt, để con em được học tập, bồi dưỡng trong môi trường có cơ sở vật chất tốt hơn. Quận rất quan tâm và ủng hộ nhà trường nhưng cách làm như hiện nay của nhà trường chưa đúng, còn nóng vội.
"Quy trình của trường học trước khi lên chuẩn quốc gia có rất nhiều khâu. Trước hết rà soát số lượng học sinh trên mỗi khối lớp, sau đó phường phân tuyến chứ không phải do trường. Ngoài ra, nhà trường phải rà soát cơ sở vật chất, tỷ lệ giáo viên/học sinh, về thư viện, thậm chí trình độ và số lượng giáo viên đã đáp ứng đủ theo quy chuẩn hay chưa…
Các chủ trương liên quan đến học sinh, trước hết nhà trường phải lấy ý kiến đồng thuận của phụ huynh học sinh và thực hiện theo lộ trình. Việc nhà trường chỉ mới xin chủ trương của quận nhưng bất ngờ chuyển các em đi như vậy là nóng vội, chưa phù hợp, chúng tôi đã nhắc nhở BGH và yêu cầu tạm dừng việc chuyển tuyến với học sinh", ông Thái nói.
Tác giả: Nguyễn Liên
Nguồn tin: Báo Dân trí